Ông nông dân nuôi nhiều trâu nhất ở Hà Nội nói gì về lệnh cấm chăn nuôi trong nội thành?
Ông nông dân nuôi nhiều trâu nhất ở Hà Nội nói gì về lệnh cấm chăn nuôi trong nội thành?
Giang Quang-Thanh Huyền
Thứ năm, ngày 13/08/2020 07:30 AM (GMT+7)
Đàn trâu gần 200 con có giá tiền tỉ được chăn thả trên khu đất bồi sông Hồng, dưới chân cầu Vĩnh Tuy đang có tương lai bất định trước lệnh cấm chăn nuôi trong nội thành Hà Nội.
Là người góp công tôn tạo, khai hoang, phục hóa khu đất bồi sông Hồng dưới chân cầu Vĩnh Tuy, gia đình bà Ngô Thị Hải (trú tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) cũng chăn nuôi, trồng trọt gần 30 năm trên khu đất này.
Sau khi chật vật với nghề trồng trọt, đến năm 1993, gia đình bà Hải bắt đầu nuôi con trâu đầu tiên bằng số vốn vay mượn là 1,8 triệu đồng. Từ đó đến nay, đàn trâu sinh trưởng khỏe mạnh, mỗi năm cho ra đời những lứa trâu mới, thu về hàng trăm triệu đồng.
Nổi tiếng là gia đình sở hữu đàn trâu “đẹp mã” nhất vùng bãi nổi sông Hồng và được mệnh danh là một “chuyên gia” trong chăn nuôi đàn trâu khoẻ mạnh, to béo với gần 200 con, nhưng dịch COVID-19 đã khiến nhiều người làm kinh doanh như gia đình bà Hải phải điêu đứng.
Bà Hải chia sẻ, dịch COVID-19 kéo dài làm tăng những khoản nợ ngân hàng của gia đình khi đầu tư chăn nuôi, còn đàn trâu gần 200 con thì không có đầu ra.
Trăn trở với lệnh cấm không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm bà Hải cho biết: “Việc cấm chăn nuôi trong nội thành khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì cả 2 vợ chồng đã gần 60 tuổi. Hiện giờ, đàn trâu có 70 con đang chửa, nếu phải giải quyết thì cũng không ai mua”.
Ngoài ra, để chăn dắt được đàn trâu có số lượng khủng, gia đình bà Hải đang tạo công ăn việc làm cho 5 lao động người dân tộc thiểu số với mức lương khoảng 5 - 7 triệu đồng/người.
Anh Giàng Văn Phúc (sinh năm 1994, quê ở Hà Giang) cho biết, trước đây anh làm shipper, nhưng vì dịch COVID-19 mà công việc không suôn sẻ. Chăn trâu trên bãi bồi sông Hồng đã giúp anh có thu nhập ổn định trong mùa dịch trong thời gian này.
"Mỗi ngày, công việc của tôi chỉ xoay quanh trông nom đàn trâu, ít tiếp xúc với người ngoài khi dịch COVID-19 bùng phát. Nếu mất công việc này những người lao động như tôi không biết phải xoay sở thế nào”.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND Phường Long Biên cho rằng, việc chăn nuôi theo mô hình thủ công, tự phát đang làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe và cảnh quan đô thị. Nên HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành và các thị trấn thuộc Hà Nội là điều cần thiết.
Cũng theo ông Kiên, trước khi Nghị quyết được ban hành, UBND phường Long Biên đã vào cuộc, thực hiện kế hoạch dưới sự chỉ đạo của quận về việc giảm đàn, dừng chăn nuôi trong khu dân cư.
"Cái khó là nhiều hộ chăn nuôi gia súc làm kinh doanh đều là những người cao tuổi, khó tiếp cận với việc làm mới. Về việc này, phường cũng đang nỗ lực định hướng, tìm việc làm phù hợp cho người nông dân", ông Kiên nói.
Trước đó, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ di dời những cơ sở này.
Theo đó, 12 quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây và 5 thị trấn của Hà Nội không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ việc nuôi động vật cảnh, phục vụ thí nghiệm. Quy định cấm được áp dụng từ ngày 1.8.2020.
Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội áp dụng nhằm khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp trong thành phố. Việc cấm chăn nuôi ở đô thị cũng giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống, bảo vệ sức khỏe người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.