Nông sản Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Trung Quốc ở sân chơi mới RCEP
Nông sản Việt cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Trung Quốc ở sân chơi mới
Nguyên Vỹ
Thứ bảy, ngày 16/01/2021 12:05 PM (GMT+7)
Khi Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP có hiệu lực, xuất khẩu các loại nông sản chủ lực của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng từ Trung Quốc, Thái Lan khi các nước này cũng được ưu đãi thuế quan.
Ngoài ra, xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, thị trường truyền thống lớn nhất của Việt Nam cũng khó khăn hơn khi nước này đang chuẩn bị thủ tục để yêu cầu Việt Nam phải dán mã QR Code cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này.
Đó là những thông tin đưa ra tại hội nghị "Hiệp định RCEP và UKVFTA – Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam và khu vực ra thị trường thế giới" tổ chức sáng qua (15/1) tại TP.HCM.
Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP có 15 thành viên gồm 10 nước ASEAN và 5 thành viên khác đã có FTA với ASEAN, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 2,2 tỉ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (26.200 tỷ USD).
RCEP đã được 15 nước thành viên ký kết ngày 15/11/2020 và sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 90 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước không thuộc thành viên ASEAN. RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới cho thương mại khu vực và quốc tế.
Ngoài việc mở cửa cho các nước thành viên RCEP về thương mại, dịch vụ, Hiệp định này áp dụng quy chế quốc gia trong thương mại hàng hóa đối với tất cả các hàng hóa được cho phép. Mặc dù điều này không thay đổi nhiều đối với thương mại giữa các nước ASEAN nhưng nó đã làm giảm thuế quan của nhiều nước RCEP đối với hàng hóa Trung Quốc.
Cụ thể, trong các thành viên RCEP, Việt Nam đã có FTA với Nhật Bản và Hàn Quốc, là hai đối tác nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, tuy nhiên Trung Quốc thì chưa.
Hiện tại, một số hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc, Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của FTA nhưng hàng hóa của Trung Quốc vẫn phải chịu mức thuế cao hơn.
Sau khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào 2 thị trường này cũng sẽ được áp dụng các ưu đãi thuế quan tương tự Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hóa từ Trung Quốc vốn có mẫu mã đẹp và giá rẻ hơn.
Ngoài ra, các nước thành viên RCEP như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… cũng có các sản phẩm nông nghiệp tương đồng với Việt Nam nên cạnh tranh xuất khẩu sẽ càng gay gắt hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, RCEP giúp doanh nghiệp rau quả Việt Nam bước vào một thị trường rộng lớn, một trong những khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.
Khối thương mại này sẽ lớn hơn khối thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada, cũng như lớn hơn cả Liên minh châu Âu. GDP cộng lại của các nước thành viên RCEP vượt qua GDP cộng lại của Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhờ có Trung Quốc tham gia.
Điều doanh nghiệp mong chờ nhất ở RCEP là việc đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu thêm cho nhiều mặt hàng nông sản. Rau quả Việt Nam cũng sẽ thuận lợi hơn trước đây.
Cụ thể như tại thị trường Trung Quốc, hiện nước này chỉ mới cho phép nhập khẩu chính ngạch 10 mặt hàng rau quả tươi thì sắp tới có thể sẽ được mở rộng thêm các mặt hàng tươi khác như sầu riêng, chanh dây, bưởi, bơ, vú sữa, mận roi…
Tương tự, tại các thị trường khác là thành viên RCEP như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, New Zealand… việc mở cửa cho hàng hóa Việt Nam cũng đơn giản hơn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyên, cái khó của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là vẫn chưa quen với thương mại điện tử (e-commerce) cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuỗi, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm… trong khi đây là yêu cầu quan trọng liên quan đến các quy định về xuất xứ nguồn gốc của Hiệp định RCEP.
Trong năm 2021 này, Trung Quốc sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải gắn mã QR Code cho sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này.
"Năm 2019, họ đã áp dụng QR Code với hàng nông sản từ Thái Lan để hạn chế tình trạng mượn mã vùng trồng, gian lận xuất xứ hàng hóa…", ông Nguyên cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.