Mô hình Chi hội nghề nghiệp ở Điện Biên giúp tăng cường gắn kết, hỗ trợ hội viên, nông dân tốt hơn

Thu Hường - Việt Trinh Thứ hai, ngày 11/11/2024 07:05 AM (GMT+7)
Nhằm giúp hội viên nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai mô hình Chi hội nghề nghiệp nuôi dê sinh sản tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Tham gia mô hình có 15 hội viên nông dân nghèo và vận nghèo được hỗ trợ nuôi dê sinh sản.
Bình luận 0

Ra mắt Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản bản Co Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên (Điện Biên). Clip: Việt Trinh

Đây là một hướng đi mới, giúp các hội viên học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình bền vững, đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng đa dạng hóa mô hình sản xuất. 

Noong Luống là xã thuộc vùng lòng chảo của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Đời sống của người dân chủ yếu làm nông nghiệp; tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Phương thức sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu là tự cung, tự cấp và dựa phần lớn vào điều kiện tự nhiên dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế còn chậm. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao so với tổng dân số toàn huyện.

Mô hình Chi hội nghề nghiệp – Tăng cường gắn kết và hỗ trợ hội viên   - Ảnh 1.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên trao dê và thức ăn cho các thành viên trong Chi hội nghề nghiệp nuôi dê sinh sản tại xã Noong Luống . Ảnh: Thu Hường

Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi dê sinh sản tại xã Noong Luống được thành lập với mục tiêu tạo ra sân chơi và môi trường học hỏi cho các hội viên có chung niềm đam mê và nhu cầu phát triển chăn nuôi dê. Việc thành lập chi hội sẽ thu hút được nhiều hội viên tham gia, đặc biệt là những hộ gia đình có đất trống, nguồn thức ăn phong phú và điều kiện chăn nuôi thuận lợi.

Chi hội hoạt động dựa trên nguyên tắc đoàn kết, hợp tác, các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc dê sinh sản, và cách phòng chống bệnh tật cho dê. Nhờ có sự hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các chuyên gia nông nghiệp, các hội viên được đào tạo bài bản, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất và hiệu quả.

Mô hình Chi hội nghề nghiệp – Tăng cường gắn kết và hỗ trợ hội viên   - Ảnh 2.

Các thành viên Chi hội nghề nghiệp nuôi dê sinh sản bản Co Luống được tập huấn cách chăm sóc, phòng bệnh cho dê; giúp hội viên nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Ảnh: Thu Hường

Mô hình nuôi dê sinh sản được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu và tài nguyên tự nhiên tại xã Noong Luống. Dê là loài vật dễ nuôi, ít mắc bệnh và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện chăn thả tại địa phương. Việc nuôi dê sinh sản không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư ban đầu, phù hợp với các hộ nông dân có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Theo ông Lường Văn Phương, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi dê sinh sản bản Co Luống, việc nuôi dê giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập ổn định. "Trước đây gia đình tôi chỉ trồng lúa và ngô, thu nhập thấp và không ổn định. Hôm nay, được tham gia mô hình Chi hội nghề nghiệp nuôi dê sinh sản, tôi học được nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi mới, được Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ dê giống để chăn nuôi, tôi rất vui mừng, tôi sẽ chăm sóc tốt để một, hai năm sau sẽ nhân số dê lên gấp đôi ba lần".

Mô hình Chi hội nghề nghiệp – Tăng cường gắn kết và hỗ trợ hội viên   - Ảnh 3.

Các thành viên trong Chi hội rất vui mừng khi được Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ dê giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thu Hường

Mô hình Chi hội nghề nghiệp nuôi dê sinh sản tại xã Noong Luống nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội Nông dân huyện Điện Biên. Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ về vốn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ thú y định kỳ. Ngoài ra, nhiều chương trình tập huấn về cách chăm sóc, phòng bệnh cho dê cũng được tổ chức nhằm giúp hội viên nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi an toàn, hiệu quả.

Ông Phạm Xuân Hồng, Trưởng ban Tổ chức, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi luôn đồng hành cùng hội viên trong việc phát triển kinh tế bền vững. Mô hình chi hội nghề nghiệp nuôi dê sinh sản là một trong những hướng đi mà chúng tôi tin rằng sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống hội viên nông dân."

Mô hình Chi hội nghề nghiệp nuôi dê sinh sản là mô hình không chỉ góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân mà còn tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng, giúp địa phương có thêm sản phẩm đặc sản và phát triển thương hiệu nông sản. Trong tương lai, Hội Nông dân huyện Điện Biên sẽ tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy các mô hình tương tự, giúp hội viên nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng, góp phần vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Mô hình Chi hội nghề nghiệp – Tăng cường gắn kết và hỗ trợ hội viên   - Ảnh 4.

Dê được cấp là giống địa phương tốt đang trong độ tuổi sinh sản. Ảnh: Thu Hường

Mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi dê sinh sản tại xã Noong Luống là một bước đi đúng đắn, tạo động lực và cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Với sự đồng hành của chính quyền và các tổ chức, mô hình này hứa hẹn sẽ là tiền đề cho nhiều mô hình chăn nuôi bền vững khác trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem