Tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021": Kịp thời động viên nông dân vượt khó trong đại dịch Covid-19

Thu Hà - Trần Quang Thứ tư, ngày 24/11/2021 13:16 PM (GMT+7)
Sáng nay 24/11, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam tổ chức họp báo công bố Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021" và chuỗi sự kiện thuộc Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021.
Bình luận 0
Kịp thời biểu dương "siêu nông dân" bứt phá trong đại dịch - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại họp báo công bố Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021" và chuỗi sự kiện thuộc Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021. Ảnh: Lê Hiếu

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Tình hình dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát tại Việt Nam. Khi các hoạt động kinh tế xã hội đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, hôm nay 24/11 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức buổi họp báo công bố danh sách 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 và chuỗi sự kiện thuộc Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam 2021".

Vượt khó vươn lên trong đại dịch Covid-19

Đây là những sự kiện, hoạt động được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp chỉ đạo, tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2021), nhưng vì tình hình dịch Covid-19 bùng phát phải lùi lại vào tháng 12/2021.

Ông Sơn cho biết: Mặc dù 2 năm 2020, 2021, nền kinh tế Việt Nam, trong đó có kinh tế nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; bản thân một số Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 cũng bị thiệt hại bởi sự đứt gãy đột ngột của chuỗi cung ứng nông sản, của hệ thống vận chuyển, phân phối, nhưng mỗi người đều mang một thông điệp riêng, mỗi người là một câu chuyện làm giàu, sống đẹp, sống có ích, đặc biệt tinh thần vượt khó vươn lên trong đại dịch Covid-19.

"63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 được tôn vinh và trao danh hiệu đều là những người xứng đáng. Họ có thể không phải là người mang về thu nhập cao nhất, cũng có thể không phải là người có thành tích đặc biệt xuất sắc nhất trong sản xuất nông nghiệp, nhưng họ đều là những tấm gương biết vượt khó vươn lên và có tầm ảnh hưởng, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng...

Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn rằng ngày càng có nhiều hơn con số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc, để bức tranh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta ngày càng tốt đẹp, bền vững" ông Sơn nhấn mạnh.

Kịp thời biểu dương "siêu nông dân" bứt phá trong đại dịch - Ảnh 2.

Họp báo công bố danh sách 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 và chuỗi sự kiện thuộc Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021 thu hút đông đảo đại biểu, phóng viên báo, đài truyền hình. Ảnh: Lê Hiếu

Cùng với Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021"; trong chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021 còn có Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 với chủ đề: "Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp"; hội thảo, tọa đàm "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" là các sự kiện, hoạt động có ý nghĩa chính trị, kinh tế và thiết thực với hội viên, nông dân.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đang được ứng dụng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và ở ngay chính Việt Nam. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với hiệu quả tối ưu trong sản xuất nông nghiệp sẽ là cánh cửa, một hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế. 

Để đạt được mục đích đó thì yêu cầu đặt ra là phải thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đáp ứng yêu cầu đó chính là mục đích mà Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 được tổ chức.

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Nghĩa là người tiêu dùng có thể sử dụng các giấy tờ có giá (chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi…), tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ để thanh toán, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người tiêu dùng và người bán trực tiếp trao đổi với nhau hiện nay…

Đối với nhiều nông dân, khái niệm thanh toán không dùng tiền mặt dường như rất xa lạ. Nhưng đối với nhiều nông dân, nhất là những nông dân hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với thanh toán điện tử, với thương mại điện tử, với bán hàng qua mạng xã hội thì lại trở nên dễ hiểu, dễ thực hiện. 

Để càng nhiều hơn nông dân hiểu về thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng, thực hành thông thạo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đó chính là mục đích hướng tới của sự kiện hội thảo, tọa đàm "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" ông Sơn chia sẻ.

Tích cực hỗ trợ nông dân sau lễ tôn vinh

Tại buổi họp báo nhiều phóng viên các báo, đài hỏi và quan tâm nhiều đến các tiêu chí bình lựa chọn, tôn vinh nông dân xuất sắc, hỗ trợ nông dân sau lễ tôn vinh...

Phóng viên Thanh Tâm, Tạp chí Kinh tế nông thôn hỏi: Được biết nông dân xuất sắc do Hội ND cấp tỉnh bình chọn sơ bộ bước 1, sau đó gửi hồ sơ đề cử lên T.Ư Hội. Xin hỏi ông Nguyễn Đăng Khang- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh, ở cấp tỉnh nông dân xuất sắc được bình chọn như thế nào?

Ông Khang cho hay: Căn cứ điều lệ của Ban Tổ chức Chương trình, để chọn được những Nông dân Việt Nam xuất sắc nhất đại diện cho tỉnh Bắc Ninh, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã triển khai, chỉ đạo các cấp Hội tiến hành rà soát, giới thiệu các hộ nông dân đạt các tiêu chí theo Điều lệ.

Trên cơ sở đó, Hội ND đã tiến hành thẩm định thực tế tại mô hình để đánh giá, bình xét hộ tiêu biểu nhất cấp huyện và gửi hồ sơ đề nghị lên tỉnh. Trên cơ sở hồ sơ giới thiệu của cấp huyện, Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành thẩm định, đề cử 2 nông dân xuất sắc nhất tham gia bình chọn cấp Trung ương.

Trong đó ưu tiên quan tâm đến các tiêu chí như: ngành nghề, hiệu quả kinh tế, tham gia công tác xã hội, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số, an toàn thực phẩm…

So với các địa phương khác, tỉnh Bắc Ninh không có nhiều diện tích đất nông nghiệp, tuy nhiên theo tôi chân ruộng, chất đất không quan trọng bằng việc ứng dụng công nghệ.

"Qua 9 lần tôn vinh, có thể khẳng định các nông dân được đề cử ngày càng đa dạng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Các mô hình có quy mô, hiệu quả cao, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các quy trình, phương thức sản xuất ngày càng chuyên nghiệp hơn, có mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất.

Sản phẩm được chú ý hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; hình thức, mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm được coi trọng; gắn sản xuất với phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ số và bảo vệ môi trường. Đặc biệt ngoài sản xuất để phát triển kinh tế cho gia đình, các nông dân xuất sắc còn quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ hội viên khó khăn...", ông Khang khẳng định.

Phóng viên Phúc Hiếu – Báo Nông nghiệp Việt Nam hỏi: Một trong những điểm mới của Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 là ứng dụng chuyển đổi số. Xin hỏi Ban Tổ chức đã đưa ra những tiêu chí cụ thể nào để bình chọn ra những nông dân chuyển đổi số xuất sắc nhất?

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng Biên tập Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt trả lời: Thời gian gần đây, vấn đề chuyển đổi số khá thời sự. Đặc biệt, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Qua thống kê, kinh tế số đóng góp chiếm 20% GDP. Đón đầu thông tin đấy, chúng tôi thấy đang có một phong trào về phát triển kinh tế số phát triển mạnh mẽ hưởng ứng quyết định phát triển của Thủ tướng. Hiện nay phong trào nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông dân 4.0, nông dân chuyển đổi số diễn ra rất mạnh mẽ.

Tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021": Kịp thời động viên nông dân vượt khó trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng Biên tập Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt cho biết, năm nào chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam cũng có vài nông dân tham gia chuyển đổi số. Năm nay, số nông dân tham gia chuyển đổi số có số lượng vượt bậc. Ảnh: Lê Hiếu

Nhà báo Văn Hoài cho biết thêm, năm nào chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam cũng có vài nông dân tham gia chuyển đổi số. Năm nay, số nông dân tham gia chuyển đổi số có số lượng vượt bậc. Cụ thể, trong nhóm thứ 4 có 14 nông dân về phát minh khoa học, chuyển đổi số thì có 10 cá nhân được bình chọn là đi đầu trong chuyển đổi số.

Hiện, Ban Tổ chức chưa xây dựng được 1 bộ tiêu chí chi tiết, tuy nhiên chúng tôi vẫn có những định hướng cụ thể để đánh giá, bình chọn. Tiêu chí cụ thể đối với nông dân tham gia chuyển đổi số là nông dân phải am hiểu, có kiến thức về nông nghiệp 4.0, chuyển đổi số và có công nghệ áp dụng chuyển đổi số, chuỗi công nghệ trong sản xuất. 

Thứ 2: Trong sản xuất của nông dân có các chuỗi công nghệ được áp dụng, được Sở KHCN, địa phương công nhận.

Thứ 3: Trong mô hình sản xuất đó, nông dân phải tham gia các chuỗi liên kết, các sàn thương mại điện tử. Tôi nghĩ có nhiều cách nhìn khác nhau về nông dân chuyển đổi số, nhưng các thành viên Ban Giám khảo đã có những tiêu chí, định hướng như trên để bình chọn.

PV  Văn Phúc, báo Sài Gòn giải phóng hỏi:  Sau nhiều năm tôn vinh các nông dân Việt nam xuất sắc, BTC đã hỗ trợ như thế nào cho bà con sau lễ tôn vinh?  Hiện nay,  việc lựa chọn tôn vinh nông dân ở các lĩnh vực như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trả lời: Trong tiêu chí bình chọn, tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc các năm, chúng tôi luôn đặt ra tiêu chí là phải tôn vinh nông dân ở tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề, các phong trào để khuyến khích, động viên nông dân. Qua đó để kịp thời động viên nông dân, khuyến khích, biểu dương khen thưởng tôn vinh toàn diện, không riêng gì lĩnh vực nào.

Tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021": Kịp thời động viên nông dân vượt khó trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Phóng viên Văn Phúc, báo Sài gòn giải phóng trao đổi tại buổi họp báo. Ảnh: Lê Hiếu

Từ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, rừng, xây dựng nông thôn mới, an ninh biên giới, kinh tế biển đảo. Đặc biệt trong năm nay Ban tổ chức còn lựa chọn nông dân ở lĩnh vực chuyển đổi số, các nông dân có phát minh, sáng chế mới

Cùng với hoạt động tôn vinh, ông Sơn khẳng định: Chương trình còn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ nông dân sau lễ tôn vinh. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng như Hội ND các tỉnh, thành phố không chỉ  tôn vinh các nông dân, mô hình điển hình mà còn hỗ trợ, đầu tư để các mô hình này phát triển bền vững và nhân rộng thêm tại các địa phương.

Trong 1-2 năm vừa qua, Trung ương Hội cùng với Hội ND các tỉnh, thành xây dựng 18 mô hình điểm tại các cụm thi đua. Hiện tại 63 tỉnh, thành Trung ương Hội phân thành các cụm thi đua, trong mỗi cụm thi đua đều có các mô hình điểm, nhưng hộ làm mô hình này đều là những nông dân Việt Nam xuất sắc.

"Trong Chương trình tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc các năm tới, chúng tôi sẽ tính đến nhiều hơn nữa các vấn đề, mô hình, dự án tiêu biểu ở các lĩnh vực, mô hình, phong trào mới để vừa tôn vinh vừa đầu tư sau tôn vinh", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021vượt bão dịch Covid-19 nhờ ứng dụng khoa học công nghệ

Với mô hình trồng, sản xuất, chế biến nấm đông trùng hạ thảo sử dụng công nghệ nuôi cấy vi sinh, kết hợp với trang thiết bị máy móc hiện đại trong nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội là 1 trong 9 nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 có doanh thu khủng nhất - trên 40 tỷ đồng/năm. Mô hình của chị tạo công ăn việc làm cho 98 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân của người lao động: 7 triệu đồng/tháng.

img

Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi họp báo

Chia sẻ tại buổi họp báo, chị Hồng cho biết: Nói đến nông dân nhiều người nghĩ đến hình ảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời lấy công làm lãi". Nông dân chúng ngày nay cũng vẫn cần cù, chịu khó, bên cạnh đó chúng tôi biết ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đại dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn chung cho tất cả các đơn vị, chúng tôi cũng không ngoại lệ, dù là sản xuất, kinh doanh đông trùng hạ thảo. Chúng tôi có hơn 50 cửa hàng bán sản phẩm đông trùng hạ thảo, khi dịch Covid-19 ập đến chúng tôi chuyển từ hình thức bán hàng offline sang online, ứng dụng chuyển đổi số đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ linh hoạt phương thức kinh doanh chúng tôi vẫn tiêu thụ sản phẩm tốt. Năm nay, chúng tôi hỗ trợ được rất nhiều cho bà con nông dân nuôi tằm. Do dịch Covid-19, mặt hàng xuất khẩu vỏ kén tơ tằm sang Trung Quốc gặp khó khăn.

Tổng biên tập Báo NTNN/Dân Việt Lưu Quang Định - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021 cho hay: Mọi năm Ban Tổ chức thường chọn ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10 để tổ chức chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của đại dịch, chương trình đã liên tục phải hoãn lại và cuối cùng mới chọn ngày 2/12 để tổ chức.

Bên cạnh đó, việc gửi bình chọn nông dân xuất sắc cũng bị lùi lại nhiều, nhiều hoạt động khác cũng phải tiến hành qua livestream, zoom...Trong chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam hàng năm có 8-9 hoạt động nhưng năm nay chỉ rút gọn lại chỉ còn 3-4 hoạt động.

Trong khuôn khổ chương trình năm nay, Ban tổ chức dự kiến tổ chức "Tuần lễ quốc gia nông dân và chuyển đổi số" để hưởng ứng lời kêu gọi của của Đảng,Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó có hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm công nghệ 4.0 dành cho nông nghệp, nông dân, nông thôn; các gian hàng giới thiệu các nông sản của nông dân có áp dụng chuyển đổi số... nhưng do điều kiện khách quan của dịch bệnh nên năm nay chưa làm được và phải hẹn dịp khác.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem