Năm 1970, thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Huy lên đường nhập ngũ. Sau huấn luyện, ông được điều động vào chiến trường miền Nam. Tham gia nhiều trận đánh, cùng đơn vị lập nhiều chiến công, trong trận đánh ở Quảng Trị, ông bị thương, được đơn vị chuyển về tuyến sau điều trị và cho phục viên trở về quê, mất sức 71%, xếp hạng bệnh binh 2/3.
Về quê lập gia đình với hai bàn tay trắng nên gia đình ông rất khó khăn, rồi 3 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống càng thêm vất vả. Thế nhưng bản chất, truyền thống người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa thôi thúc ông không cam chịu đói nghèo.
Gia đình ông Nguyễn Quang Huy phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung đạt hiệu quả kinh tế cao.
Năm 1993, sau thời gian dài loay hoay tìm hướng đi trong phát triển kinh tế ông Huy nhận thấy nuôi hươu lấy nhung có thể đem lại nguồn thu nhập tốt và thích hợp với điều kiện sản xuất của địa phương nên tìm hiểu kỹ thuật và liên hệ mua con giống. Đầu tiên, ông mua 2 con hươu giống đầu tiên ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), sau đó tiếp tục mua thêm 7 con hươu giống từ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), vận chuyển bằng ô tô về Yên Bái để nuôi dưỡng.
Hươu ông mua là loại trưởng thành nên chưa đầy 1 năm đã bắt đầu cho nhung, ông mời anh em, bạn bè đến tham quan và cắt nhung, qua đó cũng để mọi người giúp gia đình ông giới thiệu sản phẩm. Người này mách người kia, dù cách đây những 2 chục năm chưa có các hình thức quảng bá qua phương tiện truyền thông đại chúng như bây giờ thì vẫn có những khách hàng ở trong và ngoài tỉnh biết đến nhung hươu của gia đình ông mà tìm đến. Thời điểm cao nhất gia đình ông có cả thảy 10 con hươu vừa cho nhung, vừa sinh sản.
Theo ông Huy, hươu được 5 tuổi là lúc cho khai thác nhung đạt hiệu quả kinh tế nhất. Một con hươu trưởng thành có thể cho nhung khoảng 15 năm liên tục.
Ông Huy chia sẻ: "Nuôi hươu không tốn nhiều công chăm sóc; chi phí đầu tư thức ăn cho hươu thấp và tận dụng được các loại phụ phẩm nông nghiệp như lá ngô, lá mía và nhiều loại lá cây khác sẵn có trong vườn, nhưng lại cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều so với gà, lợn”.
Hươu đực 2 năm tuổi bắt đầu cho nhung và lộc nhung bắt đầu mọc vào mùa xuân. Từ khi nhung mọc đến khi cắt được, mất khoảng 45 ngày. Nếu cắt sớm nhung còn non không tốt, để quá ngày nhung cứng cũng không tốt. Để cắt được nhung hươu chẳng hề dễ dàng, phải cần đến 4 - 5 thanh niên khỏe mạnh, người giữ hươu - người nâng niu cắt thứ “lộc trời” quý báu.
Mấy năm nay, do nhà neo người nên vợ chồng ông Huy đã phải bán bớt hươu, chỉ duy trì lại 3 con đực để lấy nhung. Dù chỉ có 3 con nhưng mỗi năm 1 con hươu cho nhung 1 lần, ổn định khoảng 0,8 - 1 kg, với giá 25 triệu đồng/100gram nhung cho thu nhập trên 70 triệu đồng.
Trong khi ông Huy dành tâm huyết cho đàn hươu thì bà Nguyễn Thị Hoàn - vợ ông cũng trồng 4 sào dâu nuôi tằm, mỗi năm thu về 70 – 80 triệu, gấp 5 lần trồng lúa. Mới đây, gia đình bà cùng với 1 hộ khác trong thôn được UBND tỉnh Yên Bái hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng nhà tằm 140 m2, hứa hẹn đem lại nguồn thu lớn hơn nữa trong thời gian tới. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất vườn rộng, ông bà còn trồng trên 300 gốc cây ăn quả các loại như: bưởi, táo, ổi và trồng cỏ để nuôi hươu. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình ông Huy đạt gần 200 triệu đồng.
Ngoài nuôi hươu và nuôi tằm, vợ chồng ông Huy còn trồng khoảng 1 mẫu cây ăn quả gồm bưởi, táo, ổi...
Ở địa phương, ông bà Huy Hoàn được nhiều người mến phục không chỉ bởi làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của xã. Ông bà luôn sẵn sàng giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn bằng cây, con giống và tận tình hướng dẫn họ kỹ thuật trồng trọt để cùng phát triển kinh tế gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.