Ở một thị xã ở Quảng Ninh, dân giàu lên nhờ các loài thủy sản tươi ngon, có loài vật nuôi chả phải cho ăn

Đỗ Hùng (Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh) Chủ nhật, ngày 14/07/2024 05:35 AM (GMT+7)
Xác định kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, góp phần bảo vệ môi trường biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân ở địa phương, thời gian qua, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực phát triển kinh tế biển bền vững.
Bình luận 0

Thị xã Quảng Yên có 6.468ha đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS). Do đặc điểm địa hình, vùng nước cửa sông, biển có nhiều thuận lợi nên thị xã được xác định là vùng trọng điểm NTTS. 

Trước đây, diện tích biển của thị xã chưa được tích hợp vào quy hoạch vùng nuôi biển của tỉnh, do đó rất khó khăn trong công tác quản lý, giao khu vực biển và cấp phép NTTS trên biển; nhu cầu giải quyết sinh kế cho người dân rất lớn.

Trong bối cảnh đó, thị xã đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với tổng diện tích 865,38ha và Phương án giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân NTTS. 

Trong đó, quy định rõ đối tượng được giao là các tổ chức, cá nhân đang NTTS có địa chỉ, hộ khẩu thường trú trên địa bàn thị xã, đặc biệt ưu tiên các hộ đang NTTS bị thu hồi đất, mặt nước thực hiện các dự án đầu tư mà không còn nghề nghiệp khác. 

Hạn mức giao cho một tổ chức không quá 15ha, giao cho cá nhân không quá 0,8ha. Mục đích của đề án là tạo ra vùng nuôi biển ổn định, đảm bảo các quy chuẩn về môi trường, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho ngư dân.


Ở thị xã Quảng Yên của Quảng Ninh dân nuôi hàu toàn con to bự, bổ thận tráng dương, bán hút hàng- Ảnh 1.

Nuôi hàu mang lại thu nhập cao cho người dân thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Đến hết tháng 6/2024, đã có 714 hộ đăng ký đủ điều kiện được giao khu vực biển để NTTS trên địa bàn thị xã. Các cơ quan chức năng đã tiến hành xác định ranh giới ngoài thực địa, đo đạc, trích lục sơ đồ nuôi biển cho hơn 500 hộ. Trong đợt đầu tiên đã có 11 hộ nhận được quyết định.

Trong tháng 7 này, dự kiến sẽ có khoảng 100 hộ nhận được quyết định. Anh Đặng Văn Minh (xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên), cho biết: Thị xã đã có yêu cầu cụ thể đối với những hộ dân được giao mặt biển nuôi trồng về thời gian, tiến độ chuyển đổi từ phao xốp sang vật liệu nổi HDPE và sẽ có kiểm tra, phúc tra. 

Nếu hộ nào không đảm bảo sẽ rút lại quyết định giao biển. Chính vì vậy, người dân chấp hành nghiêm túc các quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, thời gian tới, thị xã tiếp tục đẩy nhanh thực hiện thủ tục giao khu vực biển đúng quy định cho các hộ đáp ứng yêu cầu. Hiện có khoảng 50 HTX, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký. 

UBND thị xã đã giao các cơ quan chuyên môn rà soát thực địa, hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện lập thuyết minh dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường để gửi Sở NN&PTNT làm thủ tục cấp giấy phép, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, làm cơ sở để Sở TN&MT trình UBND tỉnh quyết định giao khu vực biển để NTTS theo quy định của pháp luật.

Hiện TX Quảng Yên có gần 2.400 phương tiện tàu cá khai thác thủy sản. Những năm qua, thị xã quan tâm tuyên truyền ngư dân tăng cường việc đóng tàu mới, khai thác thủy sản xa bờ, giảm dần việc khai thác vùng ven bờ. 

Giai đoạn 2017-2020, 56 tổ chức, cá nhân, ngư dân đã được hỗ trợ lãi suất để nâng cấp, đóng mới tàu cá khai thác xa bờ với tàu có công suất 90CV trở lên. Nhiều hộ thực hiện cải hoán, nâng cấp tàu, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quảng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025, sắp xếp lại khoảng 20.000 bè nuôi hàu, hà và có khoảng 66 hộ nuôi cá biển với tổng số khoảng 4.560 ô lồng. Tổng sản lượng nhuyễn thể đạt khoảng 70.000 tấn, cá biển đạt khoảng 1.200 tấn. 

Giá trị sản xuất từ nuôi nhuyễn thể thị xã đạt trên 800 tỷ đồng và từ nuôi cá biển đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 1.000 lao động tại chỗ. Đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, giá trị sản xuất đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/năm.

Trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường, các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, bệnh dịch trong NTTS, nhằm hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất đối với các hộ nuôi biển. 

Thông qua đó, giúp người dân nuôi biển an tâm bám biển, tạo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao cuộc sống. Thị xã cũng chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường, phấn đấu 100% bè nuôi được gắn mã số vùng nuôi và áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; 100% rác thải từ các hoạt động NTTS được thu gom, xử lý…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem