Ông Chấn phải làm thế nào để được bồi thường 10 năm oan sai?

Thứ bảy, ngày 25/01/2014 19:01 PM (GMT+7)
Sau khi chính thức thành người vô tội, ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961), ở thôn Me (Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại cho 10 năm ngồi tù oan của mình.
Bình luận 0
Sáng 25.1, áp Tết Giáp Ngọ - 2014, ông Nguyễn Thanh Chấn chính thức trở thành người vô tội khi Cơ quan điều tra Bộ Công an đã về địa phương đọc quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông. Từ đây ông Chấn có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại cho 10 năm bị ngồi tù oan. Vậy để tiến hành việc yêu cầu bồi thường, ông Chấn cần phải thực hiện theo trình tự thủ tục thế nào?

LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn là TAND Tối cao. Cơ quan này đã xử phúc thẩm và ra bản án có hiệu lực pháp luật đối với ông Chấn (tù chung thân về tội giết người), dẫn đến việc công dân này phải ngồi tù oan suốt 10 năm.

Từ hôm nay ông Chấn có thể gửi đơn yêu cầu bồi thường 10 năm bị tù oan lên TAND Tối cao.
Từ hôm nay, ông Chấn có thể gửi đơn yêu cầu bồi thường 10 năm bị tù oan lên TAND Tối cao.

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Thông tư liên tịch số 05/2012 của Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thì các bước sẽ như sau:

- Người bị thiệt hại, thân nhân của người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có các nội dung chính theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các nội dung khác theo mẫu đơn số 01a, 01b kèm theo Thông tư liên tịch số 05/2012.

- Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có các giấy tờ sau đây: Quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật làm cơ sở để xác định thuộc trường hợp được bồi thường. Bản chính hoặc bản sao hợp lệ một trong các loại giấy tờ tùy thân của người bị thiệt hại. Trường hợp người bị thiệt hại không trực tiếp gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại mà người đại diện hợp pháp của họ thay mặt, thì phải có giấy ủy quyền của người bị thiệt hại và các giấy tờ chứng minh nhân thân của người được ủy quyền như: Chứng minh thư nhân dân hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người bị thiệt hại làm việc;

- Các tài liệu, chứng từ hợp lệ để chứng minh các khoản chi phí hợp lý, thu nhập của người bị thiệt hại trước khi bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù (nếu có).

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp được bồi thường.

Sau khi người yêu cầu bồi thường gửi đơn lên cơ quan chức năng, việc giải quyết được thực hiện theo các bước:

- Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường.
- Tổ chức giải quyết bồi thường.
- Xác minh thiệt hại.
- Thương lượng việc bồi thường.
- Quyết định giải quyết bồi thường.
- Giao quyết định giải quyết bồi thường cho người được bồi thường.
- Khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại.

Sau khi cơ quan chức năng giao quyết định giải quyết bồi thường, nếu không đồng ý với quyết định trên, người được bồi thường có quyền kiện quyết định đó ra tòa án để được giải quyết.
Lương Kết (ghi) (Lương Kết (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem