Theo dự kiến ngày 20.5, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Một vấn đề được dư luận quan tâm là sức khỏe của ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) - bị cáo trong vụ án, liệu có đảm bảo để tham dự phiên tòa.
Cần tách hồ sơ để đảm bảo xét xửPhiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã được mở ngày 16.4, tuy nhiên phiên tòa phải hoãn vì sức khỏe ông Trần Xuân Giá yếu, phải đi bệnh viện điều trị, không tham dự được phiên tòa.
Trước khi tòa án có lịch xét xử trở lại, luật sư Lưu Tiến Dũng (bào chữa cho ông Giá) có đơn gửi TAND TP.Hà Nội đề nghị cân nhắc mở lại phiên tòa vì tình trạng sức khỏe của ông Trần Xuân Giá sau ca phẫu thuật. Trong đơn gửi tòa án mới đây (ngày 14.5), ông Trần Xuân Giá cho biết nếu tình trạng sức khỏe không tiến triển sẽ rất khó tham dự phiên tòa.
“Bầu” Kiên và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm bị tạm hoãn.
Chiều 19.5, phóng viên NTNN đã liên lạc với luật sư Lưu Tiến Dũng và ông Trần Xuân Giá để tìm hiểu về sức khỏe của ông Giá nhưng cả hai đều không nhấc máy. Vì thế, việc ông Giá có đủ sức khỏe tham dự phiên tòa kể từ ngày 20.5 hay không vẫn chưa thể khẳng định.
Trước đó, để đảm bảo việc xét xử, TAND TP.Hà Nội đã quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, từ cho hưởng tại ngoại sang bắt tạm giam với các bị cáo là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, đều là nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và Huỳnh Quang Tuấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB. Như vậy, 8 trong tổng số 9 bị cáo trong vụ án này đều bị tạm giam, trừ ông Trần Xuân Giá. Theo TS – luật sư Ngô Ngọc Thủy (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), nếu tòa muốn xử vắng mặt ông Trần Xuân Giá thì phải có đề nghị từ chính bị cáo này. Lời khai bị cáo giữ nguyên như trong hồ sơ vụ án, không có ý kiến thêm thì tòa vẫn xử bình thường được.
Xem xét kỹ vụ án Huyền NhưMột lý do được nhiều luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm kiến nghị hoãn xử để chờ kết quả phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như để đảm bảo tính khách quan trong việc xác định tội danh của các bị cáo.
Trả lời kiến nghị trên, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính cho rằng: “Hội đồng xét xử xác định đây là 2 vụ án độc lập. Về tội danh tòa xử các bị cáo tội cố ý làm trái, còn Huỳnh Thị Huyền Như là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên nó có liên quan đến khoản tiền gần 719 tỷ đồng, hiện nay tòa đã triệu tập Huyền Như ra tòa, qua đối chất, qua tranh tụng tại tòa, tòa sẽ ra một phán quyết đúng pháp luật".
Số tiền gần 719 tỷ đồng được lãnh đạo Ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP.HCM. Tuy nhiên toàn bộ số tiền trên bị Huỳnh Thị Huyền Như – nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank TP.HCM sử dụng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, khiến Ngân hàng ACB bị thiệt hại.
Phiên tòa Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm dự kiến kéo dài từ 20.5 đến ngày 5.6. Hội đồng xét xử gồm 5 người: Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính (Phó Chánh án TAND TP.Hà Nội), thẩm phán thứ hai Nguyễn Quốc Thành (Phó Chánh Tòa hình sự), Hội thẩm nhân dân là các ông Đinh Hoài Nam, Nguyễn Thanh Hà và Bùi Đăng Hiếu. Giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Thịnh Cường và bà Đỗ Thị Thu Yến (Viện KSND TP.Hà Nội).
|
Gần 100 phóng viên đưa tin Theo thông tin từ TAND TP Hà Nội, gần 100 phóng viên từ cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế đăng ký tham dự đưa tin về phiên tòa được dư luận quan tâm này. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND TP Hà Nội. Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo có 20 luật sư, trong đó 4 luật sư sẽ bào chữa cho “bầu Kiên”.
Thắng Quang
|
Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.