Nuôi lợn nơi lưng chừng núi, giám đốc "liều ăn nhiều"

Văn Chiến Thứ hai, ngày 20/08/2018 19:05 PM (GMT+7)
Năng động, nhạy bén trong chăn nuôi lợn, cộng với sự liều lĩnh có tính toán, anh Trần Như Kiên – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phương Nam, bản Pha Cúng (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã lập kỳ tích, lãi gần nửa tỷ đồng trong thời điểm giá lợn xuống đáy. Thời điểm này giá lợn đang ở mức cao kỷ lục thì anh càng có lãi nhiều hơn.
Bình luận 0

Trang trại lợn của anh Kiên, nằm ở lưng chừng núi bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, được thiết kế khá phù hợp, với 4 khu tách biệt: khu nhốt lợn chửa, khu nuôi lợn đẻ, khu nhốt lợn con sau tách mẹ và khu nuôi lợn thịt. Hiện trại lợn của anh Kiên có 160 lợn nái và 1.500 con lợn thịt, với các lứa tuổi khác nhau.

Bén duyên với nghề nuôi con “ăn cơm nằm” từ năm 2006, anh Kiên không gặp may bởi thời điểm đó, dịch bệnh liên tục xảy ra trên đàn lợn ở bản vùng cao Pha Cúng. Ròng rã 2 năm trời, anh nuôi con nào chết con nấy, bao nhiêu vốn liếng tích cóp, vay mượn dồn cả vào chăn nuôi lợn lái, lợn thịt mất “sạch sành sanh” khiến anh điêu đứng.

img

Đàn lợn nhà anh Kiên con nào, con nấy cũng béo tốt, khỏe mạnh

Với suy nghĩ “thua keo này, bày keo khác” anh Kiên quyết định thử vận may thêm lần nữa với nghề nuôi lợn nái. Sau khi bàn bạc với vợ - người phụ nữ dân tộc Sinh Mun đảm đang, tháo vát, anh Kiên thế chấp sổ đỏ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, để vay 300 triệu đồng tiếp tục đầu tư đánh cược với nghề nuôi lợn.

Không muốn thất bại trong lần đặt cược này, anh Kiên dành hơn 2 tháng chuyên tâm “tầm sư” học nghề nuôi lợn nái, lợn thịt. Anh lang thang về Hà Nội, Hà Nam, đến các trại lợn lớn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi lợn, giải pháp xử lý chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc lợn đẻ, lợn con và cả lợn thịt...

img

Dãy chuồng nuôi lợn nái của anh Kiên được thiết kế cao hơn nền khoảng 50 cm, đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ

Nắm chắc kỹ thuật trong tay, cuối năm 2008, anh Kiên mạnh dạn mua 17 con lợn nái và 100 con lợn thịt về nuôi. Khác với những lứa lợn trước, đàn lợn lần này được anh chăm sóc cẩn thận hơn, chu đáo hơn. Mỗi ngày, anh cho lợn ăn 2 bữa: sáng và chiều tối. Ngày nào cũng “đều như vắt chanh”, sáng thức dậy, 2 vợ chồng anh lại lọ mọ quét dọn, rửa chuồng trại sạch sẽ, sau đó mới cho lợn ăn.

Với lợn con, từ lúc cai sữa đến khi đạt trọng lượng khoảng 45 kg, anh cho chúng ăn cám viên CP. Còn với lợn thịt, anh lại mua cám của Công ty dinh dưỡng Hồng Hà để làm thức ăn cho chúng. Khi đàn lợn có trọng lượng từ 45 kg trở lên đến khi xuất bán, anh Kiên cho chúng ăn cám trộn.

Anh mua ngô, sắn của bà con dân bản về nghiền rồi trộn với cám viên theo tỷ lệ nhất định, sau đó cho đàn lợn thương phẩm ăn, chứ không cần phải nấu chín.

img

Anh Kiên luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn

“Khi vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi lứa lợn đó, tôi nói với vợ tôi rằng, lần này mà thất bại thì chỉ còn nước “giải tán” bỏ xứ mà đi, vì toàn bộ nhà cửa, đất đai của gia đình đã “cắm” hết cho ngân hàng. Thật may, năm đó (năm 2009 – PV) đàn lợn không bị dịch bệnh gì, phát triển tốt, lớn nhanh, đến thời kỳ xuất bán ra thị trường lại được giá cao, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 500 triệu đồng” – anh Kiên nhớ lại.

Trên đà thắng lợi, anh Kiên tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, nhân đàn lợn nái và lợn thương phẩm. Thành công nối tiếp thành công, quy mô đàn lợn nái, lợn thịt nhà anh tăng dần qua các năm. Nhờ chăm sóc tốt, cho ăn đủ chất dinh dưỡng, tiêm phòng đầy đủ, định kì, đàn lợn nhà anh sinh trưởng, phát triển tốt, năm nào anh Kiên cũng lãi trên dưới 1 tỷ đồng.

Ngay trong thời điểm giá lợn hơi trong cả nước “xuống dốc không phanh” anh Kiên vẫn ung dung “đút túi” gần nửa tỷ đồng nhờ sự năng động, nhạy bén cộng thêm chút liều lĩnh của bản thân.

Đầu năm 2017, giá lợn hơi tụt dốc thê thảm, nhiều người chăn nuôi lợn “mất ăn, mất ngủ” bán vội, bán vàng để có thể vớt vát được tí vốn nào hay tí đó, thì anh Kiên lại đi mua thêm lợn về nuôi. Nhiều người can anh không được thì châm chọc "anh giám đốc quyết liều ăn nhiều".

img

Anh Kiên làm hầm bi ô ga chứa chất thải của lợn và đầu tư máy tách phân, xử lý thành phân hữu cơ để bón cho vườn cây ăn quả của gia đình. Trại lợn của anh Kiên hầu như không có mùi hôi, vì toàn bộ chất thải của lợn đã được xử lý

“Nghe ngóng diễn biến giá lợn hơi trong cả nước có chiều hướng giảm, cuối năm 2016, tôi đã lên kế hoạch giảm đàn. Tuy nhiên, vì giá lợn giảm sâu và nhanh nên tôi cũng bị ảnh hưởng, phải bán 500 con với giá thấp. Khi giá lợn xuống tới mức thấp nhất, tôi đi mua 150 con lợn, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 46kg, với giá 17.000 đồng/kg, về nuôi. Chỉ tính riêng đàn lợn này, tôi đã lãi gần nửa tỷ đồng, vì xuất bán đúng vào đợt giá lợn hơi tăng đột ngột” – anh Kiên chia sẻ.

Theo anh Kiên, thời điểm giá lợn hơi xuống thấp nhất, người chăn nuôi lợn đau thương nhất lại chính là thời điểm anh lãi nhất. Anh liều lĩnh là có tính toán chứ không phải làm tù mù. Anh lí giải: “Khi giá lợn hơi giảm dần và giảm tới mức thấp nhất, không thể giảm hơn được nữa thì một thời gian sau chắc chắn giá sẽ tăng trở lại, ít nhất cũng bằng thời điểm trước khi tụt giá. Nhận định như vậy nên tôi mới mua thêm về nuôi. Và tôi đã ‘trúng quả” vì mua lợn giống với giá rẻ, khi bán lại được giá cao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem