|
Việc khoan giếng ồ ạt đã khiến mực nước ngầm tụt giảm nhanh chóng. |
Báo động đỏ
Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 400.000 giếng khoan khai thác nước ngầm do người dân tự đầu tư và hàng trăm trạm cấp nước tập trung. Riêng tỉnh Cà Mau đã có 137.988 giếng khoan (nhiều nhất ĐBSCL) với tổng công suất gần 400.000m3³/ngày.
Xã Tắc Vân (TP. Cà Mau) có mật độ giếng khoan đáng báo động với khoảng 252 giếng/km2². Trong khi đó, dự án dẫn nước ngọt từ Hậu Giang về Cà Mau phục vụ sản xuất, sinh hoạt đã phá sản từ nhiều năm qua. Tỉnh Bạc Liêu có 6.168 giếng thì chỉ có 72 giếng cấp nước sinh hoạt tập trung.
Theo kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh - Y tế công cộng (Bộ Y tế) tại các tỉnh ĐBSCL: Mức độ nhiễm thạch tín trong giếng nước ngầm cao đến mức báo động, đặc biệt tại An Giang. Có tới 40% trong số 2.966 mẫu được kiểm tra bị nhiễm thạch tín...
Ông Khưu Lễ - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bạc Liêu, cho biết: Trước đây chỉ khoan sâu 60 - 70m là có mạch nước ngầm, hiện nay mạch nước đã tụt sâu 100 - 120m. Nguyên nhân cũng từ con người khai thác quá mức, ở vùng biển thường khoan giếng có độ sâu 90 - 120m để pha với nước mặn nuôi tôm sú, trồng màu...
Ông Trần Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Mực nước ngầm sụt giảm liên tục, nhất là ở khu vực ven biển. Quan trắc động thái mực nước tại TP. Sóc Trăng, từ năm 2002 - 2007 cho thấy: Mực nước tĩnh tầng số 9 từ 307 m đến 376m đã suy giảm 4,85 m; tầng 8 từ 157m - 307m giảm gần 2m. Sóc Trăng có 75.000 giếng khai thác nước ngầm, trong đó có 59.000 giếng của người dân tự khai thác... Cần Thơ, cũng đã có trên 32.000 giếng khoan hộ gia đình, hơn 300 giếng cỡ trung bình công suất khoảng 500 m3/ngày và 20 giếng quy mô lớn công suất trên 1.000 m3/ngày để cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.
Phung phí nước ngầm
Ngoài ra, tại ĐBSCL hiện có hàng ngàn giếng khoan đã không còn sử dụng được do bị nhiễm phèn, chì, sắt... Trong đó, Cà Mau có 3.238 giếng, Bạc Liêu 1.700 giếng, Trà Vinh 1.600 giếng… Tất cả đang bị bỏ phế, không được trám, lấp đúng kỹ thuật dẫn đến nguy cơ sụp, lún tầng khai thác, suy thoái tầng nước, nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm rất lớn.
Tầng nước ngầm ở ĐBSCL đã tụt giảm từ 12 - 15m. Nếu không có các biện pháp cấp bách từ bây giờ thì mực nước ngầm tại nhiều địa phương ở ĐBSCL sẽ xuống tới mực nước chết vào năm 2014.
PGS.TS Dương Văn Viện - Trường Đại học Thủy lợi.
Hiện tại, ở Cà Mau nước ngầm tầng nông đã bị nhiễm mặn, ở Bạc Liêu, khoan đến 120m cũng chưa thấy nước, ở Sóc Trăng có nơi phải khoan đến 500m vẫn chưa tìm được nguồn nước ngầm đạt tiêu chuẩn. Đáng lo ngại nhất là việc dùng nước ngầm pha với nước mặn để nuôi tôm.
TS Dương Văn Ni - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), cho rằng việc lấy nước ngầm pha vào vuông tôm làm giảm độ mặn là quá phung phí. Điển hình vùng trồng hoa màu, nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), bình quân mỗi hộ dân khoan 3 giếng bơm tay, làm mực nước ngầm ở đây bị tụt xuống khoảng 8m
TS Nguyễn Hữu Chiếm -khoa Môi trường và Quản lý tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho biết: ĐBSCL do cấu trúc địa tầng, các vỉa nước ngầm mặn và ngọt có nơi nằm đan xen với nhau. Do vậy, nếu khai thác không đúng kỹ thuật dễ dẫn đến hậu quả là thông tầng, gây hư hỏng nguồn nước…
Sự suy kiệt nước ngầm ngày càng báo động, tuy nhiên đến nay chưa có nghiên cứu nào về việc hạ thấp của mặt đất tự nhiên do tầng nước ngầm giảm sút áp lực do bị khai thác quá mức.
Nếu tiên đoán nước ngầm sẽ xuống tới mực nước chết vào khoảng năm 2014 thì áp lực thiếu nước ngọt vào mùa khô những năm sau đó sẽ càng trầm trọng hơn...
Bình Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.