"Nếu chỉ chậm vài phút đồng hồ, có lẽ những đứa trẻ ấy không còn sống trên đời. Tôi thương các cháu như con ruột của mình", nữ hộ sinh 2 lần cứu sống trẻ bị bỏ rơi tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1979) là hộ sinh Trạm Y tế xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã 2 lần cứu sống trẻ bị bỏ rơi.
Hơn một tuần trước, trên Quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Sơn, một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong đêm mưa tầm tã.
May mắn, bé gái được người dân phát hiện kịp thời nên không ảnh hưởng tới tính mạng. Ngay sau đó, bé được chị Nguyễn Thị Thủy đưa về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng những ngày qua.
Nhớ lại thời điểm đó, chị Thủy cho biết, khi gia đình đang chuẩn bị ăn cơm tối thì chị nhận được điện thoại từ người dân, nói rằng có người đẻ rớt.
Không kịp thay đồ, chị Thủy chỉ mang theo một chiếc áo khoác cùng dụng cụ sơ cứu chạy ngay đến nơi người dân báo tin.
Tới nơi, chị Thủy như chết lặng khi thấy cháu bé được bỏ trong một chiếc bao đã ướt sũng, bơ vơ trên đống đất ven quốc lộ.
"Một người dân đi làm vườn về muộn, khi đi ngang qua đây nghe tiếng cháu khóc mới phát hiện. Do chiếc bao bị ướt nên cháu bé có dấu hiệu bị ngạt và lạnh. Cháu nằm ngay cạnh tổ kiến lửa nên kiến đã bò lên người. Có lẽ vì lạnh, đau và đói mà cháu mới khóc lớn đến vậy", chị Thủy kể.
Khi nghe tiếng trẻ em khóc, không ai dám đến gần. Chỉ khi chị Thủy đến nơi, với bản năng của người mẹ, trách nhiệm của một nữ hộ sinh, chị bế bé gái ra khỏi chiếc bao lạnh ướt, đặt bé vào chiếc áo khoác mà mình mang theo.
"Có hơi ấm, cháu thôi khóc dù đang bị kiến cắn. Tôi bế cháu trên tay, nhìn hình hài nhỏ bé, tím tái vì ngạt và lạnh, chi chít những vết cắn côn trùng mà lòng tôi xót xa, đau đớn vô cùng. Nếu như mọi người phát hiện muộn vài phút, có lẽ cháu đã mất rồi", nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thủy nhớ lại.
Đến nay (28/11), bé gái đã về ở với gia đình của chị Thủy được 10 ngày. Được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe của bé đã ổn định, da dẻ hồng hào, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, hiện một số vùng như rốn, quanh mắt của bé vẫn còn bị tổn thương do bị kiến cắn trước đó.
Mong con có một cuộc đời khác
Trước đó vào tháng 7/2021, chị Thủy đã cưu mang, chăm sóc một bé gái sơ sinh khác bị bỏ rơi trên địa bàn. Sau gần 4 tháng chăm sóc, cháu bé được một cặp vợ chồng giáo viên hiếm muộn trên địa bàn huyện nhận làm con nuôi.
Nhắc về đứa trẻ này, chị Thủy tâm sự: "Tôi coi cháu như con gái ruột của mình. Con đã có cuộc sống mới, có hơi ấm bố mẹ, nhưng gần một năm qua, tôi vẫn giữ liên lạc với gia đình bố mẹ nuôi để theo sát sự phát triển của con".
Nói đến đây, chị Thủy mở trong điện thoại của mình ra hàng trăm tấm ảnh, ghi lại khoảnh khắc đang yêu "con gái". Đây là những tấm ảnh mà chị muốn lưu giữ, coi đó là một kỷ niệm đẹp, một sự tự hào và là niềm hạnh phúc của một người mẹ đặc biệt.
Bà Trần Thị Dân (77 tuổi, mẹ đẻ chị Thủy) từ Quảng Bình vào Đắk Nông ở cùng con gái. Hai năm qua, bà Bình hỗ trợ con chăm sóc cháu ngoại và hai cháu bé bị bỏ rơi.
Dù vất vả nhưng bà Dân và con gái vẫn động viên nhau, cố gắng chăm lo các cháu nhỏ.
"Tôi nghĩ rằng, mình có duyên số thì mới gặp được các cháu, nên phải có trách nhiệm chăm lo. Khi nào sức khỏe cháu bé ổn định, chúng tôi sẽ cùng chính quyền địa phương tìm cho cháu một gia đình mới", bà Trần Thị Dân cho hay.
Được biết, vợ chồng chị Thủy có 5 người con, trong đó có 2 cháu đang học đại học. Công việc, cuộc sống gia đình bộn bề nên chị Thủy sẽ chăm sóc bé đến khi cứng cáp và mong muốn sẽ trao gửi cháu cho gia đình đủ điều kiện, đủ tình thương.
Chị Nguyễn Thị Thủy bộc bạch: "Tôi có kinh nghiệm nuôi con, cũng làm trong ngành y nhiều năm nên trước mắt cứ nuôi bé cứng cáp. Nếu có gia đình nào đủ điều kiện, nhận nuôi con, tôi mong họ dành tình yêu thương thật nhiều để con có một cuộc sống mới".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Duy Đại - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn, cho hay: "Sau khi tiếp nhận, sơ cứu bé, Đảng ủy, UBND, Công an xã Quảng Sơn chỉ đạo tạm thời giao chị Thủy nuôi dưỡng, chăm sóc. Sau khi sức khỏe cháu bé ổn định, chính quyền địa phương sẽ thực hiện khai sinh để cháu được hưởng các chế độ, chính sách".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.