Ông bà tranh cưng cháu, làm sao cho khỏi rối?

Thứ tư, ngày 13/03/2013 06:35 AM (GMT+7)
Lần nọ, Mika bị ho cả tuần chưa hết, ông bà ngoại kêu đưa tới bác sĩ X, còn ông bà nội bắt buộc tới bác sĩ Y. Ai cũng “quảng cáo” bác sĩ là người quen, chữa ho giỏi khiến vợ chồng Chi thêm rối.
Bình luận 0

Nhiều cặp vợ chồng vì những lý do khác nhau nên gửi con nhỏ cho ông bà nội ngoại chăm sóc. Tuy nhiên, nhiều ông bà mới lần đầu “lên chức” thường muốn giữ cháu khư khư bên cạnh và chiều cháu hết mực. Việc tranh giành quyền chăm cháu không chỉ ảnh hưởng tình cảm cha mẹ - con cái mà còn khiến hai bên sui gia khó nhìn mặt nhau.

Muốn ẵm cháu mọi lúc mọi nơi

Bạn bè luôn miệng bảo chị Hạnh (35 tuổi, giáo viên ở Q5 TP.HCM) tốt phước vì sau thời gian ở cữ, việc thay tã, pha sữa cho con trai đầu lòng là cu Tin đã có mẹ chồng lo. Giờ con trai gần một tuổi, chị cũng chẳng cần vội vã về nhà sau mỗi giờ làm, cứ thong thả uống cà phê hay tung tăng dạo phố cùng chồng.

Mỗi lần chị Hạnh đi làm về là mẹ chồng vội vàng bế cu Tin rồi bảo con dâu tắm rửa, nghỉ ngơi cho khỏe chứ không cho đụng vào cháu. Dần dà, chị để ý thấy mẹ rất khó chịu mỗi khi chị nựng con trai.

Cuối tuần, vợ chồng chị muốn chở con ra công viên hóng mát thì mẹ chồng “giật” cu Tin lại rồi bảo “đường bụi, người đông, để cháu ở nhà cho khỏe”. Vậy mà gặp ai, bà cũng than thở: “Thằng nhỏ có chuyện gì cũng thân già này lo chứ ba mẹ nó đi làm suốt, có ngó ngàng con cái đâu”. Chị Hạnh nghe được, vừa giận tím mặt vừa ức nhưng không muốn gia đình xào xáo nên đành im lặng.

 img

Ứng xử thế nào cho phải: Theo chuyên viên tâm lý Trần Thị Hồng Hà (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), sai lầm của chị Hạnh là ngay từ đầu đã phó mặc chuyện chăm sóc con cho mẹ chồng. Trẻ con thường cảm nhận tình yêu thương qua sự vuốt ve, âu yếm.

Việc cần làm bây giờ là chị Hạnh nên tế nhị “giành” lại quyền chăm sóc con bằng những việc nhỏ như tắm rửa, đút cơm và ẵm con trong những lúc có thể, thường xuyên hỏi ý kiến của mẹ chồng về kinh nghiệm chăm sóc trẻ.

Về việc mẹ chồng than thở với người khác, chị Hạnh nên tìm đồng minh là chồng để “vừa nói thẳng thắn vừa xoa” vì những lời nói vô tình này không chỉ làm người khác hiểu lầm về chị Hạnh mà còn khiến hình ảnh chị xấu đi trong mắt con trai sau này.

Khi cháu thành “quả pháo”

Nhà ít người nên khi con gái “rượu” Khánh Chi (27 tuổi, nhân viên văn phòng, Q6, TP.HCM) sinh bé Mika, ông bà ngoại xin sui gia cho con về nhà mình để tiện chăm sóc. Vậy là cuối tuần, ông bà nội phải đèo nhau hơn 20km thăm cháu. Gọi là “thăm cháu” chứ thật ra là ngồi tán gẫu với sui gia nhiều hơn vì lúc thì ông sui gia bảo cháu đang ngủ, lúc thì bà sui bảo cháu đang yếu nên hạn chế người vào thăm.

Đến khi bé Mika cứng cáp, bên nội làm căng nên ba mẹ Chi mới để hai mẹ con về nhà chồng. Từ ngày cháu nội về, ba mẹ chồng của Chi “quên” hẳn lớp dưỡng sinh hay tán dóc cùng bạn bè, suốt ngày “trực chiến” bên cháu.

Mika ho một tiếng là ông bà đã giục Chi ẵm con tới bác sĩ khám. Lần nọ, Mika bị ho cả tuần chưa hết, ông bà ngoại kêu đưa tới bác sĩ X, còn ông bà nội bắt buộc tới bác sĩ Y. Ai cũng “quảng cáo” bác sĩ là người quen, chữa ho giỏi khiến vợ chồng Chi thêm rối. Mika hết bệnh, ông bà ngoại bắt vợ chồng Chi chở con về nhà mình, vốn ở ngoại thành cho thoáng mát. Ba chồng Chi thì nói chắc nịch: “Ai thích đi thì đi, để Mika ở lại”.

 img

Ứng xử thế nào cho phải: Chuyên gia Hồng Hà phân tích: vì gia đình hiếm cháu nên cách ứng xử của ba mẹ Chi cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, cháu là “tài sản chung” của bên nội, bên ngoại và ba mẹ nên mỗi người phải “nhường” một chút. Vợ chồng Chi nên có buổi nói chuyện với ba mẹ hai bên để thống nhất cách chăm cháu.

Chi có thể lên lịch cụ thể đưa con về thăm ông bà ngoại hai tuần một lần và tuyệt đối không để tình trạng “giữ của” như lần trước. Vợ chồng Chi nên dùng những lời lẽ dễ nghe phân tích cho ba mẹ hai bên hiểu bên cạnh việc chăm cháu, họ nên dành thời gian cho thú vui khác. Dù thái độ “ham” cháu của ba mẹ hai bên nhiều khi khiến vợ chồng Chi bực mình nhưng anh chị cũng cần hiểu là những hành động của ông bà cũng vì muốn tốt cho cháu.

Con thích thì ông bà chiều

Đòi mua cây kiếm nhưng ba mẹ không cho, bé Cún (6 tuổi) lại qua nhà bà nội vòi vĩnh. 10 phút sau, cu cậu cầm cây kiếm tung tăng về nhà, múa qua múa lại như trêu ngươi ba mẹ. Anh Minh Nhân (34 tuổi, tài xế, Q10, TP.HCM) ba của Cún qua nhắc nhở mẹ đừng mua những đồ chơi bạo lực cho cháu thì bà nạt “cháu tao thích thì tao mua, có tốn tiền tụi bây đâu mà lo”.

Lần nọ, nghe mẹ than đau khớp, kêu anh Nhân cho ít tiền. Anh Nhân vội đưa mẹ 500 ngàn, định bụng tuần sau nhận lương sẽ gửi mẹ thêm để bà tự đi khám, ai ngờ bà dành số tiền ấy mua cho Cún một con rô bốt trị giá vài trăm ngàn đồng. Anh Nhân biết được thì quát con: “Cái thằng này chỉ giỏi phá tiền bà nội”.

Cún đáp tỉnh bơ: “Thì cũng tiền của bà nội chứ có phải tiền của bố đâu”. Chị Hường, vợ anh Nhân nghe con trả treo, từ dưới bếp chạy lên quát: “Con học ở đâu cái thói xin đồ của người khác mà không hỏi bố mẹ vậy hả?”. Cún đáp trả: “Mọi lần con làm vậy nội có la đâu”. Mẹ Cún nổi điên quát: “Bà nội mày chỉ giỏi cái dạy bậy”. Nào ngờ, Cún chạy sang méc nội, không khí gia đình trở nên căng thẳng.

 img

Ứng xử thế nào: Chuyên gia Hồng Hà khuyên, chị Hường nên nhận lỗi dù không cố ý nói những lời lẽ không hay về mẹ chồng. Chắc chắn lúc này mẹ chồng đã có ác cảm với nàng dâu nên việc “đàm phán” về chuyện nuông chiều Cún nên để anh Nhân ra mặt.

Anh Nhân nên tìm “dẫn chứng” những hậu quả của việc nuông chiều sẽ khiến Cún không phát triển theo chiều hướng tích cực. Một cách khác là nhờ sự can thiệp từ bạn già của mẹ hoặc người mà mẹ tin tưởng để nói chuyện với bà. Người già thương cháu nhưng cũng rất sợ những ảnh hưởng không tốt đến chúng nên nếu có người đáng tin cậy tác động, họ sẽ suy nghĩ lại dù ngoài mặt tỏ vẻ không “ưng”.

Theo Thế giới Gia đình
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem