Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn ở Cà Mau cho thu lãi cao
Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn ở Cà Mau cho thu lãi cao
Thanh Vũ
Thứ hai, ngày 12/09/2022 19:02 PM (GMT+7)
Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, trong đó có mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn.
Sau khi tham gia lớp tập huấn, thấy được lợi thế của mô hình này ông Lý Ngọc Quang, ấp Một, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn đã mạnh dạng đi tiên phong thực hiện mô hình này và mang lại hiệu quả khá cao.
Ông Lý Ngọc Quang có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 6ha. Mô hình nuôi tôm sú quảng canh 3 giai đoạn được ông Quang thực hiện từ năm 2018 đến nay.
Trong ba giai đoạn nuôi, giai đoạn đầu được ông Quang gièo trên ao lót bạt, ông thả 120 ngàn con giống trong diện tích 20 mét vuông. Con giống được ông chọn thả nuôi phải chất lượng và uy tín.
Ông Lý Ngọc Quang, ấp Một, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn chia sẻ: “Thực hiện mô hình nuôi tôm ba giai đoạn thì tôi đã làm trước khoảng 5 năm rồi nhưng không có áp dụng khoa học kỹ thuật thì hiệu quả nó cũng không cao lắm. Nhưng khoảng hơn 3 năm nay từ khi tham gia lớp tập huấn tôi áp dụng đúng theo quy trình thì thấy hiệu quả rất cao...".
"Đặc biệt, mình phải theo dõi suyên xuốt, có chạy ô xi, ủ men vi sinh, cho ăn dặm, xử lý nước. Nói chung trong giai đoạn 1 từ khi lấy con giống về rồi mình thả trên ao nổi, sau 12 ngày nếu con giống đạt từ 90% trở lên tôi mới thả xuống vuông”, ông Quang cho biết thêm.
Ông Lý Ngọc Quang (trái) cùng với ông Trần Sang, Chủ tịch Hội nông dân xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) tham quan ao gièo (nuôi tôm sú quảng canh 3 giai đoạn) giai đoạn 1 bằng bạt.
Sau 12 ngày nuôi trên ao lót bạt, ông Quang chuyển xuống vuông nuôi và tiếp tục gièo trong lưới mành, trong diện tích khoảng 0,4 ha.
Theo ông đánh giá, sau khi kết thúc giai đoạn 1 tỷ lệ tôm đạt khoảng 90%. Trước khi chuyển xuống vuông ông kiểm tra kỹ các yếu tố về môi trường nuôi, đồng thời thuốc cá tạp trong ao gièo.
Trong giai đoạn 2, ông Quang tiếp tục bổ sung thức ăn, sử dụng men vi sinh định kỳ và theo giỏi sát sao các yếu tố về môi trường. Trong giai đoạn này, ông Quang gièo khoảng 45 ngày mới cho ra môi trường bên ngoài.
Sau thời gian khoảng 2 tháng từ khi gièo con giống của vụ đầu, ông tiếp tục quy lại gièo giai đoạn 1 của vụ tiếp theo. Tính từ khi bắt tôm giống về nuôi cho đến này thu hoạch khoảng 4,5 tháng, lúc này tôm có trọng lượng khoảng 17con/1kg. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến năng suất tôm nuôi của gia đình ông Quang tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi từ con tôm khoảng 300 triệu đồng.
“Nếu mình nuôi bình thường thì không hiệu quả bằng, bởi mình không kiểm soát được con giống cũng như các yếu tố về môi trường nuôi trong nước. Từ khi áp dụng cách nuôi này mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 500-600 kg tôm sú. Còn về chi phí thì có tốn kém nhưng không nhiều. Áp dụng mô hình nuôi tôm sú này cũng dễ thôi, mình nắm lịch thời vụ rồi, biết áp dụng kỹ thuật rồi chỉ cần bỏ ít thời gian là được, ông Quang chia sẻ thêm.
Ông Quang (trái) cùng ngành chuyên môn xã Hàng Vịnh kiểm tra chất lượng tôm nuôi sau khi xổ vuông
Ông Trần Sang, Chủ tịch Hội nông dân xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn cho biết: “Đối với lĩnh vực mình quản lý, tôi thấy mô hình này của ông Lý Ngọc Quang rất hiệu quả.
Đặc biệt, mình tiết kiệm được tôm giống, quản lý được nguồn nước, chi phí cũng không quá cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cho tham quan, học hỏi để nhân rộng ra, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế tốt hơn”.
Trước tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp cùng với môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng bị ô nhiểm thì việc áp dụng tốt mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn như ông Lý Ngọc Quang đã mở ra hướng đi đầy hứa hẹn để nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn cần được nhân rộng để phát triển, đặc biệt đối với những hộ có điều kiện cùng với diện tích đất tương đồng và biết áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.