Núi và thi ca

PGS.TS Lưu Khánh Thơ Thứ bảy, ngày 28/01/2017 16:10 PM (GMT+7)
Hình ảnh núi non kỳ vỹ xuất hiện trong thơ Việt Nam từ khá sớm và có một vị thế riêng biệt mà khó có hình ảnh thiên nhiên nào sánh được. Từ xa xưa, hình sông thế núi đã được ông cha ta coi như ranh giới xác định cương vực của đất nước.
Bình luận 0

Nam quốc sơn hà, bài thơ tương truyền của Lý Thường Kiệt được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam đã khẳng định: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời). Giống như nhiều nhà thơ cổ điển, ông vua thi sĩ Trần Nhân Tông (1258 - 1308) cũng là người mê đắm thiên nhiên, thường lấy thiên nhiên làm nơi ký thác tâm hồn. Âm vang chiến thắng của hai cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên đã đem đến cho nhà vua thi sĩ những cảm xúc dâng trào. Và dường như không thể khác, thi hứng dội lên, ông lại mượn hình ảnh núi sông để bày tỏ niềm tự hào và tư thế ung dung tự tại của bậc quân vương: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen bon ngựa đá/Núi sông nghìn thuở vững âu vàng).

img

 Núi “vờn” mây, mây “vờn” núi trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (nằm giữa Lào Cai và Lai Châu, có độ cao 3.046m so với mực nước biển).  Ảnh:  I.T

Thế kỷ XV, danh nhân Nguyễn Trãi đã để lại cho đời sau những áng thơ bất hủ, in dấu trong lịch sử văn học nước nhà. Trong thơ ông, hình ảnh Núi xuất hiện như một biểu tượng thiên nhiên hùng vĩ, mang tầm vóc lớn lao của vũ trụ. Ngoài Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi có Chí Linh sơn phú là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh. Trước những ngày đại thắng, khởi nghĩa Lam Sơn cũng phải trải qua những ngày khó khăn. Bị quân Minh vây đánh nhiều trận, quân Lam Sơn ba lần phải rút chạy lên núi Chí Linh vào những năm 1418, 1419, 1422.

Chí Linh sơn phú chính là lời bày tỏ lòng biết ơn của Nguyễn Trãi đối với ngọn núi linh thiêng Chí Linh đã che chở cho đoàn nghĩa quân đến thắng lợi. Côn Sơn ca là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Ức Trai thi tập. Đó là một khúc ca hài hòa giữa minh triết và lòng nhân ái. Bài ca Côn Sơn mở ra một khoảng không xanh tươi, trong trẻo. Ở đó núi non hùng vĩ nhưng không bí ẩn, xa cách. Thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thủy mà thật ấm áp, gần gũi. Nhờ tầm cao và khoảng không rộng mở của núi Côn Sơn mà Nguyễn Trãi đã tiếp nhận được toàn bộ thiên nhiên tạo vật. Côn Sơn đã trở thành ngôi nhà thân thuộc khi nhà thơ nghe được tiếng nói của suối, đá, thông, trúc, Nguyễn Trãi thật hào hứng khi nói: “Côn Sơn có suối”, “trong núi có thông”, “trong rừng có trúc”. Thực hiện được sự hòa nhập lớn lao này, Nguyễn Trãi đã chuyên chở được sự phong phú và vĩnh cửu của vũ trụ.

Trong gia tài thơ Hồ Chí Minh, chủ đề Đăng Sơn (Lên núi) là những bài thơ đặc sắc, mở ra một thế giới phong phú những xúc động tâm tình trong tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ cách mạng. Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi) là bài thơ nằm ngoài tập Nhật ký trong tù được sáng tác khi Bác mới được tự do.

Trong quyển Vừa đi đường vừa kể chuyện, T.Lan(*) cho biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ: “Khi được thả ra, mắt Bác nhìn kém, chân bước không được, Bác quyết tâm tập đi, mỗi ngày 10 bước, dù đau mà phải bò, phải lết cũng phải được 10 bước mới thôi. Cuối cùng Bác chẳng những đi vững mà còn trèo được núi. Lần đầu tiên lên đỉnh núi, Bác cao hứng làm một bài thơ chữ Hán.” Câu thơ mở đầu tả cảnh núi non hùng vĩ. Con người làm chủ thiên nhiên. Và ở đây cũng thể hiện cái nhìn ung dung, thanh thản của Bác: Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân/ Giang tâm như kính, tịnh vô trần (Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng, bụi không mờ). Phong thái ung dung thanh thản là một bản lĩnh phi thường của bậc lãnh tụ có khả năng làm chủ trong mọi tình huống.

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi..."

(Trích Tây Tiến - Quang Dũng)

Bạn đọc yêu thơ Việt Nam hiện đại nhiều thế hệ không thể quên bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Một thi phẩm mà bóng dáng của nó đã in sâu trong tâm trí bao người. Với Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng nên tượng đài bất tử của người lính kháng Pháp. Đó là sự thăng hoa, hòa quyện giữa hiện thực gian khổ và tâm hồn của thi nhân. Người đọc như lạc vào chốn núi rừng hiểm trở và hùng tráng được dàn trải trong nỗi nhớ mênh mang. Trong bài thơ đó, có thể thấy những địa danh mà ngay âm thanh cũng gợi đến một vẻ đẹp xa xôi của núi rừng. Đó là cái mù mịt của một đêm sương Sài Khao, cái ẩn hiện của hoa Mường Lát, mưa xa khơi của Pha Luông…

Tây Tiến không chỉ là nơi lưu giữ những sự kiện, những địa danh của một thời oanh liệt mà còn như là minh chứng cho một quá khứ hào hùng gắn liền với hồn thơ bi tráng và lãng mạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem