Hiệu quả cao
Năm 2003, 2004, Công ty CP CNSH Rừng hoa Đà Lạt và Agrivina của Hà Lan chuyên ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vào lĩnh vực sản xuất hoa đã ra đời tại Lâm Đồng. Cùng thời gian đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã bắt đầu triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, đã góp phần thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp của địa phương này.
|
Nông dân tham quan giống mới tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. |
Theo đánh giá của Sở NNPTNT Lâm Đồng, sau 7 năm áp dụng NNCNC, năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao, thu hút nguồn vốn FDI trong nông nghiệp khá lớn. Đến nay có hàng chục doanh nghiệp (DN) với số vốn đăng ký hàng tỷ USD. Doanh thu trên cùng đơn vị diện tích tăng nhanh từ 27 triệu đồng/ha năm 2004 lên 80 triệu đồng/ha năm 2011. Giá trị nông sản xuất khẩu năm 2011 đạt trên 250 triệu USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2004.
“Nhờ ứng dụng NNCNC có thể giữ hoa tươi hàng tháng, từ đó giá 1 bông hồng từ 1.000 – 1.500 đồng đã tăng lên gấp 10 lần, giá xuất khẩu lên đến 1 USD/bông” – ông Nguyễn Đình Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP CNSH Rừng hoa Đà Lạt cho biết.
Thế nhưng hiện hầu như cũng mới chỉ có Lâm Đồng là địa phương thu hái được nhiều thành công trong cả nước trong việc ứng dụng NNCNC. Ngoài TP.HCM cũng đã triển khai từ năm 2000 thì còn rất nhiều địa phương trong cả nước chưa “động đậy gì hết ” hoặc có chăng cũng chỉ mới dừng ở việc xây dựng kế hoạch.
Chậm, thiếu sức lan tỏa
Việc các địa phương phát triển chậm cũng có nguyên nhân của nó. Bởi mãi đến đầu năm 2010 thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một trong những mục tiêu của đề án là hình thành nền NNCNC với trọng tâm là các DN ứng dụng NNCNC. Thế nhưng cho đến nay cả nước vẫn chỉ mới có 2 DN Rừng hoa Đà Lạt và Agrivina nêu trên được công nhận, những DN đã có sẵn từ trước, và vẫn chưa phát triển thêm được DN nào khác.
Ở TP.HCM hầu như không có một nghiên cứu nào về NNCNC xuất phát từ DN. Điều này rất phí phạm bởi hơn ai hết chính DN mới là người thẩm định được chính xác tính hiệu quả của những nghiên cứu đó, mà họ không tham gia thì tất cả chỉ là công cốc.
Ông Lê Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
“DN còn gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực này như Nhà nước chưa có khu quy hoạch tổng thể, chưa có đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp. Lĩnh vực này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn nhưng việc vay vốn ngân hàng rất khó khăn, lãi suất cao, nguồn vốn ưu đãi thì khó tiếp cận” – ông Nguyễn Đình Sơn phản ánh tại Hội nghị Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vừa diễn ra tại TP.HCM mới đây.
Bên cạnh đó, DN vẫn phải chịu các loại thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế thu nhập DN, vv… trong khi đây lại là ngành Nhà nước đang khuyến khích DN đầu tư. Nguồn lao động thì khó tìm. “Chính sách thì đã có đủ hết nhưng không cụ thể nên khi triển khai, tiếp cận khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi. Chính những rào cản đó đã làm lĩnh vực này kém sức hút đối với các DN và chưa có sự lan tỏa trong cộng đồng cao” – ông Lê Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đồng tình.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cũng thừa nhận rằng việc triển khai đề án này xuống các địa phương và DN còn chậm, chưa kịp thời. Chưa có nhiều công nghệ cao trong nông nghiệp và mô hình có hiệu quả có thể áp dụng được, cũng như chưa có hệ thống dịch vụ phát triển cho lĩnh vực này. Sắp tới, Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này cũng như có những chính sách thu hút đầu tư từ DN.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.