Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngoài trồng ngô, rau trên đất bồi ven sông lúc nhàn rỗi, nông dân làng Vân Tập (xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) bao đời nay còn chú trọng nghề đánh bắt, nuôi cá lồng trên sông Lô với nhiều loại cá đặc sản.
Đặc biệt, nhiều hộ dân nơi đây đã giàu lên trông thấy nhờ nuôi cá chiên - loài cá được mệnh danh là "thủy quái", "chúa tể dòng sông".
Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cho biết, hiện cả gia đình anh chẵn mười nhân khẩu đều sống dựa cả vào nguồn lợi thủy sản đánh bắt được trên sông Lô.
Theo anh Hòa, cá chiên được xếp vào nhóm cá "ngũ quý hà thủy" (cá chiên, cá lăng, cá dầm xanh, cá anh vũ, cá bỗng). Với hình thù cổ quái, đầu to trội, thân mình loang đốm đen, xanh rêu, cá chiên khi trưởng thành có thể nặng 50-60kg. Loài cá này cũng thường được dân chài lưới mệnh danh là "thủy quái" hay "chúa tể lòng sông" vì bản tính hung dữ, ưa sống ở vùng nước xiết, cạnh hang hốc, ghềnh đá…
Anh Hòa cho biết, cá chiên là loại được giá nhất trong các loài thủy sản đánh bắt được trên sông Lô. Vốn đây là đặc sản tiến vua ngày xưa, nên thịt cá chiên được xếp vào hạng đặc biệt thơm, ngon, có màu vàng như ướp nghệ, chỉ có đúng xương sống chạy dọc sống lưng và không có xương dăm.
"Con cá chiên càng to thì thịt càng chắc, ăn giòn rất ngon. Đặc biệt, loài cá này có bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật. Thế nên đây cũng là loại cá mà những ngư dân ở làng Vân Tập dồn tâm sức săn lùng" - anh Hòa nói.
Theo anh Hòa, dân chài lưới Vân Tập hầu như ai cũng thường xuyên bắt được cá chiên, nhưng để bắt được những con to với số lượng nhiều thì chẳng mấy người. Nhờ có "duyên", lại thông thạo từng đoạn sông nước, thuộc tính dòng Lô nên anh Hòa đã nhiều lần bắt được những con cá chiên nặng 30-40kg trước ánh mắt trầm trồ, thán phục của anh em làng chài.
Tuy nhiên, rong ruổi trên sông nước hơn chục năm để đánh bắt cá tự nhiên, anh Hòa nhận ra, cần "an cư lạc nghiệp". Thế là, từ tất cả vốn liếng dành dụm được, vào năm 2020, anh Hòa quyết chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi cá chiên trong lồng.
Hiện tại, gia đình anh Hòa có 20 lồng cá chiên đủ các kích cỡ. Trong đó, có 10 lồng với số lượng khoảng 1.000 con có trọng lượng 3-4kg/con, đều có thể xuất bán. Do vừa hiếm lại được thị trường ưa chuộng, nên cá chiên thương phẩm anh Hòa nuôi có giá bán cao hơn hẳn các giống cá thông thường.
"Hiện cá chiên xuất bán với giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng/kg. Rất hiếm người dân mua về ăn mà chủ yếu là nhà hàng khách sạn đến đặt. Người nọ mách bảo người kia, cá chiên nhà tôi giờ đã có tiếng khắp các vùng miền, cá lớn đến đâu là có khách về đặt mua hết đến đấy, chưa khi nào tồn ứ. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu ổn định hơn 600 triệu đồng từ nuôi cá chiên", anh Hòa phấn khởi nói.
Hiện tại ở làng Vân Tập (xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) có 53 hộ với 215 nhân khẩu, đa số là đồng bào công giáo, sống chủ yếu dựa vào sông nước.
Thời gian gần đây, nhiều hộ đã đầu tư nuôi cá lồng trên sông với giống cá chiên đặc sản cho thu nhập ổn định ở mức khá cao.
Đến nay trong xã có trên 30 lồng cá chiên trải dọc theo bờ sông Lô. Tuy nhiên, do nguồn cá giống chỉ có được từ câu bắt ngoài tự nhiên, quá trình thuần giống rất khó khăn nên mô hình nuôi cá chiên với số lượng lớn chưa được nhân rộng.
Hiện xã Hợp Nhất đang tích cực hỗ trợ giúp bà con về giống, kỹ thuật nuôi để mở rộng mô hình nuôi cá chiên. Đồng thời, tăng cường xây dựng thương hiệu cá chiên Vân Tập, kết nối thị trường tiêu thụ giúp nông dân nâng cao thu nhập, từ đó đóng góp chung vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.