Nông sản Việt xuất khẩu ra sao trong đại dịch Covid – 19?
Nông sản Việt xuất khẩu ra sao trong đại dịch Covid – 19?
Quang Phương
Thứ tư, ngày 18/11/2020 12:54 PM (GMT+7)
Trong đại dịch Covid – 19, hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu còn rất hạn chế, chủ yếu là xuất thô.
Ngày 18/11, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề "Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19".
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM cho biết: Trong giai đoạn 2016 – 2019, kinh tế thành phố giữ tốc độ tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm. Tỷ trọng kinh tế thành phố trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm hơn 22% GDP cả nước, khẳng định là đầu tàu kinh tế.
Ông Liêm cho hay: Kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng trưởng bình quân 9,73%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng sản phẩm chế biến tiếp tục được nâng lên, nhóm hàng công nghiệp chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu đa dạng, không lệ thuộc một thị trường, một đối tác nào.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC, cho biết: Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 36,710 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019. Các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của thành phố gồm: gạo, cà phê, cao su, thủy sản, lâm sản, máy tính và linh kiện, dệt may, giày dép… Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp thành phố, kế đến là Hoa Kỳ, Hồng Kông, Nhật Bản…
Ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV cho biết: Năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt gần 41,3 tỷ USD, chiếm gần 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 3,25% so với năm 2018.
Bước sang năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nông lâm thủy sản vẫn cho thấy là thế mạnh của Việt Nam, duy trì tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 30,5 tỷ USD, xuất siêu lên tới 7,2 tỷ USD. Nông sản Việt được xuất khẩu đi rất nhiều thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ… với các mặt hàng chủ lực như rau quả, hạt điều, chè, cà phê, gạo, hạt tiêu, cao su…
Tuy nhiên, tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25 – 30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa so với các nước ASEAN). Nhiều sản phẩm trong số đó đạt tỷ lệ rất thấp như rau, quả, thực phẩm chỉ đạt 10%, cà phê chỉ đạt 4 – 6%...
Theo ông Phạm Thiết Hòa, còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Giải pháp trước nhất là cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bởi các hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm nông sản của Việt Nam: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)…
Ngoài ra, ông Phạm Thiết Hòa cũng khuyến nghị với cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết "6 nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng, nhà doanh nghiệp và nhà phân phối)
Ông Frederick R.Burke, chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ, cho hay: đại dịch Covid đã làm thay đổi mô hình kinh tế thế giới. Đó là sự thay đổi của các mô hình kinh tế theo hướng đáp ứng với tình hình mới, luôn luôn có kế hoạch dự phòng, ứng phó kịp thời với thực tế. Sau Covid thì môi trường kỹ thuật số nổi trội, đó là sự mua bán trên không gian mạng… đang phổ biến dần. Chúng ta phải xây dựng chuỗi cung ứng xanh - những sản phẩm tái chế, sản phẩm có tính bền vững, bảo vệ môi trường. Các DN sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng nhiều. Người tiêu dùng cũng ngày càng hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nói về cơ hội các hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ, ông Frederick R.Burke thông tin: Tại Mỹ hiện đang điều tra các sản phẩm gỗ của VN có phạm luật hay không, ví như nguyên liệu gỗ có phải từ phá rừng mà có, gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu, có hợp quy chuẩn hay không? Do đó, sản phẩm gỗ của VN nhập vào Mỹ sẽ gặp khó hơn nếu không tuân thủ theo quy định quốc tế.
"Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá lo ngại bởi tôi nghĩ, nếu ông Biden trở thành tổng thống, ông sẽ dựa vào nguyên tắc pháp luật, các thỏa thuận song phương, hiệp định để thúc đẩy và tạo điều kiện để các sản phẩm của VN được nhập khẩu vào Hoa Kỳ nhiều hơn… Tôi hy vọng với nhiệm kỳ của ông Biden, VN sẽ có nhiều cơ hội hơn để nhập khẩu sản phẩm vào Hoa Kỳ", ông Frederick R.Burke nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.