Khởi nghiệp từ nuôi chim yến
Nhiều năm qua, cứ đến khoảng 4-5 giờ chiều, người dân trong thôn lại bắt gặp cảnh tượng hàng ngàn con chim yến kêu dáo dác xung quanh khu vườn của gia đình ông Trần Văn Cường. Trời càng tối, yến từ khắp nơi bay về càng nhiều. Chúng chao liệng một vài vòng rồi từ từ chui vào căn nhà được ông Cường xây dựng riêng cho chúng.
Nuôi chim yến trong nhà là 1 trong những mô hình đem lại nguồn thu lớn cho những người nuôi như ông Cường.
Theo ông Cường, năm 2012, nhận thấy sức khỏe không còn bảo đảm để làm công nhân nữa, hai vợ chồng ông quyết định rời tỉnh Bình Dương lên Tây Nguyên mua đất đai để làm ăn, sinh sống. Ban đầu, để có thể thực hiện dự định làm nhà nuôi yến, hai vợ chồng “khăn gói” đi khắp nơi học hỏi, từ Bình Dương, cho tới các tỉnh miền Trung. Ở đâu có mô hình nuôi chim yến thành công, ông đều lưu lại một thời gian để ghi chép kinh nghiệm và quan sát thật kỹ cách làm của họ.
Sau đó, ông thuê người đưa máy về dò chim yến thì thấy có nhiều con bay về. Tuy nhiên, ông vẫn chưa đầu tư ngay mà còn đọc thêm sách vở, tài liệu về cách nuôi, chăm sóc, nghiên cứu thị trường rồi mới bắt tay vào thực hiện. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ông quyết định dốc toàn bộ vốn liếng khoảng 700 triệu đồng tích góp được để đầu tư nuôi yến.
Với số tiền trên, ông xây một căn nhà kiên cố rộng chừng 200 m2 để chim yến có thể sinh sống và làm tổ. Bên trong, ông dùng những tấm gỗ thiết kế mô phỏng tựa hang đá để chim yến trú ngụ, đồng thời dùng hệ thống loa treo trên mái nhà để phát âm thanh dụ yến về. Chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi xây dựng, bắt đầu có những con chim yến đầu tiên tìm đến sinh sống, làm tổ và dần dần số lượng đã tăng mạnh lên khoảng 5.000 con như hiện nay.
Hàng năm ông Cường xuất bán ra thị trường khoảng 500kg nhím thịt. Ảnh: Phan Tuấn.
Ông Cường phấn khởi: “Ban đầu, yến chỉ bay về đây trú ngụ. Phải đến hơn 1 năm sau, chúng mới bắt đầu làm tổ và sinh sản. Rồi phải chờ thêm 1 năm nữa, chúng tôi mới thu hoạch được thành quả ban đầu. Lần đầu tiên cầm số tổ yến trên tay, dù lúc đó chỉ được vài lạng, nhưng hai vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào gia đình tôi cũng thu về được khoảng 30 kg tổ yến. Trung bình mỗi kg có giá bán 20-25 triệu đồng đã đem về nguồn thu nhập cho gia đình khoảng 600 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí bỏ ra không đáng bao nhiêu, chỉ vài triệu đồng tiền điện bật loa kêu yến và máy phun sương”.
Phát triển đa con “đặc sản”
Sau thời gian dài “dụ” được yến về làm tổ trong nhà, thấy công việc cũng đơn giản, không mất nhiều thời gian bởi yến tự bay đi kiếm ăn, nên ông bàn với vợ mở rộng sản xuất nhiều loại vật nuôi “đặc sản” khác. Sau khi nhận được sự tư vấn của kỹ sư nông nghiệp, ông chọn nuôi bồ câu Pháp, gà Đông Tảo, nhím...
Những con gà Đông Tảo có giá chục triệu đồng luôn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Phan Tuấn.
Đầu tiên, nghe nhiều người nói nuôi gà Đông Tảo quý hiếm có giá cả chục triệu đồng mỗi con nên ông nhanh chóng bị “cuốn hút”. Lúc đầu, ông mua vài cặp về nuôi thử thì thấy không khó khăn như vẫn nghĩ, nên quyết định đầu tư cả trăm triệu đồng để xây chuồng trại, mua giống về nuôi.
Để có kiến thức chăn nuôi gà, ông nghiên cứu nhiều loại tài liệu và đến thăm những mô hình thành công đi trước. Qua học hỏi, ông biết được loại gà Đông Tảo có nhược điểm về đường hô hấp nên luôn chú trọng việc tiêm phòng vắc xin phổi, tiêu chảy, nhỏ mắt, nhỏ mũi theo đúng kỹ thuật để gà khỏe mạnh. Cứ thế, ông nhanh chóng nhân rộng đàn gà Đông Tảo lên cả ngàn con vào thời kỳ cao điểm.
Sau khi thành công với gà Đông Tảo, trong quá trình phân phối sản phẩm, ông thấy thị trường đang “sốt” nhiều loại “đặc sản” như: Bồ câu Pháp, nhím, nên quyết định xây dựng chuồng trại nuôi thêm 2 vật nuôi này. Nhờ có kiến thức chuyên sâu về chăn nuôi nên việc phát triển nhím và bồ câu Pháp cũng không quá khó đối với ông.
Bồ câu Pháp là vật nuôi mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Cường. Ảnh: Phan Tuấn.
Theo ông Cường, trung bình mỗi năm, trang trại xuất ra thị trường khoảng 500 con gà Đông Tảo, 800 con bồ câu Pháp, 5 tạ nhím thịt… đem về nguồn thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Tính chung cả chim yến, mỗi năm ông thu về hơn 1 tỷ đồng nhờ chăn nuôi “đặc sản”.
Ông Cường đã thành công với việc chăn nuôi “đặc sản” và đang ấp ủ một dự định ý nghĩa. Ông tâm sự: “Qua nhiều năm nuôi yến, được nhiều khách hàng đánh giá tổ yến có chất lượng vượt trội, nên tôi mong muốn có thêm nhiều nông dân nữa cùng mở trại nuôi yến để có thêm nhiều sản phẩm và xây dựng thương hiệu “Yến Châu Thành”, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Về kỹ thuật nuôi yến, nếu bà con nào có ý định nuôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ, chỉ bảo tận tình để mang lại sự thành công”.
|
Phan Tuấn (Báo Đắk Nông)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.