“Ông đồ Nghệ” tạm biệt làng kịch

Thứ năm, ngày 05/01/2012 19:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - NSND Xuân Huyền cùng thời với NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang. Cả 3 đã cùng nhau tung hoành trên sân khấu kịch suốt gần 40 năm nay. Giờ thì một trong 3 ông phải rời cuộc chơi trong tiếc nuối.
Bình luận 0

70 năm của “ông đồ xứ Nghệ”

Mấy năm gần đây, NSND Xuân Huyền không thể xuất hiện trên sân khấu với vai trò đạo diễn vì đủ các thứ bệnh, lại thêm một cơn tai biến khiến sức khỏe của ông suy kiệt.

img
Cảnh trong vở “Nhà có ba chị em gái” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Anh Ngô Đức Việt- con trai của đạo diễn cho biết: “Vì sức khỏe mà cha tôi phải rời xa sân khấu nhưng chúng tôi biết trong lòng ông, nỗi đam mê và khát khao với nghề chưa bao giờ chịu ngủ yên. Giờ đây khi sức khỏe của ông đã khá hơn, gia đình chúng tôi đứng ra phối hợp với Công ty cổ phần Nghiên cứu và Quảng bá hình ảnh Việt để tổ chức 5 đêm diễn này như một món quà tặng cho cha tôi nhân năm ông tròn 70 tuổi và cũng là lời cảm ơn tất cả những người đã cùng cộng tác với cha tôi trong suốt sự nghiệp của ông”.

Sự kiện mở màn cho sân khấu kịch Hà Nội năm 2012 này sẽ diễn liên tục từ ngày 6 đến ngày 10.1 tại Nhà hát Âu Cơ, 5 vở diễn được lựa chọn là những tác phẩm tiêu biểu của NSND Xuân Huyền và được 4 nhà hát cùng tham gia biểu diễn. Đó là các vở: “Tiếng chuông” , “Nhà có ba chị em gái” – Nhà hát Tuổi trẻ, “Một cây làm chẳng nên non” – Nhà hát Kịch Việt Nam, “Cái chết chẳng dễ dàng gì” – Nhà hát Kịch quân đội và “Cát bụi” – Nhà hát Kịch Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên ở sân khấu kịch phía Bắc có một sự kiện độc đáo như thế này, chỉ tiếc một điều là nó không phải sáng kiến của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN mà Hội chỉ khiêm tốn đóng vai trò “bảo trợ”.

Trong làng đạo diễn sân khấu phía Bắc, người ta hay gọi NSND Xuân Huyền là “ông đồ xứ Nghệ” bởi ông sinh ở Nghệ Tĩnh, khăn gói quả mướp ra Hà Nội học khóa đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh rồi lại về Đoàn Nghệ thuật Tuồng Liên khu V. Sau khi được cử đi đào tạo chuyên ngành đạo diễn ở Liên Xô (cũ), ông về làm giảng viên tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, bôn ba khá nhiều nơi nhưng “chất Nghệ” trong ông không hề bị pha tạp, giọng nói thì “đặc Nghệ” khiến những người mới tiếp xúc với ông lần đầu phải lắng nghe thật kỹ.

Ở Xuân Huyền lúc nào cũng có sự quyết liệt trong phong cách và kiên trung với dòng kịch chính luận, bởi ông không bao giờ cố gắng để thay đổi mình để chiều theo thời trang, xu hướng. Với ông kịch lúc nào cũng phải có tính chính luận, triết lý và nói được những bức xúc của xã hội.

Xuân Huyền vẫn hay bảo học trò của ông: “Làm gì thì làm, ở đâu thì ở, điều quan trọng là các bạn phải khẳng định được phong cách của mình”. Bài học đơn giản đó ông đã nghiệm ra từ chính cuộc đời mình, bởi thế mà sân khấu kịch phía Bắc mới có một phong cách riêng của “ông đồ Nghệ Xuân Huyền”.

5 trong 300

NSƯT Lê Chức- Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho biết: “Suốt vài chục năm lăn lộn với sân khấu, NSND Xuân Huyền đã dàn dựng tới 300 vở kịch cho khắp các nhà hát, các đoàn lớn nhỏ, nhưng lần này chúng tôi chỉ chọn ra 5 vở diễn đặc trưng cho phong cách của ông. Đó là ông luôn thích đẩy vấn đề lên cao trào tới mức căng thẳng như “dồn đuổi” khán giả , buộc họ phải cùng hòa mình vào những tình huống, những lớp lang trong vở diễn. Làm việc với “thầy Huyền”, ai cũng kêu mệt, bởi ông đòi hỏi cao, nhưng mệt mà sung sướng vì được làm nghề đúng nghĩa”.

Lễ khai mạc Chương trình sân khấu đặc biệt “NSND Xuân Huyền - mùa xuân và sân khấu kịch” vào 19 giờ 30 ngày 6.1 với vở diễn “Tiếng chuông”. Ngoài ra, tại Nhà hát Âu Cơ còn có không gian trưng bày ảnh nghệ thuật về NSND Xuân Huyền.

NSƯT Trung Hiếu (Nhà hát Kịch Hà Nội) tâm sự: “Tôi cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ của nhiều nhà hát kịch ở Hà Nội rất xúc động khi được biết mình sẽ được tham gia vào sự kiện lớn này của thầy Xuân Huyền. Với chúng tôi, thầy không chỉ là một người dìu dắt và chỉ bảo mà còn là người định hướng. Chính nhờ có thầy, tôi đã thoát ra được những vai diễn chính diện để thể hiện thêm cả những vai diễn nhiều màu sắc khác. Thầy là người truyền cho chúng tôi cảm hứng, động viên chúng tôi tự tin hơn khi sân khấu đang dần dần trầm lắng”.

Xuất hiện trong buổi họp báo tại Hà Nội, “ông đồ Nghệ” rưng rưng nói ra một điều ông không muốn nói: “Biết đâu đây có thể là lần cuối cùng tôi được đứng trên sân khấu thì sao?”. Ai cũng biết “liveshow” này sẽ là lời tạm biệt thánh đường của ông đồ xứ Nghệ trong làng kịch, nhưng ai cũng thầm mong, trời sẽ cho ông thêm nhiều cơ hội để còn được đứng thật thẳng, khoát tay thật rộng, thật dài, rồi quát lên yêu cầu diễn viên phải có thêm lửa trong cách diễn bằng cái giọng Nghệ mặn mà, chát chát của ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem