Nuôi cá đặc sản quý hiếm dưới sông ở Vĩnh Long, hễ bắt lên người ta trông thấy là đã muốn mua
Nuôi cá đặc sản quý hiếm dưới sông ở Vĩnh Long, hễ bắt lên người ta trông thấy là đã muốn mua
Thứ bảy, ngày 10/06/2023 05:05 AM (GMT+7)
Giá thức ăn không ngừng tăng, trong khi giá cá tra, cá điêu hồng thương phẩm khá bấp bênh, chị Võ Thị Hoa Phụng (ngụ xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chuyển qua nuôi nhiều loại cá khá quý hiếm, cá đặc sản cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Phụng cho biết từng là giáo viên mầm non, nhưng do hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên chị xin nghỉ việc để về nhà nuôi cá phụ giúp. “Gia đình tôi có truyền thống nuôi bè cá hơn 20 năm rồi. Cha mẹ ngày càng lớn tuổi nên bè cá cần người quản lý nên tôi xin nghỉ việc. Đó cũng được xem là cái duyên tôi đến với nghề này”- chị Phụng chia sẻ.
Cũng như bà con ở cù lao An Bình, xã An Bình, huyện Long Hồ, (tỉnh Vĩnh Long) nhiều năm qua gia đình chị Phụng chủ yếu nuôi cá tra, cá điêu hồng lồng bè. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cá thương phẩm sụt giảm, người nuôi không có lời, rơi hoàn cảnh hết sức khó khăn và gia đình chị cũng không ngoại lệ.
Vượt qua những khó khăn, thử thách chị Phụng, nông dân ngụ xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã thành công với hướng đi riêng bằng mô hình nuôi cá quý hiếm, cá đặc sản trên sông.
Vì vậy, “chuyển đổi cách nuôi và giống cá mới là việc trước tiên tôi nghĩ tới”. Chị Phụng cho biết, năm 2015, chị bắt tay vào tìm hiểu kỹ thuật và mua những giống cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như: cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ, mè hôi, cá cóc, cá trắm đen… từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (tỉnh Tiền Giang) về nuôi.
Trong đó, có những loài như cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ được xem là những giống cá khá quý hiếm hiện nay, chúng được mệnh danh là “thủy quái” sông Mekong, nuôi đạt yêu cầu trọng lượng cá lên tới vài chục ký mỗi con.
Theo chị Phụng, cái khó lớn nhất khi chuyển sang nuôi những giống cá này là kỹ thuật và việc tìm đầu ra cho sản phẩm. “Lứa cá đầu tiên tôi phải tự mang ra chợ chào mời khách hàng, nhất là các thương lái, đồng thời cũng chủ động rao bán trên mạng xã hội. Nhờ các giống cá này ít có trên thị trường nên được nhiều người đón nhận. Cá tiêu thụ tốt, tôi thu lợi nhuận khá cao”- chị Phụng nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Khi nhận thấy hiệu quả, chị Phụng mạnh dạn thả thêm giống nuôi. Đến nay, chị đã có hơn 30 bè cá, mỗi loại có vài chục tấn cá thương phẩm, trong đó có nhiều con cá hô trên 20kg.
Cách nuôi cá quý hiếm “không đụng hàng”
Từ kinh nghiệm tích lũy được sau rất nhiều năm nuôi cá đặc sản, theo chị Phụng “chọn được nơi mua giống uy tín, chất lượng là yếu tố cực kỳ quan trọng, cùng với đó, những loại cá đặc sản phụ thuộc rất nhiều yếu tố thời tiết. Những tháng lạnh không nên thả cá giống vì cá gần như không ăn. Sau Tết, thời tiết ấm áp là thời điểm tốt nhất để thả giống”.
Ưu điểm của việc nuôi cá đặc sản trên lồng bè là nguồn giống với môi trường tự nhiên giúp cá thích nghi tốt. Đồng thời, chị nuôi mật độ khá thưa, mỗi lồng khoảng 3-5 tấn cá nên cũng hạn chế bệnh tật. “Các loại cá quý hiếm rất “đỏng đảnh”, như khi gặp sóng lớn, mưa nhiều là bỏ ăn 2-3 ngày. Nếu không chăm sóc kỹ thì tỷ lệ hao hụt sẽ tăng cao”- chị Phụng chia sẻ.
Để con cá đặc sản thương phẩm đạt các tiêu chuẩn như: thịt ít tanh, săn chắc, chị Phụng cho cá ăn kiêng.
Chị Phụng chia sẻ: “Tôi cho cá ăn ít theo chế độ nhất định, như chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều lần trong ngày. Chính nhờ cho ăn như vậy nên cá đói, khi cho ăn chúng tranh nhau. Quá trình đó làm thịt săn chắc, cá khỏe, lớn nhanh và giảm chi phí hao hụt”.
Tùy loại cá mà có thời gian nuôi và thu hoạch khác nhau, mỗi con đạt trọng lượng từ 5 đến vài chục ký. Cá càng lớn thì thịt càng ngon, giá trị càng cao.
Hiện giá cá hô, trà sóc… dao động từ 270.000-400.000 đ/kg; cá cóc, mè hôi khoảng 120.000-230.000 đ/kg. “Mỗi năm tôi cung ứng cho các nhà hàng, thương lái khoảng 60 tấn cá các loại, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng sau khi trừ hết chi phí”- chị Phụng chia sẻ việc nuôi cá quý hiếm và cách nuôi “không đụng hàng” này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.