Nước mắt nông dân cạn trong “bão” dịch tả lợn

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 06/06/2019 15:35 PM (GMT+7)
Hơn 3.600 xã của 53 tỉnh, thành phố trên cả nước có dịch tả lợn châu Phi. 2,2 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, thiệt hại ước tính 3.600 tỷ đồng. Những con số dày đặc hàng ngày chưa đủ để hình dung mức độ tàn phá của loại dịch bệnh nguy hiểm này. Ở vùng dịch, nước mắt của người nông dân đã cạn.
Bình luận 0

Kỳ 1: Những vệt vôi trắng đường làng

Tới xã Phương Đình (huyện Đan Phượng, Hà Nội), chúng tôi nhận thấy không khí quyết liệt, tất cả mọi người có nhiệm vụ đều vào cuộc đến mức kiệt sức vì tiêu hủy và phòng dịch lợn tả châu Phi (DTLCP). Nhưng dù vậy, nước mắt của nông dân vẫn rơi.

Vệt vôi, vệt dịch

Bà Phạm Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình -Trưởng ban phòng chống DTLCP cho biết: “Ngày 29/4, khu chăn nuôi thôn Cổ Thượng có ổ DTLCP đầu tiên, xã phải lập chốt cách ly bảo vệ 24/24h. Cứ ở đâu dân báo có hiện tượng lợn chết, chúng tôi cùng cán bộ xuống để hướng dẫn bà con thực hiện biện pháp tiêu hủy, phòng chống. Trong đó, khâu kiểm đếm lợn tiêu hủy được chúng tôi triển khai chặt chẽ, minh bạch vì đây là việc vô cùng phức tạp”.

img

Chị Toán bị bỏng giác mạc, mắt sưng húp vì tai nạn do tung vôi khử trùng. Ảnh: G.T

Khó khăn lớn nhất mà xã Phương Đình cũng như nhiều địa phương xảy ra DTLCP gặp phải là thiếu nhân lực trong phòng chống dịch, tiêu hủy lợn bệnh. Bà Thu cho hay, có những gia đình bị tiêu hủy gần 90 tấn lợn, phải làm ròng rã trong 3 ngày mới hết. Lực lượng dân quân tự vệ, công an viên, cán bộ xã và người dân đều được huy động vào công tác phòng chống dịch.

“Có những người đi đào hố chôn lợn nhiều quá, về nhà ám ảnh không ăn, không ngủ được. Chưa có dịch bệnh nào trên cây trồng, vật nuôi lại gây thiệt hại lớn như thế” - bà Thu nói.

Tôi đề nghị bà Thu dẫn đến những gia đình bị tiêu hủy lợn với số lượng lớn, bà nói: “Nhà báo đi vào các thôn, cứ thấy nhà nào vôi bột tung trắng ngõ, tìm gặp bà con là họ chia sẻ thôi mà”.

Tính đến ngày 4/6, DTLCP đang xảy ra tại 3.682 xã, 357 huyện của 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.223.765 con. Ngoài ra, có 125 xã thuộc 68 huyện của 23 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này là 33.400 con. Thời gian qua, có 47 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

Theo sự hướng dẫn của bà Thu, chúng tôi tìm đến khu chăn nuôi ở thôn Địch Trong, xã Phương Đình. Con đường dẫn vào khu chăn nuôi trắng xóa vôi bột, có rất ít bước chân dẫm lên. Một cán bộ xã Phương Đình đi cùng tôi cho biết: “Dân ở đây ý thức lắm, họ biết đang mùa dịch nên bà con giữ cho nhau, tránh  đi lại tiếp xúc, gần như nội bất xuất ngoại bất nhập. Dù  đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng dịch, đảm bảo cách ly nhưng không hiểu sao một số nhà vẫn bị virus DTLCP ghé thăm”.

Khu chăn nuôi thôn Địch Trong có 11 hộ, đều là những nhà nhận dồn điền đổi thửa, tự nguyện lấy vùng đất ruộng trũng ngập nước. Sau nhiều năm ném sức vật đất, họ đã xây dựng thành những khu chuồng trại ao nuôi quy mô. Nếu không xảy ra dịch, mỗi năm những hộ chăn nuôi ở đây xuất chuồng không dưới 5.000 đầu lợn thịt. Nhưng giờ này, cả khu phủ một màu buồn của vôi trắng, đã có 2 nhà có lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Một không khí lo âu, căng thẳng bao phủ khắp 11 gia đình.

Do liên hệ từ trước nên chỉ có nhà anh Phạm Văn Hội trong thôn mở cửa tiếp tôi. Toàn bộ đàn lợn nhà anh đã bị tiêu hủy, những vệt vôi vẫn phủ kín nền chuồng. Không gian im ắng đến ngột ngạt, chỉ có tiếng khóc rấm rứt của chị Toán (vợ anh Hội) vọng ra trong nhà, một bên mắt của chị bịt băng trắng. Hỏi ra mới biết, do đàn lợn bị tiêu hủy hết, chị Toán mang vôi bột rắc vệ sinh chuồng trại, chẳng may bị vôi bắn vào mắt. Anh Hội đưa vợ đi Viện Mắt Trung ương khám, bác sĩ kết luận chị bị bỏng giác mạc. Đáng lẽ phải nằm viện, nhưng nhà anh chị công việc bộn bề, mẹ chồng tai biến nằm liệt giường, lợn tiêu hủy hết, chị Toán đành về nhà. DTLCP đã cướp đi bao nhiêu hy vọng của gia đình chị.

Người nuôi kiệt quệ

Bà Hoàng Thị Thắm đã có hơn 20 năm làm nghề kinh doanh thịt lợn ở khu vực chợ Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Bà thường thu mua lợn của những hộ nông dân ở thôn Đình Tổ (huyện Thuận Thành). Đây là thôn có diện tích đất bãi ven sông Đuống khá rộng, bà con nhiều năm nay chuyển đổi một phần diện tích đất để trồng rau, nuôi lợn.

img

Đường làng thôn Địch Trong được phủ vôi phòng dịch lợn (ảnh nhỏ). Ảnh: G.T

Bà Thắm chia sẻ: “Giá lợn thịt bây giờ rất rẻ, tâm lý bà con muốn bán sớm nhưng do giá lợn hạ quá nhanh, nhiều gia đình phải bán lỗ. Vì sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi phải chọn thịt ở những đàn chưa có biểu hiện nhiễm bệnh chứ không bao giờ làm ẩu để trục lợi”.

Đã hơn 20 năm làm nghề giết mổ, kinh doanh thịt lợn, chứng kiến nhiều đợt dịch trên đàn lợn như dịch tai xanh, lở mồm long móng nhưng chưa bao giờ bà Thắm phải chứng kiến cảnh chuồng trại tan hoang như bây giờ.

“Tôi đi vào nhiều gia đình nuôi lợn, họ chỉ còn mỗi cái chuồng không, chẳng buồn dọn dẹp nên tan hoang, đổ nát” - bà Thắm nói. Nhiều nông dân thừa nhận, DTLCP đã khiến họ kiệt quệ, không biết bao giờ mới khôi phục lại được khi bao nhiêu vốn liếng đã mất sạch vì DTLCP ập đến.

Bà Thắm đang lo ngại, nếu cứ đà này, nghề giết mổ, kinh doanh thịt lợn của bà cũng bị gián đoạn vì đàn lợn trong dân không còn nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem