NSND Phạm Thị Thành cảm thấy có lỗi với chồng vì tình yêu nghệ thuật quá lớn

Đông Vũ Thứ ba, ngày 13/01/2015 13:48 PM (GMT+7)
NSND Phạm Thị Thành xuất thân từ một gia đình dòng tộc Triều Nguyễn. Dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" bà vẫn miệt mài, ngày đêm đóng góp sức mình cho nghệ thuật nước nhà.
Bình luận 0

img
NSND Phạm Thị Thành đem lại cho người đối diện cảm giác gần gũi và sự quý trọng. Ảnh: Đông Vũ

Danh gia vọng tộc cống hiến nhiều cho đất nước

NSND Phạm Thị Thành sinh năm 1941, là chắt ngoại của Tuy Lý Vương - con trai thứ 11 của vua Minh Mạng. Bà là con gái út của Đổng lý văn phòng nội các (quan đại thần nhà Nguyễn, triều Bảo Đại) Phạm Khắc Hòe và bà Công Tôn Nữ Diệu Phẩm (là cháu nội nhà thơ-hoàng tử Tuy Lý Vương Miên Trinh, và là em gái nhà thơ Ưng Bình).

NSND Phạm Thị Thành cùng các anh chị em đều là những người đóng góp nhiều cho Tổ quốc về lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, y tế... Có lẽ đó là do sự dạy dỗ cẩn thận của người cha nghiêm khắc và người mẹ hiền thục.

"Ngày còn bé, bố tôi là Quản đạo Đà Lạt, ông bận trăm công nghìn việc. Tôi và các anh chị đều có người trông nom nhưng khi bố có mặt ở nhà thì đều giành thời gian để dạy dỗ chúng tôi một cách nghiêm khắc và kỷ luật", NSND Phạm Thị Thành chia sẻ.

Sau này, cụ thân sinh của NSND Phạm Thị Thành giữ chức Đổng lý ngự tiền văn phòng cho vua Bảo Đại, rồi làm việc cho cơ quan cách mạng... Việc giáo dục con cái vẫn được ông lo một cách chu toàn.

Cha là người tài giỏi, khí phách, mẹ là người hát hay và am hiểu nghệ thuật... NSND Phạm Thị Thành thừa hưởng những tố chất của cha mẹ nên từ bé nữ nghệ sĩ đã bộc lộ những tố chất thiên bẩm về nghệ thuật. Cố Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trần Duy Hưng là người nhận ra khả năng của cô bé Phạm Thị Thành và đưa bà đến với con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Cuộc sống hôn nhân và tình yêu nghệ thuật


Trong thời gian diễn chèo, kịch ở đoàn văn công, cô gái 18 tuổi Phạm Thị Thành đã yêu người đàn ông hơn mình gần 30 tuổi và đã trải qua hai đời vợ là NSND Đào Mộng Long.

Ông bà Đổng lý kịch liệt phản đối, ngăn cấm. Gia đình không đồng ý nhưng hai người vẫn dành tình cảm mặn nồng cho nhau. Lúc đó, bà Diệu Phẩm có hiệu sách Thống nhất ở phố Tràng Thi, thấy nhiều người hỏi mua cuốn sách Hận tương giao bà tò mò giở cuốn sách ra đọc.

Bao tâm tư sầu muộn về tình cảm đôi lứa bị gia đình ngăn cấm người yêu con gái bà trút hết vào trong cuốn Hận tương giao. Chuyện tình thực của Phạm Thị Thành và Đào Mộng Long đã làm cảm động trái tim người mẹ. Bà Diệu Phẩm đồng ý cho cô con gái được kết duyên cùng người đàn ông trung niên kia.

Lấy chồng, sinh được 2 người con là Đào Uyên và Đào Nhật Đình, nữ nghệ sĩ tiếp tục sang Nga học. Người phụ nữ hơn 20 tuổi, một chồng hai con quả quyết sẽ sống và dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật. Bà kể lại: "Tôi đi học ở Liên Xô 7 năm ròng. Tôi học tại Học viện Nghệ thuật ở Matxcơva, người thầy của tôi từng hỏi: Chị là phụ nữ, nghề đạo diễn suốt ngày lăn lộn ngoài sân khấu không có thời gian chăm lo cho gia đình thì liệu chị có chịu được không? Lúc đó tôi quả quyết: Tôi chỉ sợ mình không có tài, nếu tôi có khả năng về đạo diễn, tôi sẵn sàng hi sinh tất cả vì nghề nghiệp".

Chính vì tình yêu với nghệ thuật quá lớn, cảm thấy có lỗi với chồng nên nữ đạo diễn quyết định chia tay chồng để cho cả hai được "tự do".

"Khi về nước, tôi bận trăm công nghìn việc cho nghệ thuật. Về nhà, thấy chồng phải lúi húi, cơm nước, tôi thấy áy náy lắm. Tôi nói với chồng: giờ em không lo được công việc cho gia đình thì thôi, ta giải phóng cho nhau.

Chồng đồng ý, chúng tôi dắt nhau ra phòng giải quyết ly hôn của Quận, hai chúng tôi mời nhau hút thuốc lá, một cách vui vẻ. Lúc đó con cái tôi cũng lớn hết nên cũng không có gì phải lo lắng. Tôi về ở với mẹ đẻ, chồng tôi ở với con trai. Sau ly hôn, chúng tôi coi nhau như những người bạn tri kỷ, chồng vẫn đến chơi, thăm tôi."

NSND Phạm Thị Thành là một trong những người sáng lập lên Nhà Hát tuổi trẻ. Bà được coi là một trong tứ trụ đạo diễn của sân khấu phía Bắc, bên cạnh Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Đoàn Anh Thắng.

Đến bây giờ ở tuổi "thất thập cổ lai hy" bà vẫn không hối hận về quyết tâm sống và dành trọn tình yêu cho nghệ thuật của mình.

Quỹ thời gian của người phụ nữ đã bước sang tuổi 74 vẫn được ưu ái dành hết cho nghệ thuật: "Cho đến bây giờ, công việc làm cho nghệ thuật vẫn chiếm nhiều thời gian của tôi, tôi vẫn đi dạy ở cho trường Sân Khấu Điện ảnh ở Hà Nội và Huế. Tôi nghĩ ra Dự án Sân khấu học đường, tôi vẫn đi các nơi để xin tài trợ, giám sát, thực hiện dự án".

img
Mặc dù mang trên vai hàng tá chức sắc quan trọng nhưng NSND Phạm Thị Thành vẫn luôn dành thời gian cho gia đình, bên cạnh con cháu

May mắn được trời phú cho sức khỏe nên NSND Phạm Thị Thành vẫn có thể thực hiện các công việc liên quan tới nghệ thuật như: Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Phó Chủ tịch liên hiệp UNESCO Việt Nam, thành viên Hội đồng Nghệ thuật thành phố Hà Nội, Ủy viên chấp hành phụ trách khối nghệ thuật trong Hội nữ trí thức...

Bà bảo, mặc dù bận, nhưng công việc nào bà cũng muốn hết lòng hoàn thành có lẽ đó là nhờ đam mê, nhờ tình yêu cho nghệ thuật quá lớn.

Mặc dù mang trên vai hàng tá chức sắc quan trọng nhưng NSND Phạm Thị Thành vẫn luôn dành thời gian cho gia đình, bên cạnh con cháu. Bà tâm niệm: "Theo tôi, gia đình là một tổ ấm quan trọng, nó mang lại hơi ấm cho mình. Những ngày trọng đại của con cháu trong gia đình tôi đều quan tâm và dành thời gian cho con cháu mình. Tôi nghĩ rằng, một con người thành công trong cuộc sống tức là phải thành công trong nghề nghiệp và phải có gắn bó với gia đình, xã hội".

NSND Phạm Thị Thành quan tâm để ý con cái, cháu chắt và định hướng cho con làm việc theo sự yêu thích và khả năng của mình. Nhiều người hỏi bà, tại sao bà không để cho con làm việc về nghệ thuật, bà trả lời: "Làm cái gì chứ làm nghệ thuật phải có năng khiếu, năng khiếu trời cho và phải biết rèn luyện, mài giũa để nó thành tài. Chứ cứ làm diễn viên mà chỉ "cầm cờ chạy hiệu" đóng những vai quần chúng thì uổng phí lắm.

Con tôi đều học hành tốt, tôi cũng thử cho con theo nghệ thuật. Như con gái tôi, tôi từng cho đi học múa, nhưng tôi thấy con mình làm diễn viên múa không hợp. Sau đó tôi khuyên con nghỉ và chuyên tâm vào học kiến thức nó yêu thích, con gái nghe lời và học dược, thi đỗ đại học Y Dược Hà Nội, giờ đây là một Dược sĩ. Con trai tôi thì được đi du học, đi bộ đội và giờ đây công tác trong Ngoại giao đoàn."

img
NSND Phạm Thị Thành bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nữ đạo diễn hào hứng kể về những lần gần đây được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khen ngợi về các tiết mục mà bà dàn dựng thành công. Đó là niềm vui, sự khích lệ người phụ nữ 74 tuổi tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem