Nữ nông dân mát trồng ớt đắt nhất thế giới, giá 800 triệu đồng/kg
Trồng ớt đắt nhất thế giới như trồng cây cảnh, chị nông dân Sài Gòn bán mấy trăm ngàn một kg?
Trần Đáng
Thứ sáu, ngày 13/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Từ cuối năm 2021, chị Nguyễn Thị Kim Xuân đã nhân giống trồng đại trà ớt charapita (ớt Peru) trên nửa mẫu đất tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP HCM). Đây là trang trại duy nhất trồng ớt Peru và trồng với diện tích lớn nhất ở TP.HCM. Charapita hay còn gọi là ớt Peru là loại ớt đắt nhất thế giới.
Diều đặc biệt khiến nhiều người thích thú khi tới thăm, đó là chị Xuân trồng ớt đắt nhất thế giới như trồng cây cảnh. Các cây ớt Peru được chị đưa lên chậu y như trồng cây cảnh vây. Hiện, trang trại trồng ớt Peru của chị Kim Xuân có hơn 1.600 chậu ớt đang cho thu hoạch.
Trồng ớt đắt nhất thế giới bằng công nghệ cao Israel
Trong giới làm nông công nghệ cao ở TP.HCM, chị Kim Xuân được nhiều người biết đến khi tạo những loại ớt chất lượng cao chỉ bán trong các hệ thống siêu thị.
Bẵng đi một thời gian do dịch Covid-19 bùng phát, chị Kim Xuân xuất hiện cùng trại trồng ớt charapita ở huyện Hóc Môn.
Hôm chúng tôi đến, những chậu ớt charapita đang chín rộ. Những trái ớt charapita nhỏ bằng đầu đũa chín vàng óng.
Cùng với hoa nghệ tây và vani, ớt charapita được xem là một trong những loại gia vị đắt giá nhất thế giới. Ở một số quốc gia, có thời điểm giá ớt charapita lên tới 35.000 USD, hơn 800 triệu đồng/kg.
Theo chị Kim Xuân, chị đang trồng ớt charapita theo công nghệ cao Israel.
Bằng công nghệ này, phân thuốc sẽ được hòa tan trong nước. Sau đó, hỗn hợp dinh dưỡng này theo hệ thống ống dẫn sẽ tưới nhỏ giọt từng gốc ớt.
Chị Kim Xuân chia sẻ, trồng ớt charapita bằng công nghệ Israel với công thức pha trộn phân, thuốc chuẩn, đủ nên cây ớt phát triển rất tốt.
Trái ớt charapita do đầy đủ dinh dưỡng đã cho chất lượng thơm, cay đặc trưng và khác biệt.
Theo đó, sau khoảng 6 ngày ương, hạt giống ớt charapita sẽ nảy mầm. Sau đó, khi cây ra được chục lá, cây sẽ được cho vào giá thể trồng. Giá thể này gồm xơ dừa, trấu.
Clip: Chị Nguyễn Thị Kim Xuân, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP HCM) chia sẻ mục tiêu trồng ớt charapita-ớt Peru. Clip: Trần Đáng
Trong quá trình trồng ớt charapita, chị Kim Xuân không ngắt ngọn để đẻ nhánh. Những cây ớt giống do được chăm bón với chế độ dinh dưỡng tốt sẽ đâm nhánh phát triển bình thường.
Sau khi trồng khoảng 50 ngày, ớt charapita sẽ cho thu hoạch.
"Trong quá trình trồng ớt charapita tôi chỉ chủ yếu đi nhặt cỏ vườn. Các công đoạn kỹ thuật phân, thuốc do công nghệ Israel xử lý", chị Kim Xuân thổ lộ.
Chị Kim Xuân cũng lưu ý, do ớt Peru sống trên vùng núi dưới những tán cây ở Peru. Cây không chịu nắng nhiều. Vì vậy, khi trồng phải che chắn để giảm độ nắng cho cây.
Liên kết trồng ớt đắt nhất thế giới
Hiện, trên thị trường Việt Nam giá ớt charapita tươi khoảng 2 triệu đồng/kg.
Ngoài bán ớt trái tươi cho thương lái về bán lẻ, chị Kim Xuân còn bán chậu ớt charapita chơi kiểng vào những dịp lễ, tết.
Bên cạnh đó, chị Kim Xuân còn chế biến các sản phẩm nước chấm từ ớt Peru phục vụ thị trường.
Tuy nhiên, kế hoạch lớn của chị Kim Xuân là liên kết một số hộ nông dân ở Củ Chi để trồng ớt charapita.
Theo chị Kim Xuân, mục tiêu của kế hoạch này là tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nông dân.
Song song đó, chị Kim Xuân muốn kéo giá ớt charapita xuống thấp để trong bữa ăn của các hộ gia đình có trái ớt charapita chất lượng này.
Chị Kim Xuân cho biết, ớt charapita có các thành phần dinh dưỡng rất cao. Một trái ớt charapita nhỏ bé nhưng có lượng vitamin C bằng một trái cam to.
"Thị trường rất ưa chuộng ớt charapita. Tuy nhiên, do giá ớt charapita còn quá cao, chưa thể đến bữa ăn của mọi gia đình. Vì thế, tôi cố gắng nhân giống thật nhiều để làm ra sản phẩm ớt charapita với giá thành chấp nhận được", chị Kim Xuân bộc bạch.
Hiện, để thực hiện kế hoạch liên kết nông dân trồng ớt charapita, chị Kim Xuân đã cho nhân giống hơn 20.000 cây giống.
Chị Kim Xuân cũng chia sẻ, một công ty cũng đã chấp nhận bao tiêu sản phẩm ớt Peru cho nông dân.
"Rất khả thi! Hy vọng cây ớt charapita là cây trồng đem lại một hướng đi mới cho nông dân và ngành nông nghiệp", chị Kim Xuân hứng khởi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.