Quê ngoại Mai Thúc Loan có làng vật truyền thống 1.300 năm xuất phát từ cuộc khởi nghĩa Hoan Châu
Quê ngoại Mai Thúc Loan có làng vật truyền thống 1.300 năm xuất phát từ cuộc khởi nghĩa Hoan Châu
Tập Thỏa
Thứ năm, ngày 22/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
Tương truyền, làng vật truyền thống xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) có nguồn gốc từ cuộc khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan cách đây 1.300 năm. Hiện nay, lễ hội truyền thống này được tổ chức vào các ngày lễ lớn, lưu giữ nét đẹp truyền thống, tưởng nhớ công lao của ông đối với dân tộc.
Clip: Lễ hội vật của làng Thuận Thiện, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).
Lưu giữ lễ hội vật 1.300 năm tuổi
Theo sách cổ làng Thuần Thiện lưu truyền rằng, ngày xưa các dân cư sống ven núi Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vật rất giỏi, vật vùng này mang tính quần chúng sâu rộng. Có thể kể tên các làng như: Kẻ Treo, Võng Nhi, Quảng Khuyến, Phù Minh, Yên Trí, Tạ Thượng, Thuần Thiện, Trót, Phù Lưu, Trung Ca, Trung Thịnh, Cương Giàng, Uy Viễn... (là huyện Nghi Xuân đến Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.
Môn vật giúp các thanh niên làng rèn luyện thân thể cường tráng để chống với thú dữ và bảo vệ cộng đồng. Dần dà, vật được trở thành môn thể thao văn hóa được quần chúng ưa thích.
Hàng năm vào ngày lễ lớn của dân tộc như: Tết Thượng Nguyên, Nguyên Đán, Trung thu… các làng lại tổ chức giao lưu giữa các đô vật. Tuy nhiên, môn vật này đã mai một theo thời gian. Đến nay, chỉ còn lại làng Thuận Thiện, Can Lộc, (tỉnh Hà Tĩnh) giữ được truyền thống môn thể thao dân tộc này.
Làng vật có truyền thống bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan
Mai Thúc Loan (sinh 670-723), vị vua người Việt thời Bắc thuộc, ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự chiếm đóng của nhà Đường ở Việt Nam vào thế kỷ thứ VIII.
Theo truyền thuyết, mẹ ông vốn là người làng ven biển Mai Phụ, thuộc Hoan Châu (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) không chồng mà tự nhiên có mang. Bị dân làng cười chê, bà xấu hổ nuốt nước mắt bỏ làng trốn đi, phiêu bạt tới thôn Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Ông mang họ mẹ.
Ngay từ nhỏ, Mai Thúc Loan một cậu bé hiếu động, nhanh nhẹn, có sức khỏe hơn người. Sinh thời, Mai Thúc Loan vốn rất khỏe mạnh, giỏi đô vật, học rất giỏi và có chí lớn. Ông mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu việc lớn.
Vì chính quyền nhà Đường lúc bấy giờ có nhiều chính sách bóc lột hà khắc, Mai Thúc Loan đã quyết chí đứng lên khởi nghĩa. Với sự kêu gọi của ông, nhân dân tại làng Thuần Thiện đã hưởng ứng mạnh mẽ. Họ ngày luyện tập võ nghệ, đêm thi vật, thi tài nhằm rèn luyện sức khỏe theo ông để đánh đuổi giặc ngoại bang.
Năm 722, nhà Đường cử Dương Tư Húc đem 10 vạn quân sang đàn áp. Mai Hắc Đế thua trận. Quân giặc điên cuồng tàn sát nghĩa quân và nhân dân.
Sau khi khởi nghĩa Mai Thúc Loan kết thúc, dù thất bại nhưng đó đã để lại những ý nghĩa vô cùng to lớn. Bên cạnh đó, cổ vũ tinh thần rèn luyện sức khỏe và tinh thần chiến đấu của nhân dân ta trong những cuộc khởi nghĩa ở giai đoạn tiếp theo.
Đến đời Lý, chùa chiền được xây cất nhiều nơi ở núi Hồng Lĩnh. Các lễ hội cũng được tổ chức quanh năm thì môn vật cũng được xếp là môn thể thao hàng đầu được nhân dân tham gia rộng rãi. Những cuộc thi vật giữa các làng được tổ chức, vì vậy những luật lệ, quy cách của hội vật cũng được hình thành từ đó.
Làng vật cổ truyền qua hồi ức của các bô lão
Nhớ lại ngày bé được cha dạy vật, cụ Thái Trường Xuân (82 trú tại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc), nói: "Thuần Thiện là 1 xã tại Vùng hạ can thuộc huyện Can Lộc nhưng có truyền thống vật lâu đời. Ngay từ nhỏ, tôi cùng các anh, chị của mình đã được cha mình bày cho những thế vật, cách vật để nhanh chóng chiến thắng được đối thủ. Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với những buổi cùng nhau tập vật với bạn bè tại đồi thả chăn bò.
Hiện nay, chúng tôi cũng khuyến khích con cháu mình rèn luyện sức khỏe, trong đó có môn vật. Nó không chỉ giúp các cháu có sức khỏe dẻo dai, mà còn tránh xa tệ nạn xã hội, đoàn kết giữa làng xóm".
Cụ Xuân cho biết, trước đây tuy kinh tế còn khó khăn nhưng khi tổ chức lễ hội vật cũng lắm công phu. Đối với bãi vật, người Thuần Thiện thường chọn nơi thoáng mát, có thảm cỏ để được an toàn. Kiêng kị nhất 1 bãi vật thẳng với mặt đình chùa. Vì làm như vậy là bất cẩn với thần linh.
Người Thuần Thiện có câu nói: "Muốn vật phải sắm khố". Khố làm từ những bẹ của những cây chuối hột, mọc ở nơi sạch sẽ, lá xanh tươi và không bị sâu được bện xoắn vào nhau. Tượng trưng cho sự khỏe khoắn của những chàng trai.
Còn trẻ là tay vật cừ khôi của làng Thuần Thiện, cụ Bùi Quốc Á (75 tuổi), nhớ lại: "Làng Thuần Thiện tổ chức vật vào những ngày lễ lớn của làng như: Giỗ Thánh Mẫu 3/3, hội chùa Hương 18/2, rằm tháng bảy, rằm tháng giêng, trung thu… trai làng chúng tôi nô nức tham gia. Thời ấy tôi cũng là 1 tay vật cừ khôi của làng Thuần Thiện".
Bật mí về những thế (chước) vật đặc trưng của đô vật làng Thuần Thiện, cụ Á cho hay: "Vật làng Thuần Thiện gồm có 4 chước gồm: Cõng, vóc, lấy ngồi và chước vụt. Chước cõng thực chất là dùng điểm tựa đòn bẩy, níu đầu và vai đối thủ xuống, hất ngược chân đối thủ lên, dùng sức mạnh toàn thân quật ngã đối thủ một cách nhanh và chuẩn xác.
Muốn vật chước cõng thì tay phải của mình nắm chặt được tay trái của đối phương. Dùng tay ôm cổ cổ và vai, nhanh như cắt ghép mông vào bụng đối thủ dùng sức mạnh hất nổi chân đồng thời níu đầu kéo tay đối phương xuống làm cho đối không kịp trở và ngã xuống bãi vật".
" Về chước vóc, tay phải đô vật phải khống chế được tay và bờ vai của đối thủ. Chân phải trụ thật vững, chân trái ngoèo vào chân phải đối thủ kiểu bện dây thừng. Khi đã bện chặt được chân của đối thủ thì nhanh chóng hất chân ra phía sau, đưa cao lên khiến đối phương không thể trụ vững và ngã ngay tại chỗ.
Muốn vật chước lấy ngồi thì điều đầu tiên là phải nắm được khố của đối thủ, giật mạnh và kéo đối thủ quay lui xung quanh mình, nhanh chóng hạ thấp người và đưa chân ra ngáng để đối thủ bị vướng và ngã.
Chước vụt khá nguy hiểm ai bị ngã ở chước này đều rất đau, nặng thì có thể vỡ mặt gãy tay. Muốn vật chước này thì khi vào cuộc phải cúi thấp người, tay phải nắm lấy khố, tay trái nắm cổ hoặc đầu đối phương ghì xuống. Khi đã nắm được cổ của đối thủ thì đứng dậy dùng lực đôi tay quay thủ một vài vòng và vút nhanh ra xa. Sau đó nhanh chóng lại đè lên đối thủ và lật cho lưng lấm đất là chiến thắng." cụ Á nói.
Phong tục làng Thuần Thiện chép lại, trước khi vật ban tổ chức sẽ thắp hương cầu thần linh về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bên cạnh đó cầu các đô vật khi thi đấu được an toàn.
Trống nổi lên ba hồi chín tiếng, hai đô vật vào bãi. Nghe trống đánh một hồi ba tiếng nữa thì các đô vật múa vật. Động tác múa là để khởi động và biểu dương khí thế. Sau khi múa các đô vật vào vật chính thức.
Theo quan niệm, người cầm trống phải là một chức sắc như: chánh phó lý, tước phẩm là thất phẩm, bát phẩm, hoặc phú hộ trong làng. Ít nhất người cầm trống phải là một đô vật khi về già.
Lối vật ở Thuần Thiện không xếp đôi, người nào muốn vật thì đứng ra thách kèo. Nếu thắng cuộc thì ở lại chờ người khác đến thách đấu, nếu thua thì loại trực tiếp. Có khi một người vật có thể vật thắng 5 người liên tục.
Làng cũng quy định nếu ai thắng ba người thì được một xu tiền kẽm, thắng năm người được thưởng một xu tiền đồng (một xu tiền đồng bằng 3 xu tiền kẽm, quy định vào đầu TK XVIII).
Hội vật thường tổ chức nhiều ngày, đến lúc không ai vật với người cầm lèo (người vô địch -không còn ai thách đấu) nữa mới thôi. Người này được ngồi ở một ghế đẩu đối diện với người cầm trống, có các thôn nữ trong làng mời nước, mời trầu lại có người đứng quạt nếu trời oi bức.
Người cầm lèo được làng mời bữa cơm rượu với chánh phó lý và các chức sắc, thủ chỉ, làng tặng người cầm lèo 15 chuông lụa vàng. Nếu người cầm lèo ấy là người của làng khác thì sau bữa tiệc ra về được các cô gái xinh đẹp nhất và các đồ vật của làng Thuận Thiên tiễn đưa ra đến đầu làng.
Ngày nay người Thuần Thiện thích vật và vật rất giỏi, vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống. Tuy nhiên, luật vật và cách thức tổ chức hội vật Thuần Thiện đã có chút thay đổi nhằm phù hợp với văn hóa hiện đại.
Là người vật thắng 5 vòng liên tiếp, em Lê Thiện Nhân (SN 2009, trú tại thôn Tây Hồ, xã Thuần Thiện), cho biết: "Em rất tự hào khi được sinh ra trên mảnh đất quê hương có lễ hội vật truyền thống này. Em rất đam mê vật, những khi xã tổ chức hội thi vật em đều đến xem, ngoài ra em còn xem ở trên mạng internet và sách báo. Học vật giúp em có sức khỏe tốt, khéo léo để học tập tốt hơn."
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Sỹ Thái -Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện, cho biết: "Lễ hội vật của làng Thuận Thiện có từ thời Mai Thúc Loan (năm 1722). Từ đó đến nay, địa phương duy trì lễ hội truyền thống này vào các ngày lễ lớn như: Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2/9… Thông qua lễ hội vật, các trai làng vừa rèn luyện được sức khỏe, khéo léo bên cạnh đó tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa các thôn. Về quy mô, chính quyền địa phương sẽ tổ chức lễ hội năm sau lớn, quy mô hơn năm trước".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.