Nuôi gà Cùa nghe đồn là leo được cây, anh nông dân Quảng Trị tậu xe bán tải đẹp long lanh
Nuôi thứ gà nghe đồn là leo được cây, anh nông dân Quảng Trị tậu xe bán tải đẹp long lanh
Ngọc Vũ
Thứ sáu, ngày 11/11/2022 13:04 PM (GMT+7)
Mỗi năm 3 lứa, anh Bắc (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) xuất bán 3.000 đến 3.500 con gà Cùa, thu lãi từ 75 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Nhờ nuôi loài gà mà thiên hạ cứ đồn là biết leo cây, ưa ngủ trên cây, anh Bắc mua được con xe ô tô bán tải đẹp long lanh.
Thơm ngon, đó là cảm nhận đầu tiên thực khách đánh giá khi ăn gà Cùa do anh Vũ Văn Bắc (SN 1979, trú thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) nuôi.
Dẫn chúng tôi đi thăm trại gà của mình, anh Bắc cho biết, năm 2000, anh Bắc rời quê hương Hải Hậu (Nam Định) vào Nam lập nghiệp và nên duyên vợ chồng với chị Trương Thị Thanh Tâm (SN 1984).
Bươn chải nhiều năm nhưng cuộc sống quá đỗi vất vả, năm 2011, vợ chồng anh Bắc dìu dắt nhau về quê vợ ở thôn Đoàn Kết, Cam Chính để khởi nghiệp.
Với kiến thức học hỏi được lúc làm việc ở miền Nam, anh Bắc nhận thấy ở thôn Đoàn Kết là vùng gò đồi, phù hợp chăn nuôi. Vì vậy, anh đã xin chính quyền cấp đất xây dựng trang trại.
Đầu năm 2012, sau khi được cấp 0,7ha đất, đôi vợ chồng trẻ vay vốn, xây dựng trang trại nuôi vài trăm con gà, vịt, bò và kết hợp trồng trọt. Quá trình nuôi, anh Bắc rút kinh nghiệm dần và đưa ra quyết định tập trung mở rộng chăn nuôi gà Cùa vì lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ lớn.
Năm 2018, được chính quyền địa phương các cấp động viên, hỗ trợ với đề án phát triển thương hiệu gà Cùa, anh Bắc đã tham gia. Đề án này thực hiện chăn nuôi gà Cùa theo hướng an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP. Để nhân rộng mô hình, đề án đã thành lập Tổ hợp tác gà Cùa với 10 hộ tham gia, anh Bắc làm tổ trưởng. Các hộ tham gia, ngoài được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, xuất bán… còn được hỗ trợ 50% gà giống, thuốc, vaccine.
Anh Bắc cho biết, quy trình chăn nuôi gà Cùa theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn thức ăn chất lượng, theo hướng hữu cơ. Vì vậy, anh đã đầu tư hệ thống lọc nước tự động; tìm kiếm, chọn lọc nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương phối hợp thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng như xay nhuyễn cỏ, bắp chuối, ngô, khoai, sắn cho gà ăn; sử dụng men và tỏi tự ủ thay cho thuốc thú y để phòng ngừa dịch bệnh.
Với xu hướng chăn nuôi tuần hoàn, đảm bảo vệ sinh nên anh Bắc và các thành viên tổ hợp tác đã nuôi gà trên nệm lót sinh học. Sau mỗi lứa nuôi, phân gà được bán cho các hộ dân bón cây trồng như cao su, cây ăn quả, đặc biệt là cây hồ tiêu.
Bằng nỗ lực của bản thân mỗi hộ chăn nuôi trong tổ hợp tác, cùng sự quan tâm, động viên từ chính quyền địa phương, đến nay mô hình nuôi gà Cùa đã có hiệu quả tích cực.
Sản phẩm gà Cùa đạt OCOP 3 sao
Mỗi hộ nuôi 1.000 con gà/lứa, mỗi năm 3 lứa, trừ chi phí lãi 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng/lứa. Thị trường chủ yếu là các quán ăn, nhà hàng ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, TP.Hồ Chí Minh.
"Mỗi tháng tổ hợp tác xuất bán khoảng 3.000 con gà thịt, được thị trường đón nhận và phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường" – anh Bắc nói.
Năm 2021, sản phẩm Gà Cùa Tâm Bắc của anh Vũ Văn Bắc đã được chứng nhận đạt hạng 3 sao Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Trị. Đây là cú hích lớn, khẳng định thương hiệu, uy tín thúc đẩy anh Bắc mở rộng quy mô sau này.
Chủ tịch UBND xã Cam Chính Nguyễn Văn Hà cho biết, đây là hướng phát triển sản xuất theo đúng mục tiêu phát triển của địa phương, vừa tạo sinh kế, thu nhập ổn định, vừa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi đôi với xây dựng sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương.
Ông Hà cho biết, địa phương đang nghiên cứu lai tạo giống gà Cùa chuẩn gốc với nguồn gen trội là gà bản địa; đồng thời hỗ trợ các hộ dân đầu tư để xây dựng lò ấp trứng và mở rộng quy mô nuôi gà Cùa sinh sản để đảm bảo nguồn gà giống cung cấp cho người dân trong và ngoài địa phương, nhằm đưa giống gà bản địa và thương hiệu gà Cùa ngày càng đi xa hơn.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia còn hỗ trợ anh Bắc triển khai mô hình chăn nuôi gà 18M1 an toàn sinh học. Đây là giống gà chịu nhiệt, phù hợp với khí hậu khắc nghiệt, nóng nực ở tỉnh Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung. Mô hình có quy mô 500 con gà này bước đầu cho thấy hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông quốc gia hi vọng giống gà này sẽ được triển khai nuôi đại trà tại địa phương, tạo dấu ấn mới trong chăn nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.