Nuôi vỗ béo trâu, một nông dân Lai Châu giàu có hẳn lên
Nuôi vỗ béo trâu, một nông dân Lai Châu giàu có hẳn lên
Tuấn Hùng
Thứ năm, ngày 08/12/2022 05:11 AM (GMT+7)
Nông dân xã Mường Kim (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu), chuyển từ chăn nuôi trâu thả rông sang chăn nuôi vỗ béo tập trung. Để nuôi trâu vỗ béo, nông dân đã xây dựng chuồng trại kiên cố, nhiều gia đình đã khá giả, giàu có lên nhờ nghề nuôi trâu.
Anh Lò Văn Hiên bản Mường 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) chia sẻ về mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình.
Bỏ nuôi trâu thả rông sang nuôi trâu vỗ béo
Nhận thấy nuôi trâu vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tháng 5 năm 2022, gia đình anh Lò Văn Hiên bản Mường 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã đầu tư gần 400 triệu đồng để xây chuồng trại, mua 12 con trâu, 4 con ngựa về nuôi vỗ béo.
Để đảm bảo nguồn thức ăn, gia đình anh đã chuyển đổi hơn 6.000m² đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, ủ chua dự trữ thức ăn cho đàn gia súc.
Anh được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật và tự tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm các hộ đi trước để chăn nuôi có hiệu quả. Anh thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng vắc xin 2 lần/năm, rắc vôi bột trên lối ra, vào chuồng.
Sau gần 5 tháng chăm sóc anh đã cho xuất chuồng lứa đầu tiên, trừ chi phí gia đình anh thu về từ 10 - 14 triệu đồng/con.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt điện tử anh Lò Văn Hiên cho biết:Những năm trước, gia đình tôi cũng nuôi trâu nhưng quy mô nhỏ theo hình thức thả rông. Vì thế trâu chậm lớn, không mang lại hiệu quả kinh tế, do đó thu nhập của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Sau nhiều ngày trăn trở, tôi đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, tôi bàn với gia đình chuyển sang chăn nuôi theo hình thức vỗ béo có chuồng trại, sản xuất theo hướng hàng hoá quy mô lớn.
Chỉ tay vào đàn trâu anh Hiên nói: Như các anh thấy đấy, chăn nuôi theo hướng này hiệu quả thấy rõ, gia súc lớn nhanh, ít bệnh tật, lại an toàn. Mới có mấy tháng tôi đã thu hồi vốn gần trăm triệu.
"Đất nhà tôi nhiều, có nguồn nước và xa khu dân cư nên gia đình đã đầu tư trang trại, kinh nghiệm có sẵn và học hỏi thêm cách chăn nuôi. Nếu chịu khó, thì thu nhập cũng khá ổn định", anh Hiên hồ hởi nói.
Các giải pháp hỗ trợ bà con nuôi trâu vỗ béo
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết:Thời gian qua, xã Mường Kim tích cực vận động, khuyến khích các hộ dân mở rộng mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo.
Trong đó, chúng tôi ưu tiên vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc.
Xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Chăm sóc đàn vật nuôi, ủ chua thức ăn để dự trữ cho đàn gia súc.
Hướng dẫn người dân vệ sinh khu vực chăn nuôi, phun tiêu độc khử trùng, chủ động phòng, chống các loại bệnh dịch nguy hiểm, như viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả lợn châu Phi.
Nhờ đó, đàn vật nuôi của xã phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Hiện, tổng đàn gia súc của xã Mường Kim có trên 10 nghìn con, trong đó đàn trâu hơn 2.600 con, đàn bò 855 con, đàn lợn 6.900 con. Nhiều hộ có kinh tế khá giả từ chăn nuôi, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Thu nhập từ mô hình kinh tế phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo có chuồng trại các hộ đã dần có cuộc sống khá giả, mua sắm các vật dụng cần thiết trong gia đình, đời sống nâng lên rõ rệt.
Được biết, thời gian qua xã Mường Kim, huyện Than Uyên đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con đăng ký hỗ trợ chuồng trại, hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi tập trung theo chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh Lai Châu.
Nhờ đó bà con đã nắm bắt được chủ trương của tỉnh và hăng hái đầu tư xây dựng chuồng trại và chuyển đổi các diện tích đất kém năng suất sang trồng cỏ. Vì thế các chỉ tiêu về chăn nuôi của xã thời gian qua đều vượt kế hoạch đề ra.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim, Than Uyên, Lai Châu cho biết: Với mục tiêu phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, xã Mường Kim đang nhân rộng, khuyến khích hộ dân chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và trồng cỏ gắn với nuôi nhốt, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Xã cũng ưu tiên tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, công tác phòng, chống dịch bệnh, qua đó các mô hình chăn nuôi của bà con cơ bản phát triển tốt, bà con có thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi gia súc vỗ béo và ngày càng nhiều gia đình có thu nhập khá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.