Nuôi một loại chim ví như chim tiền tỷ, vì sao ở Kiên Giang, người nuôi đang thất thu?

Thứ năm, ngày 17/08/2023 05:14 AM (GMT+7)
Được mệnh danh là “vàng trắng”, sản phẩm yến sào (tổ yến) mang đến nguồn thu nhập cao cho nhiều người kinh doanh và nuôi chim yến tại tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng, thời gian gần đây nhiều hộ nuôi chim yến trong tỉnh lo lắng vì tổ yến mất mùa, rớt giá, sản lượng tiêu thụ tổ yến giảm.
Bình luận 0

Sản lượng tổ yến giảm do chim yến già, đẻ kém

Hiện các nhà nuôi chim yến tại Kiên Giang đang thu hoạch vụ đầu năm 2023. Đợt thu hoạch đầu tiên năm nay đến muộn hơn các năm trước. 

Qua khảo sát từ các nhà nuôi yến, số lượng thu hoạch tổ yến đợt này giảm sản lượng khoảng 30% so cùng kỳ năm 2022.

Chị Trần Tú Hồng, chủ cơ sở yến sào Hải Hương, đường 3 Tháng 2, TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết: “Những nhà nuôi yến lâu năm đang bị giảm nhiều về số lượng chim yến do đàn yến già, tốc độ sinh sản giảm hoặc chim yến đã chết. 

Nguyên nhân chính do chim yến bị thiếu hụt thức ăn, phải đi xa tìm kiếm thức ăn dẫn đến tốc độ sinh sản để tăng bầy, tăng tổ chậm”. 

Có 2 căn nhà nuôi chim yến, chị Tô Thị Mỹ Duyên, ngụ ấp Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) chia sẻ: “Tôi cứ tưởng như những năm trước, sản lượng tổ yến giảm thì giá yến sào sẽ tăng. 

Riêng năm nay giá tổ yến đang rất thấp, tầm 15 triệu đồng/kg. Nhà nuôi yến của tôi đã thu hoạch tổ yến, nhưng không bán ra do đang chờ giá yến tăng trở lại...”.

Chị Đoàn Thị Kim Anh - đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Hiền Kim Anh, đường số 5, khu đô thị lấn biển Tây Bắc, TP Rạch Giá có 2 nhà nuôi yến tại huyện Hòn Đất.

Nuôi một loại chim ví như chim tiền tỷ, vì sao ở Kiên Giang, người nuôi đang thất thu? - Ảnh 1.

Nhân viên nhặt lông yến tại phòng tinh chế yến sào của cơ sở yến sào Du Long, đường Phạm Hùng, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Chị vừa thu hoạch yến đợt đầu, sản lượng yến giảm, tổ yến mỏng, nhẹ. Ngoài tổ yến của gia đình, chị Kim Anh còn thu mua tổ yến từ các nhà yến khác trong tỉnh. 

“Năm nay giá tổ yến thấp, tôi không bán yến thô mà giữ lại chờ giá tăng và làm yến sào tinh chế bán lẻ. Giá bán lẻ tổ yến tinh chế từ 3-3,2 triệu đồng/100g”, chị Kim Anh nói.

Đầu ra đang gặp khó khăn do cạnh tranh bởi "tổ yến ngoại"

Chị Kim Anh cho biết: “Tôi không thu mua tổ yến xô từ các nhà yến khác nhiều do đầu ra hiện khó khăn. Một phần do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Mặt khác, một số cơ sở kinh doanh tổ yến đã nhập khẩu tổ yến xô từ các nước khác như Malaysia, Indonesia…Chưa biết chất lượng tổ yến ngoại như thế nào, nhưng giá nhập rất thấp. Giá tổ yến nuôi tại Kiên Giang hiện không cạnh tranh được...”.

Nuôi một loại chim ví như chim tiền tỷ, vì sao ở Kiên Giang, người nuôi đang thất thu? - Ảnh 2.

Thu hoạch tổ yến trong một nhà nuôi chim yến tại TP Rạch Giá (Kiên Giang).

Tổ yến là sản phẩm thực phẩm có giá trị cao, theo những người am hiểu, nghiên cứu lâu năm về nghề nuôi chim yến, nguồn cung tổ yến trong tỉnh không quá nhiều để vượt cầu, nhưng do sự xuất hiện của tổ yến nhập từ nước ngoài về nhiều đã làm cho cung vượt cầu và rớt giá. 

Lâu nay, sản phẩm yến sào có giá trị cao nên nhiều người tưởng đây là ngành có lợi nhuận cao, dễ làm nên ngày càng có nhiều nhà nuôi yến “mọc” lên.

Qua khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh, sau thời gian nở rộ về số lượng nhà nuôi yến thì thời điểm hiện tại, một số nhà nuôi chom yến không hiệu quả đã tự tháo dỡ hoặc chuyển đổi công năng sử dụng sang làm nhà kho, nhà nghỉ.  

Theo anh Trần Quốc Phương, Chi hội phó Chi hội Yến sào Kiên Giang, chủ cơ sở yến sào Du Long, TP. Rạch Giá, trước đây, số đàn chim yến còn nhiều so với số lượng nhà yến và so với lượng thức ăn tự nhiên. 

Hiện nay, nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, thiếu thức ăn, nạn săn bắt chim…đã ảnh hưởng đến bầy, đàn chim yến. Nhiều người đầu tư nhà yến hàng tỷ đồng vẫn chưa kịp thu hồi vốn, lãi ngân hàng đang ở mức cao. 

“Trước tình hình hiện nay, tôi khuyên người nào đã đầu tư nhà nuôi yến nhưng chưa có hiệu quả thì nên tìm hiểu thêm về kỹ thuật để khắc phục hoặc chuyển đổi công năng sử dụng. Đối với những nhà yến đang khai thác hiệu quả thì giữ ổn định, không nên đầu tư thêm nhà nuôi yến mới vì sẽ rất khó thu hồi vốn”, anh Phương nói.

Anh Trần Quốc Phương cho rằng vấn đề cấp thiết hiện nay là cần bảo vệ đàn chim yến, tuyên truyền cho người dân hạn chế săn bắt chim yến, củng cố bầy đàn. 

Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa nhằm đảm bảo vệ sinh nhà nuôi chim yến, bảo vệ môi trường. 

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra về chất lượng tổ yến và các sản phẩm yến tinh chế; có chế tài khi phát hiện những trường hợp kinh doanh các sản phẩm tổ yến trôi nổi, pha trộn tạp chất vào yến tinh chế nhằm hạ giá thành sản phẩm, giảm giá trị của tổ yến Kiên Giang.

“Cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng để tăng thương hiệu, tăng giá trị cho nguồn “vàng trắng” tại Kiên Giang và giữ vững niềm tin của người tiêu dùng”, anh Phương nhấn mạnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 2.456 nhà nuôi chim yến, nhà nuôi yến tập trung ở TP Rạch Giá, TP Hà Tiên, các huyện Hòn Đất, Kiên Lương…

Kiều Diễm (Báo Kiên )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem