Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng lãi nửa tỷ/năm, đó là những con gì?

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ sáu, ngày 01/09/2023 18:48 PM (GMT+7)
Ông Võ Văn Khoa, thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, (TP Đà Nẵng) đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, nuôi bò thành đàn, nuôi sâu canxi...
Bình luận 0

Dám nghĩ dám làm

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu nuôi cá, ông Võ Văn Khoa chia sẻ: "Nơi đây trước kia tôi từng trồng lúa và sen, nhưng thường xuyên bị ngập lụt nên hiệu quả kinh tế kém, thất bát nhiều năm. Nhận thấy lợi thế diện tích đất rộng, nên tôi đã chủ động xin dồn đổi ruộng đất với các hộ xung quanh để tạo khu đất liền mảnh và đào ao nuôi cá".

Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng thu lãi nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Khoa, thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, (TP Đà Nẵng) mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa và sen kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, kết hợp dịch vụ câu cá giải trí. Ảnh: T.N.

Năm 2015, với diện tích 1,5ha, ông Khoa đầu tư 500 triệu đồng để đào 4 ao nuôi cá chim trắng, trê lai, rồi thả thêm ít cá mè, chép, rô phi, cá leo và một hồ ươm cá giống. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên thời gian đầu ông gặp nhiều khó khăn, thất bại dẫn đến thua lỗ.

Song, với quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình, ông đã không bỏ cuộc mà tìm đến các trang trại lớn để học hỏi kiến thức nuôi cá nước ngọt, tiếp thu thông tin bổ ích từ sách báo, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân TP Đà Nẵng tổ chức.

Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng thu lãi nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Hiện nay, tổng diện tích khu nuôi cá và nhà hàng của ông Khoa là 20.000m2. Ảnh: T.N.

Khi đã nắm chắc kiến thức và kinh nghiệm nuôi cá, ông Khoa bắt đầu cải tạo lại ao nuôi, thực hiện tốt quy trình kỹ thuật xử lý đáy ao, vệ sinh môi trường nước và xung quanh ao, đồng thời cho cá ăn theo đúng hướng dẫn.

Từ đó, vụ cá bắt đầu cho năng suất cao và đạt hiệu quả kinh tế, ông tiếp tục làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng ao nuôi cá với tổng diện tích 10.000m2.

Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng thu lãi nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Ông Khoa nuôi nhiều loại cá như ba sa, diêu hồng, chép, trôi, mè, rô phi, trắm cỏ, chim trắng…. bán giá từ 25.000-65.000 đồng/kg (tùy loại). Ảnh: T.N.

Ông Khoa tâm sự: "Tôi nuôi cá nước ngọt thương phẩm được khoảng 4 năm thì gặp khó về đầu ra, bị thương lái ép giá. Khi đó, nhận thấy giá trị thương phẩm từ những loại cá này không ổn định, nên tôi đã mạnh dạn xây dựng kết hợp mô hình nuôi cá nước ngọt với dịch vụ câu cá giải trí theo xu thế thịnh hành lúc bấy giờ".

Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng thu lãi nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Dịch vụ câu cá giải trí tại Vườn Dừa quán của ông Khoa luôn thu hút du khách tìm đến trải nghiệm. Ảnh: T.N.

Để tạo cảnh quan sinh động, vừa tạo điểm chụp ảnh mới lạ thu hút du khách, vừa trải nghiệm thực tế việc câu cá thư giãn, ông Khoa trồng nhiều cây dừa ở những lối đi quanh ao, bố trí ghế đá, mở rộng và xây dựng các chòi tranh để làm nơi cho khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tổ chức tiệc.

Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng thu lãi nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 5.

Để tạo cảnh quan sinh động, gần gũi với thiên nhiên, ông Khoa trồng nhiều cây dừa ở những lối đi quanh ao, bố trí ghế đá, chòi tranh…. Ảnh: T.N.

Theo ông Khoa, chăm cá câu vất vả hơn nhiều so với nuôi cá thịt nhưng đổi lại cho giá trị kinh tế cao hơn. Nếu nuôi cá thương phẩm khoảng 6 tháng thì ông sẽ xuất bán, còn ao nuôi cá câu sẽ tiếp tục nuôi từ 8-10 tháng để phục vụ khách câu tại hồ.

Vươn lên làm giàu

Ông Khoa cho hay, các "cần thủ" ưa chuộng 3 loại cá rô phi, chép, trắm và cá phải to, khỏe đồng đều, đạt trọng lượng từ 2kg trở lên. Từ những góp ý của khách câu cá, ông đúc rút được nhiều kinh nghiệm để tự hoàn thiện kỹ thuật chăm sóc, vận hành mô hình câu cá dịch vụ tốt hơn.

Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng thu lãi nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 6.

Ông Khoa tận dụng tạp phẩm để làm thức ăn nuôi cá, nuôi sâu canxi, nuôi gà. Ảnh: T.N.

Ao nuôi được ông vệ sinh, thay nước thường xuyên, cho nước vào buổi sáng để tạo oxy cho cá và xả nước ra vào buổi chiều. Nguồn thức ăn cho cá là các tạp phẩm được nấu chín rồi mới thả cho cá ăn nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước và cá ăn nhanh hơn. Đồng thời, ông còn bổ sung thêm bột để cá mau lớn, khỏe mạnh hơn.

Trong ao nuôi nhiều loại cá như ba sa, diêu hồng, chép, trôi, mè, rô phi, trắm cỏ, chim trắng…. Giá dịch vụ câu giải trí là 50.000 đồng/người (không lấy cá), phí dịch vụ câu 20.000 đồng/người. Du khách có thể mua cá mình câu được theo nhu cầu với giá từ 25.000-65.000 đồng/kg (tùy loại).

Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng thu lãi nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 7.

Nuôi bò chăn thả đem lại cho gia đình ông Khoa hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T.N.

Ngoài ra, ông Khoa còn xây dựng nhà hàng, có khu bếp để chế biến, phục vụ ẩm thực đồng quê dân dã đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Khoa hào hứng nói: "Vườn Dừa quán của tôi rất thuận lợi khi nằm cạnh tuyến đường ĐT601, lại rộng rãi, thoáng mát, gần gũi thiên nhiên nên nhiều người tìm đến trải nghiệm, thư giãn, nhất là vào cuối tuần, dịp lễ. Tôi thường xuyên tổ chức các chương trình mini game, câu cá săn thưởng, đều đặn bồi thêm cá vào hồ câu…, nhờ đó mà mọi người rất thích thú và thường xuyên đến ủng hộ".

Trung bình mỗi năm, mô hình nuôi cá kết hợp dịch vụ câu cá giải trí, du lịch sinh thái đem lại cho gia đình ông Khoa mức lãi 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5-7 lao động thường xuyên với thu nhập từ 6.000.000-8.000.000 đồng/người/tháng.

Nuôi đủ thứ con trên bờ, dưới ao, một nông dân ở Đà Nẵng thu lãi nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 8.

Mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng kết hợp dịch vụ đem lại cho gia đình ông Khoa thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Ảnh: T.N.

Với diện tích đất rộng, ông Khoa đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng, không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại. Ông trồng vườn cây ăn quả các loại để phục vụ du khách tham quan, tận dụng tạp phẩm để nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà, nuôi bò….

Ông Khoa chia sẻ: "Tận dụng lợi thế đồng ruộng xung quanh khu vực ao bỏ hoang, cỏ mọc nhiều, tôi đầu tư nuôi hai giống bò lai và bò vàng. 

Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc bài bản, tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, chăn thả tự do nên đàn bò phát triển khỏe mạnh. Hiện nay, tôi đang chăn thả đàn bò với số lượng 17 con, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm".

Không chỉ là một nông dân luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con nông dân, ông Khoa còn là một Chi hội trưởng nông dân luôn năng nổ trong các hoạt động và phong trào Hội, có nhiều đóng góp giúp ích cộng đồng và là gương điển hình trong phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng nhận xét: Mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng kết hợp dịch vụ du lịch của anh Võ Văn Khoa là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương, hiện nay mô hình này hoạt động rất có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Khoa và giải quyết việc làm cho hàng chục hội viên, nông dân ở nơi đây. Đây cũng là mô hình điểm để Hội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem