Ông Lưu Bình Nhưỡng: "Đáng lẽ Hà Nội phải rút ra kinh nghiệm từ bài học cấp giấy đi đường lần trước"
Ông Lưu Bình Nhưỡng: "Đáng lẽ Hà Nội phải rút ra kinh nghiệm từ bài học cấp giấy đi đường lần trước"
Thành An
Thứ bảy, ngày 04/09/2021 18:31 PM (GMT+7)
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, Hà Nội không nên đẻ thêm các "giấy phép con" vào lúc này. "Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ lần quy định giấy đi đường trước đó", ông Nhưỡng nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, ngày 3/9. Theo đó, TP.Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng, kể từ 6 giờ 00 ngày 6/9 đến 6 giờ 00 ngày 21/9.
Trong đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Vùng 1 tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.
Vùng 2 và Vùng 3, thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn
"Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước TP", Chỉ thị nêu rõ.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hà Nội giao Công an Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị; hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng CNTT cấp giấy đi đường, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn TP, hoàn thành trong ngày 5/9.
Việc này hiện nay nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, thậm chí nhiều người cho rằng chính quyền Hà Nội đang quá lúng túng trong việc quản lý người dân ra đường, và với những phương án nhằm ngăn chặn việc này vào mỗi đợt giãn cách xã hội khiến cho người dân, doanh nghiệp Hà Nội cảm thấy phiền toái, xoay sở "không kịp trở tay".
Hà Nội phải thực hiện đúng nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng
Về vấn đề này, sáng 4/9, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ (TS) Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, việc này UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Công an TP thực hiện.
Về mặt thẩm quyền, việc giao cho cơ quan nào là do Chủ tịch UBND TP và tập thể UBND TP sẽ xem xét. Tuy nhiên, Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV vừa ban hành tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội mới đây đã giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các tình huống cấp bách, đặc biệt để chống dịch. Nghị quyết đó vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống dịch Covid-19…
Bên cạnh đó, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định, nếu dịch lây lan nhanh trên địa bàn nhiều tỉnh, từ tỉnh này sang tỉnh khác… thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để ban hành tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, có những trường hợp Thủ tướng và cũng có những trường hợp Chủ tịch UBND ban hành tình trạng khẩn cấp.
"Nói điều này để thấy rằng, ở đây chúng ta không có tình trạng khẩn cấp nhưng lại có thể áp dụng tình trạng đặc biệt. Trong Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số trường hợp đặc biệt, chứ không phải giao cho UBND các cấp.
Bên cạnh đó, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và gần đây nhất là Công điện 1108 cũng giao cho UBND thực hiện vấn đề này, và nếu UBND tiếp tục 'khoán trắng' cho một cơ quan nào đó dưới quyền mình thì là không đúng. Văn bản này phải do UBND ban hành", TS Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, TP.Hà Nội cần thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và tuân thủ những điều Chính phủ cho phép chứ không được vượt quá các quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, cũng như các quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Không nên đẻ thêm các "giấy phép con" vào lúc này
TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, nếu Hà Nội "đẻ" thêm các loại thủ tục vào thời điểm này là không nên, dù đã có "bài học" từ thủ tục cấp giấy đi đường trước đây; TP cũng cần rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch như ở TP.HCM thời gian vừa qua.
"Hà Nội đã từng rút kinh nghiệm câu chuyện ban hành liên quan đến giấy đi đường một lần rồi, chính chúng ta đã tạo ra những điều kiện nguy hiểm hơn trong dịch bệnh, đáng lẽ việc này phải xem xét trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo bởi vì khi ra một mệnh lệnh, một quy định mà để lại hậu quả như vi phạm pháp luật, vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng, không phù hợp với tinh thần chống dịch, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân", TS Lưu Bình Nhưỡng nói.
Theo vị Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, dư luận xã hội không đồng tình với một số quy định của TP, không phải vì không ủng hộ lãnh đạo TP mà bởi những quy định này nó không phù hợp, thậm chí nó còn gây ra hậu quả cho xã hội.
"Ví dụ, về giấy đi đường lần này, TP có đảm bảo là sau khi thực hiện quy định sẽ không có chuyện tụ tập đông người trên đường? Tôi cho rằng, không thể nói là không ảnh hưởng được bởi việc kiểm tra giấy đi đường dù chỉ có mấy phút cũng dẫn đến việc ùn ứ, trong khi đó chủng mới của dịch bệnh lây lan rất nhanh.
Một quy định được ban hành mà gây ra hệ lụy, không tính đến hiệu quả thì hết sức nguy hiểm… Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ những lần yêu cầu thủ tục cấp giấy đi đường trước đó", TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Phân tích thêm, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu bây giờ trong quy định mới, Hà Nội lại bắt người dân đứng lại quét mã Code QR… "là việc làm rất hình thức, không giải quyết được vấn đề cốt lõi".
"Hiện nay cái quan trọng nhất chính là các chốt ở dân cư phải đảm bảo kiểm soát tốt người đi ra-đi vào chứ không phải là câu chuyện giấy đi đường. Tự dưng người dân đang đi đường lại ngăn người dân lại rồi khám xét thì không nên", ông Nhưỡng nhận định.
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trước đây khi không có dịch người dân chỉ biết đến vấn đề tuân thủ giao thông, bây giờ có dịch chính quyền phải tuyên truyền mạnh mẽ, đặc biệt là phải có vaccine chứ không phải lúc nào cũng đặt ra các thủ tục "giấy phép con" là không được ".
Cần phải hoạt động xã hội thực chất
Trao đổi thêm, TS Lưu Bình Nhưỡng lưu ý rằng, việc một tỉnh, thành phố có thể giao nhiệm vụ cho một đơn vị chủ trì còn các đơn vị khác phải kết hợp cũng hợp lý, tuy nhiên phải đảm bảo không đóng băng toàn bộ các hoạt động trong giãn cách xã hội.
"Không phải việc gì qua trực tuyến cũng có thể làm được hết cả. Nếu vừa rồi Thủ tướng không đi xuống quận Thanh Xuân (Hà Nội), không đi vào miền Nam thì làm sao phát hiện ra những chuyện không đúng, báo cáo sai, hay thực tế không diễn ra đúng với tinh thần đã báo cáo với Thủ tướng.
Cho nên xã hội chúng ta cần phải thực hiện hoạt động thực chất, chúng ta cũng không cần quá kinh sợ dịch bệnh.
Thủ tướng cũng đã xác định chúng ta phải sống chung với dịch nên phải có những biện pháp khả thi, hữu hiệu chứ không phải là giải pháp cực đoan, để rồi xảy ra những câu chuyện đau lòng với người dân như để người dân chết ở trong nhà", ông Nhưỡng nói và cho rằng, việc ông nói câu chuyện này để thấy rằng, chúng ta không chỉ quản lý ở ngoài đường, mà quan trọng nhất là quản lý xã hội.
"Mà việc quản lý xã hội này là việc của UBND các cấp chứ không chỉ riêng của công an, cho nên chúng ta phải lưu ý câu chuyện giao cho và phạm vi đến đâu, nếu là an ninh trật tự thì giao cho công an, còn đời sống an sinh xã hội thì phải giao cho ngành lao động thương binh xã hội, sản xuất kinh doanh thì phải là các ngành Công Thương, GTVT… Mỗi ngành đều có chức năng nhiệm vụ riêng thì phải giao đúng chức năng nhiệm vụ để người ta thực hiện cho tốt", TS Lưu Bình Nhưỡng nói.
"Chúng ta phải hết sức thận trọng trong khi ban hành một văn bản nào đấy nếu không sẽ gây ra những hậu quả xấu. Một mặt là hậu quả của việc lây nhiễm xã hội, một mặt về không hợp lòng dân, ngăn trở các hoạt động xã hội, cùng với đó có thể dẫn đến 1 số vấn đề an ninh trật tự xã hội", TS Lưu Bình Nhưỡng nói thêm.
Không chỉ có giấy đi đường mới hạn chế người dân ra đường
Trao đổi với PV Dân Việt, Thạc sĩ. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc dùng giấy đi đường của Hà Nội hiện nay.
Theo luật sư Cường, việc cấp các giấy đi đường theo hình thức trực tuyến, cấp mã QR code rồi chuyển cho người dân qua điện thoại, email, các phương tiện điện tử hoàn toàn có thể thực hiện được.
"Về nguyên tắc là khi đã có quy định thì sẽ có chế tài. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính của công dân vẫn được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh vậy dẫn cách xã hội.
Bởi vậy, nếu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý xã hội mà không khả thi, không có tính dự báo, kĩ thuật lập pháp không tốt thì rất dễ có thể dẫn đến xâm phạm đến quyền và thực hiện quyền của các chủ thể, nguy cơ khiếu kiện là có thể xảy ra", ông Cường viện dẫn.
Bên cạnh đó, theo luật sư Cường, các chế tài của pháp luật hiện có đủ sức để xử lý đối với tình trạng cấp giấy ra đường không đúng quy định, mua bán giấy đi đường.
"Vậy ở đây phải làm rõ mục đích quy định lại về việc cấp giấy ra đường là để làm gì? Nếu chỉ để thỉ hướng đến mục đích là hạn chế số người ra đường thì có rất nhiều biện pháp chứ không nhất thiết là phải ban hành lại quy định về cấp giấy ra đường.
Ví dụ TP.Hà Nội có thể ban hành quyết định, nghị quyết mới về phòng chống dịch bệnh, trong đó hạn chế các đối tượng được phép ra đường khi thực hiện Chỉ thị 16 theo hướng thu gọn, giảm bớt số người trong cơ quan nhà nước, thu gọn số người trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động phải dịch vụ thiết yếu...
Khi các đối tượng được phép ra đường giảm đi thì đương nhiên số người được phép tham gia giao thông sẽ giảm đi. Để xử lý tình trạng cấp giấy ra đường không đúng quy định, mua bán giấy ra đường thì hoàn toàn có thể xử lý bằng cách lập chốt, xử phạt, tạm giữ phương tiện, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức", vị luật sư của Đoàn Luật sư TP.Hà Nội đưa quan điểm.
Hà Nội dự kiến cấp giấy đi đường cho sáu nhóm
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, Công an TP.Hà Nội đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp, kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho đối tượng đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR code trên địa bàn TP.Hà Nội. Dự kiến có 6 nhóm đối tượng được lực lượng chức năng xét duyệt hồ sơ, cấp giấy đi đường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.