Nông dân xã Phú Nhuận ở Thanh Hóa nuôi con đặc sản, động vật hoang dã, bán đắt tiền
Nông dân xã Phú Nhuận ở Thanh Hóa nuôi con đặc sản, bán đắt tiền, thu nhập tăng lên thấy rõ
Hữu Dụng - Lương Hà
Thứ năm, ngày 28/03/2024 06:11 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường trong việc tìm kiếm, tiêu thụ các sản phẩm từ vật nuôi, con đặc sản, nhiều hộ trên địa bàn xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá đã đầu tư phát triển mô hình như dùi, nhím, hươu… nhằm phát triển kinh tế, bước đầu nâng cao thu nhập cho bà công nông dân.
Những nông dân tiên phong nuôi con đặc sản của xã Phú Nhuận
Đến thăm mô hình chăn nuôi dúi của gia đình anh Nguyễn Đức Huấn, ở thôn Phú Phượng 1, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hoá) chúng tôi rất có ấn tượng về quy mô cũng như sự đầu tư bàn bản về chuồng trại của gia đình anh Huấn trong việc chăn nuôi con đặc sản này.
Mô hình chăn nuôi dúi của gia đình anh Nguyễn Đức Huấn, ở thôn Phú Phượng 1, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hoá). Con dúi dân nuôi vốn xưa kia là động vật hoang dã đã được thuần hóa.
Anh Nguyễn Đức Huấn cho biết, Năm 2018 anh qua tìm hiểu về mô hình nuôi dúi nhiều nơi nên anh đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi hơn 100 triệu đồng phát triển mô hình nuôi dúi.
Nhờ chịu khó tìm hiểu về kỹ thuật nuôi dúi nên đàn dúi của gia đình anh Huấn luôn phát triển tốt, không có bệnh dịch.
Theo anh Huấn dúi của gia đình đang tiêu thụ tại các nhà nhà trong tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành khác với giá khoảng 3 triệu đồng/cặp (1 cặp khoảng 2kg). Ngoài ra gia đình anh Huấn cũng bán dúi giống với giá gần 10 triệu đồng/cặp. Hằng năm, từ mô hình nuôi dúi gia đình anh Huấn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Hiện anh Huấn đang tiếp tục mở rộng quy mô và nhân đàn dúi sinh sản lên 300 con để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.
Cũng tại thôn Phú Phượng 1, Anh Nguyễn Văn Nhàn là một trong các hộ tiên phong nuôi nhím của xã. Anh Nguyễn Văn Nhàn chia sẻ: "Qua tìm hiểu thấy con nhím dễ nuôi, phù hợp với điều kiện của gia đình. Nên năm 2014 gia đình đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu làm chuồng trại nuôi nhím".
Mô hình chăn nuôi nhím của anh Nguyễn Văn Nhàn ở thôn Phú Phượng 1, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hoá). Con nhím dân nuôi cũng có nguồn gốc xa xưa từ động vật hoang dã.
Anh Nhàn cho biết thêm, nuôi nhím rất dễ và không tốn thời gian. Thức ăn của nhím cũng rất dễ tìm, còn về khâu chăm sóc cũng không khó, vì con nhím rất ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp.
Nói về kỹ thuật nuôi con nhím anh Nguyễn Văn Nhàn cho biết, chuồng nuôi nhím chỉ cần xây dựng đơn giản, lát nền xi măng, sau đó cố định lồng nuôi bằng khung sắt hoặc gạch.
Nếu được chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ, nhím rất mau lớn và sinh sản nhiều.
Nếu nuôi đúng kỹ thuật, 1 nhím đực có thể phối cặp với từ 2 đến 3 nhím cái vẫn cho sinh sản. Mỗi cặp đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa đẻ từ 2 đến 3 con, một con nhím mẹ có thể sinh sản trong vòng 10 năm.
Hiện nay, trên diện tích trên 200 m2, gia đình anh đang nuôi 50 con nhím, trong đó 20 con nhím bố mẹ. Sau khi trừ các chi phí, anh Nhàn thu về khoảng 100 triệu đồng/năm nhờ nuôi nhím.
Cũng với mong muốn xây dựng mô hình chăn nuôi con đặc sản mang lại giá trị cao, anh Lê Đức Hòa ở thôn Đồng Sình, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hoá) đã đi tìm tòi và học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau. Năm 2018, sau khi vào Hà Tĩnh hỏi hỏi mô hình nuôi hươu lấy nhung anh Hòa đã đầu tư 500 triệu đồng mua con giống, xây chuồng trại để chăn nuôi hươu.
Theo anh Hòa thì hươu là loài ăn ít và cũng không tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, người nuôi chỉ cần chú ý khi hươu bắt đầu mọc nhung thì cần bổ sung thức ăn bổ dưỡng như quả chuối, ngô, cà rốt, đỗ tương… và có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn để nhung đạt trọng lượng, chất lượng tốt nhất.
"Hươu đực khoảng 2 năm tuổi là bắt đầu cho thu hoạch nhung. Thời điểm thu hoạch nhung từ cuối tháng giêng đến tháng 5 âm lịch.
Mỗi con hươu cho thu từ 1,5 - 3 lạng nhung/ năm. Hươu trưởng thành một năm cho thu 6 - 7 lạng nhung. Hươu càng lớn thì số nhung càng cao, một số con có thể cho thu nhung 2 lần/ năm.
Hiện nhung hươu được bán với giá khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/lạng". - anh Lê Đức Hòa ở thôn Đồng Sình, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hoá) cho biết thêm.
Hội Nông dân xã Phú Nhuận luôn đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế
Ông Quách Văn Thơ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để các hội viên nông dân yên tâm phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Phú Nhuận đã luôn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác phù hợp địa phương.
Phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp, các ngân hàng, nhà phân phối hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, phát triển nông nghiệp bền vững. Xây dựng các mô hình chăn nuôi con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như lợn cỏ, dê, nhím, dúi, hươu …
Từ việc thực hiện các mô trình trên đã tạo mức thu nhập cho nhiều hộ đạt từ 150 triệu đến 500 triệu đồng/năm trở lên.
Theo đó, trong năm 2023, Hội Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các ngân hàng ủy thác và tín chấp cho các hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế; nguồn vốn ngày càng tăng và sử dụng nguồn vốn ngày càng hiệu quả.
Tổng dư nợ đến nay là trên 42 tỷ đồng; tổng số Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện quản lý là 80 triệu đồng cho 7 hội viên vay vốn để đầu tư mở rộng phát triển các mô hình kinh tế.
Từ các nguồn vốn vay các Hội viên nông dân đã phát huy được hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh.
Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong Hội viên nông dân của xã Phú Nhuận là 3,9. Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, đời sống Hội viên nông dân của xã ngày được cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, đạt 66,7 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, các cấp hội còn tham gia rà soát, phân loại hộ nghèo, vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo, năm 2023 đã giúp đỡ được 8 hộ hội viên thoát nghèo.
Để nhân rộng mô hình các mô hình phát triển kinh tế bền vững từ việc chăn nuôi con đặc sản, Hội Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã luôn đồng hành cùng hội viên nông dân bằng những việc thiết thực nhất.
Đồng thời Hội Nông dân xã cũng khuyến khích người chăn nuôi chủ động liên kết với các đơn vị để được chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.