Nuôi đàn trâu con nào cũng to bự, đen bóng, nông dân một huyện ở Bình Định giàu hẳn lên

Diệp Thị Diệu Chủ nhật, ngày 20/08/2023 05:25 AM (GMT+7)
Vài năm gần đây, phát huy thế mạnh của địa phương là nơi có nhiều diện tích đồi, núi, đồng cỏ, sông suối,… nhiều hộ dân ở huyện vùng cao An Lão (Bình Định) đã mạnh dạn phát triển đàn trâu với số lượng lớn theo hướng bán chăn thả.
Bình luận 0

Nói về cơ duyên gắn bó với con trâu, ông Đinh Văn Trai (thôn 1, xã An Toàn) chia sẻ: "Nhiều năm trước đây, trong làng nhà nào cũng nuôi từ 1-2 con trâu nhưng chủ yếu dùng để lấy sức kéo chứ chưa ai nghĩ đến phát triển kinh tế từ loại vật nuôi này. Năm 2013, nhận thấy nhiều hộ dân trong vùng trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu và có thu nhập ổn định, tôi cũng quyết định đầu tư nuôi 15 con trâu sinh sản theo phương thức bán chăn thả.

Ngoài ra, tôi còn trồng thêm 2 sào cỏ voi để làm thức ăn cho trâu, nhất là vào mùa đông. Mỗi năm, trâu đẻ được 15 con nghé, khi nghé được hơn 2 tuổi tôi giữ lại một nửa để nuôi, còn lại bán đi để trang trải cuộc sống gia đình. Trung bình mỗi năm, tôi bán 8 con trâu và thu về được trên 170 triệu đồng".

Khấm khá nhờ nuôi trâu bán chăn thả - Ảnh 1.

Nông dân ở các xã miền núi huyện An Lão, tỉnh Bình Định áp dụng phương thức nuôi trâu bán chăn thả, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Diệp Diệu

Không chỉ trên địa bàn xã An Toàn, những năm gần đây, nông dân các xã miền núi như An Quang, An Nghĩa, An Vinh cũng chú trọng phát triển đàn trâu để nâng cao thu nhập. 

Tại thôn 5, xã An Quang, chị Đinh Thị Ca được biết đến là một trong những hộ chăn nuôi trâu với số lượng lớn. Hiện nay, đàn trâu của chị Ca có 12 con trâu nái. Chị Ca vui vẻ: Nhờ chăn nuôi trâu bán chăn thả mà gia đình tôi có điều kiện làm được nhà, mua xe máy, tivi và các trang thiết bị khác phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Xác định phát triển chăn nuôi trâu theo phương thức bán chăn thả là hướng đi giúp người nông dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo, trong năm 2023, Hội ND huyện đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho nông dân xã An Nghĩa vay vốn phát triển đàn trâu, đồng thời phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ 18 con trâu cái giống tại các xã An Toàn, An Vinh, An Dũng.

Ngoài ra, Hội còn thành lập 2 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu bán chăn thả tại xã An Toàn và An Nghĩa với hơn 20 thành viên. Hằng năm, Hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 3 – 5 lớp tập huấn nuôi và chăm sóc trâu; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ hơn 5 tỷ đồng để nhân rộng đàn trâu.

Ông Lê Hoàng Hiền - Phó Chủ tịch Hội ND huyện An Lão cho biết: Nhận thấy việc phát triển chăn nuôi trâu đem lại thu nhập cao cho bà con, Hội ND huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân phát triển theo hướng bán chăn thả và trồng cỏ voi để phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Nhờ đó, tổng đàn trâu toàn huyện đạt trên 3.270 con, với hơn 600 hộ chăn nuôi. 

Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội ND cũng đang phối hợp với các ngành chức năng tập trung hỗ trợ trâu sinh sản cho hộ nghèo. Qua đó, nhằm phát huy lợi thế chăn nuôi đại gia súc của địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem