Nuôi lợn bằng... phần mềm máy tính

Thứ sáu, ngày 06/07/2012 13:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh đã áp dụng công nghệ nuôi lợn hiện đại nhất hiện nay khi sử dụng đến các phần mềm máy tính để quản lý chuỗi chăn nuôi.
Bình luận 0

Không chỉ đưa dây chuyền cộng nghệ nuôi lợn siêu nạc hiện đại về vùng quê nghèo với thu nhập hàng năm lên tới 50 tỷ đồng, Mitraco Hà Tĩnh còn mở hướng làm giàu cho người nông dân tại đây. Ông Lê Văn Nhị- Giám đốc Công ty Mitraco cho biết: “Chúng tôi bắt đầu nuôi lợn từ năm 2004, ngay từ lúc đó công ty đã chọn công nghệ nuôi lợn hiện đại của Thái Lan. Đây là dây chuyền khép kín từ sản xuất con giống, lợn cai sữa đến thương phẩm”.

img
Một góc khu nuôi lợn của Công ty Mitraco.

Hiện tại, công ty duy trì nuôi trên 1.500 con lợn bố, mẹ giống Thái Lan, sản xuất được 27.000 con lợn thương phẩm/năm. Dù có đàn lợn lớn như vậy, song các trang trại nuôi lợn của Mitraco đều tuân thủ rất nghiêm ngặt và được áp dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo đạt hiệu quả từ chọn khẩu phần, liều lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn lợn...

Để quản lý, vận hành được dây chuyền này, trang trại của Mitraco sử dụng phần mềm máy tính chăn nuôi hết sức độc đáo của Thái Lan, Mỹ. Theo ông Nhị, nhờ phần mềm này, công ty mới có thể điều chỉnh được thành phần thức ăn hợp lý. Vì thế, lợn con sinh ra chỉ cần nuôi 20 ngày đã đạt trọng lượng 8kg/con và có thể bán ra thị trường, còn lợn thương phẩm chỉ nuôi sau 3 tháng đã đạt 80-100kg/con, đủ trọng lượng xuất chuồng.

Ngoài việc đầu tư và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Công ty Mitraco đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm theo hình thức trang trại, gia trại tập trung. Sau 8 năm thành lập, đến nay công ty đã xây dựng gần 30 trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm vệ tinh ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc và Đức Thọ, mỗi năm cung cấp trên 20.000 con lợn giống cho các hộ nuôi vệ tinh.

Công ty cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y, chăm lo dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm. Đến nay nhiều hộ chăn nuôi tham gia hình thức này và cho hiệu quả cao. Điển hình như hộ anh Nguyễn Tất Trường ở xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà. Năm 2011, anh Thắng đã nhận nuôi trên 2.100 con lợn. Một năm xuất 3 lứa lợn thương phẩm, trừ các chi phí, gia đình anh Thắng cũng đã lãi ròng 150 triệu đồng.

Ông Nhị cho biết thêm: “Các hộ tham gia mô hình chăn nuôi vệ tinh không phải lo đầu ra. Nếu nuôi từ 3 tháng một lứa, mỗi con cũng cho thu nhập từ 50.000-70.000 đồng, một hộ gia đình tham gia nuôi từ 300-500 con thì thu nhập có thể đạt từ 20-30 triệu đồng/lứa. Hiện nay, công ty tiếp tục mở rộng vệ tinh chăn nuôi ở các huyện trên địa bàn, tăng cường mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem