NSƯT Trần Lực tiết lộ về nhân vật lấy cảm hứng từ danh họa Bùi Xuân Phái
NSƯT Trần Lực tiết lộ về nhân vật lấy cảm hứng từ danh họa Bùi Xuân Phái
Thủy Vũ
Thứ sáu, ngày 31/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Trần Lực cho rằng, "Đào, Phở, Piano" là bộ phim thời chiến xứng đáng để xem tại rạp với chất liệu làm phim khác biệt nhất từ trước tới nay.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện phim Đào, Phở, Piano có bối cảnh là cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947 (trong 60 ngày đêm). Đối lập với quân đội Pháp có vũ khí hiện đại thì người dân Hà Nội với vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, trong cuộc chiến đó, chất người Hà Nội được thể hiện nổi bật, đậm nét. Người Hà Nội yêu thành phố của mình, mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau và cùng đồng lòng bảo vệ nó.
NSƯT Trần Lực chia sẻ với Dân Việt rằng, nhân vật của anh mang một sắc thái đặc biệt, là một họa sĩ lấy cảm hứng từ danh họa Bùi Xuân Phái với xúc cảm nghệ thuật sâu sắc về Hà Nội thời kháng chiến.
Đào, Phở, Piano mang lại cho anh sức hút gì khiến anh nhận lời tham gia bộ phim này ?
- Khi đọc kịch bản của Đào, Phở, Piano, tôi đã cảm nhận được điều gì đó khác biệt so với những phim chiến tranh thời đại này: gần gũi hơn, đậm chất "người" hơn và có tính nhân văn rất cao. Nhân vật chính đều là những người dân bình thường, không phải là những người chiến sĩ, nhưng vẫn ra được tinh thần của một thời kháng chiến oanh liệt. Tuy vậy, bên cạnh chất hào hùng, yếu tố lãng mạn, sự gắn bó sâu sắc giữa người với người vẫn được khai thác tối đa ở bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Bối cảnh hoành tráng của phim đã được rất nhiều phương tiện truyền thông nhắc tới. Vậy cảm nhận của riêng anh thế nào?
- Theo tôi, lâu lắm rồi điện ảnh Việt mới có một bối cảnh hoành tráng như thế này. Với phim trường 6000m2, dựng theo những ngôi nhà nguyên mẫu của Hà Nội thời xưa, chúng tôi có thể quay 360 độ mà nói vui rằng, không cần "trốn" hay "né" gì hết. Đa phần phim ngày xưa có góc quay rất hạn chế và bó hẹp, thường phải cắt dựng lại khi quay xong. Đây là một sự kỳ công rất lớn của đoàn phim. Qua việc dựng bối cảnh này, mới thấy những người làm phim ở miền Bắc có khả năng chuyên nghiệp để tạo nên bối cảnh hoành tráng và độc đáo.
Nhân vật của anh không có tên, chỉ được gọi đơn giản là "ông họa sĩ già". Vậy từ ngoại hình tới tính cách, "ông họa sĩ già" này có gì đặc biệt?
- Là một người con Hà Nội, ít nhiều tôi cũng được quan sát, nghe kể các nghệ sĩ ngày xưa thường ăn mặc ra sao. Các văn nghệ sĩ thời xưa đa phần đều tóc dài, để râu, ăn mặc rất bảnh bao và tân thời. Nhân vật tôi thể hiện lấy cảm hứng từ những danh họa như Bùi Xuân Phái, Linh Chí và họ đều có tình yêu tha thiết với với Hà Nội.
Phim do Nhà nước đầu tư trong thời gian qua thường được cho là không nhận được thành tích khả quan về doanh thu, anh có kỳ vọng sự khác biệt nào đối với Đào, Phở, Piano?
- Chúng ta thường thấy nhiều bộ phim trước khi phát hành hầu như đều qua khâu truyền thông quảng bá. Làm sao để đưa thông tin bộ phim, khiến khán giả tò mò, cảm thấy hấp dẫn để ra rạp cũng là một điều không đơn giản.
Phim tư nhân đang nắm bắt thị hiếu khán giả rất tốt, còn với những phim như Đào, Phở, Piano, tôi cho rằng bộ phim này sẽ không theo thị hiếu của người bình thường, sẽ có những góc nhìn riêng và khác biệt nhất định. Tuy nhiên, nếu Đào, Phở, Pianođược làm đúng theo quy trình quảng bá hiện nay giống như các phim thị trường thì tôi nghĩ phim vẫn đủ sức hấp dẫn để khéo khán giả tới rạp. Tôi nghĩ sẽ rất "phí" nếu bộ phim không được chú trọng khâu quảng bá.
Vậy anh nghĩ Đào, Phở, Piano sẽ có sức hút riêng gì đối với khán giả?
- Các phim chiến tranh ngày xưa thường thiên nhiều về mục đích tuyên truyền hay hô khẩu hiệu, nhưng Đào, Phở, Piano hoàn toàn không có điều này. Khi xem phim, tôi nghĩ khán giả sẽ cảm nhận được tình người, sự nhân văn, cùng yếu tố hấp dẫn khi nhân vật phải đối diện giữa sự sống và cái chết. Chiến tranh rất khốc liệt nhưng không vì thế mà con người mất đi tình yêu thương dành cho nhau – đó là hơi thở hiện đại, những góc cạnh khác của chiến tranh mà chúng tôi muốn mang đến cho khán giả.
Trong bộ phim này, anh được tham gia cùng rất nhiều diễn viên trẻ, anh nghĩ khả năng của các bạn có thể đạt tới trình độ của "bậc cha chú" ngày xưa?
- Tôi không muốn đưa ra sự so sánh nào cả, chỉ thấy rằng các bạn trẻ đang có nhiều sự tiến bộ rõ ràng. Nhân vật của các bạn đều rất khó, nhưng lại có sự tìm hiểu kỹ càng để cho ra đúng chất của người Hà Nội thời xưa.
Gần đây nhất, anh có trở thành cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim điện ảnh Em và Trịnh. Đến bây giờ anh có còn vương vấn gì với bộ phim đó?
- Đã hoạt động trong nghề một khoảng thời gian dài, nên khi xong một vai diễn nào đó, tôi buộc mình phải thoát vai ngay để tập trung vào những công việc khác. Ngoài đóng phim thì tôi cũng tập trung vào lĩnh vực sân khấu.
Nếu có cơ hội trở lại ghế đạo diễn làm phim thì anh có nắm bắt?
- Dĩ nhiên là có, nhưng vẫn phải là một kịch bản, một câu chuyện mà bản thân tôi cảm thấy thực sự thích. Kể cả phim thương mại hay phim nghệ thuật, miễn là mình cảm thấy thực sự thích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.