"Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021" đến từ TP Hồ Chí Minh là một tỷ phú trồng hoa lan có bằng thạc sỹ

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 03/11/2021 06:27 AM (GMT+7)
Sau 9 năm trồng hoa lan trên đất phèn xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM), tỷ phú trồng hoa lan-chị Trần Thị Ngọc Thảo đang là hạt nhân, góp phần phát triển cây lan Dendrobium thành một trong những đặc sản nông nghiệp đô thị của thành phố.
Bình luận 0

Chị Thảo là 1 trong 63 gương mặt nông dân được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".

Đến nay, niềm trăn trở về công tác phát triển giống hoa lan của thạc sĩ Ngọc Thảo, người đã rời bỏ phòng thí nghiệm, về với ruộng vườn và về với nông dân vẫn chưa hề nguôi ngoai. 

Clip: Nữ thạc sĩ trồng hoa lan trên đất nhiễm phèn và niềm trăn trở với việc nhân giống hoa, trong đó có hoa lan phục vụ nông nghiệp đô thị của TP HCM. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Bỏ phòng thí nghiệm để trồng lan trên đất phèn

Còn nhớ, từ năm 2011, TP.HCM phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới. Nhiều chính sách về khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị được đẩy mạnh.

Xã Đa Phước bấy giờ là 1 trong những xã nghèo của huyện Bình Chánh, nông dân sống chủ yếu bằng nghề thuần nông.

Từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh), chúng tôi rẽ ngược vào con đường tráng nhựa giữa làng quê yên bình, tìm đến vườn lan Sơn Hà của chị Thảo.

Chị Thảo kể, xã Đa Phước đến giờ vẫn là xã thuần nông nhưng đời sống bà con đã khác xưa nhiều lắm. Gần 10 năm phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn, chính chị cũng góp phần tích vào công cuộc đổi thay này.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo, chủ vườn lan Sơn Hà, huyện Bình Chánh, TP.HCM được bình chọn là 1  trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Trần Thị Ngọc Thảo, chủ vườn lan Sơn Hà, huyện Bình Chánh, TP.HCM được bình chọn là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Thảo không phải nông dân thuần túy. Chị vốn là thạc sĩ sinh học, có thâm niên 15 năm làm việc trong Viện Nghiên cứu dầu thực vật.

Cơ duyên đưa chị đến với cây lan bắt nguồn từ chuyên ngành nuôi cấy mô mà chị theo đuổi từ trường đại học, cho đến khi về làm việc ở Viện.

Lúc này, chị chủ yếu cấy mô cây dừa, cây tinh dầu, cây hương liệu… Thời gian rảnh thì tập cấy mô hoa lan. "Dần dần biết được đặc tính sinh trưởng và cách chăm sóc, mình đam mê hoa lan lan lúc nào không biết", chị Thảo kể.

Nhất là trong những chuyến công tác ở nước ngoài, chị đặc biệt ấn tượng với mô hình trồng hoa lan dendrobium bằng công nghệ cao ở Thái Lan.

Niềm đam mê phát triển mô hình hoa lan ở trong nước càng lúc càng cháy bỏng. Cùng với kinh nghiệm bản thân, chị tin tưởng vào một mô hình hoa lan có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao thay cho cách làm truyền thống.

Năm 2012 là thời điểm bước ngoặc của gia đình khi vợ chồng chị quyết định chuyển về xã Đa Phước sinh sống và đầu tư vườn lan. Bước đầu, chị chuyển đổi 1.800m2 đất trồng lúa sang trồng lan với lượng giống 10.000 cây.

img
img

Cây lan được đặt trên giàn cao và có hệ thống tưới phun tự động. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nếu huyện Củ Chi là thiên đường của lan mokara thì dendrobium chỉ phát triển tốt trên đất Bình Chánh. Đặc điểm thổ nhưỡng ở 2 huyện này đã hình thành nên 2 dòng hoa lan đặc thù của nông nghiệp đô thị TP.HCM.

Những khó khăn khác sẽ được khắc phục bằng công nghệ cao. Cây lan dendrobium không "uống" được nước nhiễm phèn thì đặt cây trồng trên giàn cao và có hệ thống tưới phun tự động.

Lý thuyết là vậy nhưng khi bắt tay vào việc trồng lan trên đất phèn mới thấy hết nhọc nhằn. Nguồn nước ở xã Đa Phước bị nhiễm phèn quá nặng. Chị phải xử lý lọc nước qua 3 lần mới tưới cho cây.

Toàn bộ giàn trồng hoa được đặt trên cao. Bên trên, cây lan được bao phủ bằng nhà lưới đảm bảo độ che sáng. Bên dưới, chị đào rãnh làm mương nước tạo độ ẩm cho vườn. Phân bón được bổ sung các chất hữu cơ giúp lá lan bóng, hoa lan to, đẹp và lâu tàn.

Hậu phương vững chắc để theo nghề trồng hoa lan

Chị Thảo kể lại, điều may mắn là ngày quyết định khởi nghiệp trồng lan, cả gia đình đều ủng hộ. Nhờ chịu khó chăm sóc, cây lan dendrobium sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu nhập ổn định.

Đến năm 2014, chị Thảo quyết định mở rộng diện tích lên 6.000m2 với khoảng 100.000 cây giống.

Chị Ngọc Thảo tự tay chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Ngọc Thảo tự tay chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Lưu Cẩm Hùng, chồng chị Thảo vốn là kỹ sư điện, làm việc trong công ty đa quốc gia. Thấy công việc của vợ nhọc nhằn, anh Hùng từ bỏ luôn công việc trưởng phòng kinh doanh về vườn giúp vợ.

Trước là phụ giúp gia đình, sau là để thỏa đam mê với hoa lan, anh Hùng chuyên tâm nghiên cứu rồi trở thành chuyên gia tư vấn chăm sóc hoa lan. Hiện anh đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa lan huyện Bình Chánh, kiêm Phó chủ tịch hội làm vườn Bình Chánh.

Chị thảo kể, sự ủng hộ của chồng đã tạo thành hậu phương vững chắc để vườn lan Sơn Hà ngày càng phát triển.

Năm 2016, vợ chồng chị tiếp tục mở rộng diện tích lên 12.000m2. Toàn vườn hiện đang có khoảng 300.000 cây lan dendrobium các loại.

Vườn lan Sơn Hà cho thu hoạch quanh năm. Từ tháng 10 cho đến Tết là thời gian thu hoạch rộ nhất. Mỗi ngày, chị xuất bán 1.000-2.000 cây. Các tháng còn lại, vườn xuất bán khoảng 500 cây/ngày.

Thị trường của vườn lan Sơn Hà trải rộng xuống các tỉnh miền Tây, xuôi ra miền Trung, miền Bắc rồi cung cấp ngược lên thành phố hoa Đà Lạt.

Chị Thảo khẳng định, thị trường hoa lan dendrobium vẫn còn rất lớn. Vườn lan khắp TP.HCM và các tỉnh vẫn không đủ cung cấp, nhất là thị trường tết.

Nếu chịu thương chịu khó, cây lan không phụ  người trồng. Cây lan dendrobium cho tỷ lệ lợi nhuận 30%. Sau 3 năm trồng có thể lấy lại vốn và có lãi.

Vườn lan Sơn Hà có tổng diện tích 12.000m2 với 300.000 cây 300.000 cây lan dendrobium các loại. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vườn lan Sơn Hà có tổng diện tích 12.000m2 với 300.000 cây 300.000 cây lan dendrobium các loại. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện vườn lan Sơn Hà đang cho doanh thu trung bình mỗi năm từ 4-4,5 tỷ đồng. "Tôi thấy trồng lan sống khỏe, có niềm vui mỗi ngày vì được làm công việc yêu thích lại có thu nhập", chị Thảo nói.

Từ sự thành công của chị Thảo, chính quyền xã Đa Phước đã phối hợp mở thường xuyên các lớp tập huấn, dạy nghề trồng hoa phong lan. Từ 1 vài hộ trồng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay xã Đa Phước có tổng cộng 7 vườn lan. 

7 vườn lan này đã liên kết lại trên tổng diện tích 3ha để thành lập ra HTX hoa lan Đa Phước, do chính anh Lưu Cẩm Hùng làm giám đốc.

"Không chỉ hoa lan ở Đa Phước, HTX còn hỗ trợ liên kết tiêu thụ cho bà con trồng lan khắp các xã khác trong huyện Bình Chánh", chị Thảo kể.

Tỷ phú nông dân và niềm trăn trở về giống hoa lan

Không chỉ xuất bán thương phẩm, chị Thảo dự định sẽ mở rộng diện tích thêm 5.000m2 trong năm 2022 để làm nhà màng nuôi cây con. Đây là bước phát triển tiếp theo để hướng tới mục tiêu cung cấp giống lan Dendrobium cho các nhà vườn.

img
img
img
img

Khu vực phát triển cây lan giống. Ảnh: Nguyên Vỹ

Để làm giống, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của bản thân là một lợi thế. Hiện tại, chị Thảo đang hợp tác với một đồng nghiệp ở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để tự chủ cây giống.

Tại vườn trồng, chị sẽ lai tạo giống cây giống thuần chủng rồi chuyển cây giống cho đồng nghiệp nhân nuôi chồi cấy mô.

Trải qua nhiều khó khăn, kỷ niệm đáng nhớ nhất với chủ vườn lan Sơn Hà chính là đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.

"Phải nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ này để thấy công tác phát triển giống hoa lan trong nước vẫn còn một lỗ hổng vì phụ thuộc quá nhiều vào Thái Lan", chị giải bày.

Vườn lan dendrobium của Sơn Hà chủ yếu xuất bán nguyên chậu thay vì cắt cành. Cao điểm dịch bệnh, gần như không có phương tiện vận chuyển. 

Hoa nở khắp vườn nhưng không thể xuất đi được. Chị phải cắt cành hoa vứt bỏ để dưỡng cây. Lượng hoa cắt bỏ ước tính thiệt hại lên vài trăm triệu đồng.

Không tiêu thụ được nên vườn lan cũng không có nguồn vốn để xoay vòng. Tuy nhiên, thiệt hại này là do khó khăn chung.

Chị Thảo chỉ mới chủ động được 20% cây giống trong nước, phần còn lại nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Thảo chỉ mới chủ động được 20% cây giống trong nước, phần còn lại nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì Covid-19 càng làm bộc lộ nỗi thua thiệt do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn giống từ nước ngoài", chị Thảo nói.

80% giống lan trong vườn lan Sơn Hà được nhập từ Thái Lan về. Mùa dịch vừa qua, máy bay không vận chuyển hàng về Việt Nam được. 

Dù đã thành công với mô hình hiện tại, song chị Thảo luôn trăn trở về việc phát giống hoa lan. Ảnh: Nguyên Vỹ

Dù đã thành công với mô hình hiện tại, song chị Thảo luôn trăn trở về việc phát giống hoa lan. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đến khi ngành hàng không hoạt động trở lại, các đơn hàng đặt mua giống từ trước đổ dồn về ồ ạt, nhưng hầu hết đã ...quá lứa.

Tháng 6 vừa qua, UBND TP.HCM đã thông qua Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020–2030.

Chị Thảo đánh giá đây là nỗ lực rất lớn và cần thiết để sớm tạo thành bước chuyển biến rõ nét cho nông nghiệp đô thị TP.HCM.   

Chị tâm sự, xuất thân từ ngành nghiên cứu phát triển giống cây, nỗ lực kết hợp phát triển giống cấy mô của bản thân cũng chỉ mới từ đáp ứng được 20% cây giống cho chính vườn mình.

Tất nhiên, Thái Lan cũng không thể xuất bán được cây giống vì dịch bệnh. "Thế nhưng, muốn cạnh tranh và phát triển được thì phải chủ động cây giống, không để phụ thuộc quá nhiều", chị nói.

Ông Mai Ngươn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh cho biết, vườn lan Sơn Hà đang tạo công ăn việc làm cho 12 lao động thường xuyên tại địa phương, với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Từ mô hình của mình, chị Thảo hỗ trợ cây giống cho nông dân trồng lan với giá bán thấp hơn khi bà con trực tiếp mua từ nước ngoài.

Năm 2021, chị Trần Thị Ngọc Thảo được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc, đại diện TP.HCM.

"Chị Thảo cũng là cán bộ gương mẫu của Hội Nông dân xã Đa Phước, tích cực giúp đỡ người dân đổi mới cách làm nông nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần làm giàu cho gia đình và sự phát triển của địa phương", ông Mai Ngươn Khánh cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem