Năm 2015 sau khi “giải nghệ” nghề lái xe tải công trường, ông Sỹ về nhà cùng vợ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp vườn-ao-chuồng (VAC). Thứ cây và con “mũi nhọn” của gia đình ông Sỹ khi đó là thanh long ruột đỏ và lợn thịt. Năm 2017 khi giá lợn xuống thấp kỷ lục, ông Sỹ mất vài trăm triệu đồng vì đàn lợn hơn 200 con đến lúc xuất chuồng, giá bán 1kg lợn không mua nổi 1kg gạo ngon.
Nhìn đàn lợn ông Sỹ ngao ngán, không biết đến bao giờ giá lợn mới tăng, trong lúc buồn vì làm ăn thất bát, ông được người bạn giới thiệu nuôi chim bồ câu Pháp. Có lợi thế đất đai rộng rãi, lại đang lúc buồn, ông “tặc lưỡi” bỏ tiền mua hơn 50 đôi chim bồ câu Pháp về nuôi chơi chơi cho khuây khỏa.
Nuôi chim bồ câu Pháp… cho vui nhưng mỗi tháng gia đình ông Sỹ có gần 10 triệu bỏ túi
“Bán 30 con lợn, được hơn 40 triệu, tôi làm chuồng nuôi chim. Lúc đầu mới nuôi chỉ nghĩ nuôi cho vui, trong lúc giá lợn xuống thấp bởi vậy chuồng trại tôi làm rất đơn giản, chỉ tận dụng lại chuồng lợn cũ để ngăn lại, chăng lưới xung quanh, sau đó đưa vào mấy thùng tre làm chỗ cho chim ở” ông Sỹ chia sẻ.
Từ chỗ chỉ xác định nuôi cho vui, nào ngờ đàn bồ câu Pháp lại mở cho ông Sỹ hướng chăn nuôi mới. Theo ông Sỹ thì thị trường chim bồ câu Pháp ở Điện Biên bán rất tốt. Vì thế sau khi tham khảo nhiều gia đình nuôi, ông Sỹ quyết định đầu tư chăm đàn chim, để có chim non thương phẩm bán cho các nhà hàng, khách sạn.
Thức ăn ưa thích để bồ câu Pháp sinh trưởng phát triển khỏe là thóc nếp hạt tròn
“Đúng là nuôi con gì phải yêu con đấy, đàn bồ câu Pháp ngày càng phát triển, thời gian đầu, tôi chỉ nuôi và nhân rộng đàn chim. Tôi chịu khó lên mạng internet, tìm đọc sách báo, học cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp, kinh nghiệm nuôi chim bồ câu. Tìm hiểu, tôi biết loại chim này rất ưa ăn thóc nếp loại hạt trơn tròn và cũng mắn đẻ nữa, Nếu chim trưởng thành, cứ 45 ngày một lứa, nuôi hơn 2 tuần là tách bán được chim non. Nuôi chim bồ câu hay ở chỗ, chúng thuộc họ gia cầm nhưng không bao giờ bị dịch chết cả đàn như gà, vịt....” – ông Sỹ tiết lộ.
Theo ông Sỹ thì bệnh của bồ câu Pháp chỉ có 2 bệnh điển hình mà chim hay mắc phải là bệnh khô chân và đi ỉa phân xanh. Nếu người nuôi chú ý quan sát hàng ngày sẽ phát hiện ra ngay. Khi đó chỉ cần mua thuốc đặc trị là chim khỏi bệnh.
Ông Sỹ còn bật mí, “Giống chim bồ câu Pháp rất hay bị con “bọ mòng” - hình dáng giống con ruồi, bò rất nhanh - ký sinh trên da và ẩn rất kỹ vào lớp lông vũ. Loại bọ này chính là nguyên nhân gây ra các loại bệnh và làm giảm sức đề kháng của chim. Tuy nhiên, cách phòng ngừa lại rất đơn giản, người nuôi chỉ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ mỗi tuần, định ký 1 tháng thay ổ rơm và khử trùng là chim sinh trưởng, phát triển tốt.”
Bọ mòng nhìn giống con ruồi - loại ký sinh hay gây ra các bệnh khô chân, đi phân xanh và giảm sức đề kháng cho chim bồ câu Pháp
Khi đàn bồ câu 170 cặp đã cho thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng/tháng, ông Sỹ đang tính toán để chuyển hướng sang mô hình này. “Tôi sẽ nghiên cứu và thiết kế lại chuồng trại khoa học, thoáng mát hơn, sau đấy sẽ đầu tư, mở rộng mô hình nuôi bồ câu Pháp. Với diện tích đất rộng, tôi sẽ nuôi khoảng 500 đến 700 đôi bồ câu Pháp trong năm 2019” ông Sỹ cho biết thêm. Bởi theo ông Sỹ, nuôi bồ câu pháp nhàn nhã, thức ăn chỉ là thóc nếp mà gia đình tự trồng ra được nên chi phí đầu tư không đáng bao nhiêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.