Ông Phùng Anh Lê bị đề nghị truy tố tội Tha trái pháp luật người bị bắt, có thể bị xử lý sao?

Quang Minh Thứ tư, ngày 26/01/2022 09:10 AM (GMT+7)
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa đề nghị truy tố cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) Phùng Anh Lê và 3 đồng phạm trong vụ không xử lý hình sự nhóm cướp tài sản vào năm 2016. Ở góc độ pháp lý, những người vi phạm có thể bị xử lý sao?
Bình luận 0

Vụ án gây bất ngờ với nhiều người

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là một vụ án khá bất ngờ với nhiều người bởi những người bị khởi tố trong vụ án này đều là những cán bộ, cựu cán bộ công an có chức vụ cao trong công an quận Tây Hồ (Hà Nội).

Vụ án này cũng là một câu chuyện rất đáng buồn về công tác cán bộ, là những thiệt thòi mất mát trong công tác cán bộ, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh với những sai trái, tiêu cực, không có vùng cấm trong việc đấu tranh với tội phạm.

Trong các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm thì cơ quan điều tra là cơ quan đầu tiên, trực tiếp đối đầu với tội phạm. Kết quả điều tra làm cơ sở để truy tố, xét xử đối với người phạm tội.

Bởi vậy, nếu cơ quan điều tra không tích cực, không kiên quyết và thỏa hiệp với tội phạm thì rất nguy hiểm. Đặc điểm nghề nghiệp đòi hỏi cán bộ điều tra phải có bản lĩnh, có trình độ, có đạo đức, không thể run sợ, khuất phục trước các băng đảng tội phạm, không thể bị mua chuộc bởi vật chất.

Ông Phùng Anh Lê bị đề nghị truy tố tội tha trái pháp luật người bị bắt, có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định, các bị can trong vụ án đã thiếu tu dưỡng, thiếu bản lĩnh chính trị dẫn đến phạm tội. Trong ảnh là cảnh nhà chức trách khám xét nhà riêng Phùng Anh Lê vào năm 2021. Ảnh: PH

Đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì oan sai và bỏ lọt tội phạm đều nguy hiểm cho xã hội. Nếu những án oan sai thường có nguyên nhân là do chủ quan, nóng vội, do trình độ năng lực hạn chế thì hiện tượng bỏ lọt tội phạm là do suy thoái đạo đức, tha hóa về nhân cách của cán bộ, vì lợi ích vật chất, vì bị mua chuộc mà thỏa hiệp với tội phạm, tiếp tay cho tội phạm khiến pháp luật bị khinh nhờn, tội phạm lộng hành, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. 

Cơ quan điều tra cho rằng các bị can trong vụ án này đều là những người được đào tạo bài bản, có trình độ, có nhiều năm kinh nghiệm, tuy nhiên vì thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thiếu phẩm chất nên đã sa ngã, thực hiện hành vi phạm tội, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tố tụng, làm mất lòng tin của nhân dân.

"Đây là một trong những tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp. Hành vi phạm tội đối với tội danh này xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, làm giảm uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, lực lượng công an nhân dân nói riêng. Bởi vậy, người phạm tội sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật", luật sư Cường nói.

Người vi phạm sẽ bị xử phạt tù

Theo luật sư Cường, tội tha trái pháp luật người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam được quy định tại Điều 378 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tội danh này áp dụng với người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền để tha người bị bắt, bị tạm giữ trái pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Ông Phùng Anh Lê bị đề nghị truy tố tội tha trái pháp luật người bị bắt, có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Trước đó, đại tá Lê bị đình chỉ công tác để cơ quan chức năng làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp khi ông còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ. Ảnh: N.H

Người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp tha trái pháp luật người bị bắt, bị tạm giữ về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tha trái pháp luật từ 02 người đến 05 người thì phải đối mặt với khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.

Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì sẽ bị xử lý về tội danh này.

Với việc hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì hình phạt với người phạm tội sẽ là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù. Đối với người đưa hối lộ số tiền trên 100.000.000 đồng thì sẽ bị xử lý theo Khoản 2, Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Với người môi giới hối lộ thì sẽ bị xử lý theo Khoản 2 Điều 365 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài là từ 02 năm đến 07 năm tù.

Ông Phùng Anh Lê bị đề nghị truy tố tội tha trái pháp luật người bị bắt, có thể bị xử lý sao? - Ảnh 4.

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

"Trường hợp bị kết tội về 02 tội danh là tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam và tội nhận hối lộ thì có thể vị cựu Trưởng công an quận Tây Hồ sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể tới 18 năm tù cho cả 2 tội danh.

Những người còn lại mà bị buộc tội về hành vi nhận hối lộ hoặc môi giới hối lộ thì tổng hợp hình phạt của 2 tội danh cũng sẽ có hình phạt có thể tới 10 năm tù", luật sư Cường nói.

Chia sẻ quan điểm về vụ việc đề nghị truy tố cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) Phùng Anh Lê và 3 đồng phạm, bạn đọc Thành Đạt, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc xâm phạm hoạt động tư pháp, liên quan đến một số cán bộ công an.

Trước đó, một loạt cán bộ, lãnh đạo công an quận Đồ Sơn TP.Hải Phòng cũng bị xử lý đối với những hành vi tương tự. Vụ án này và vụ án xảy ra tại quận Đồ Sơn gần như đồng thời và có điểm giống nhau là đều có hành vi bỏ lọt tội phạm, tha bổng người phạm tội trái pháp luật dẫn đến hậu quả người đứng đầu cơ quan và một số cán bộ có chức vụ chủ chốt ở các cơ quan này bị xử lý hình sự.

"Bởi vậy việc phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm như vậy là cần thiết, cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước đang thực hiện rất quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và từng bước để duy trì, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền", anh Đạt chia sẻ.

Như Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa đề nghị truy tố bị can Phùng Anh Lê và 3 đồng phạm khác trong vụ không xử lý hình sự nhóm cướp tài sản vào năm 2016.

Có 3 người khác cũng bị đề nghị truy tố với tội danh "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù" bao gồm ông: Nguyễn Đức Châu – cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ; Vũ Công Ngọc – cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra các tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ; Lê Đình Trung – cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, vào năm 2016, Phùng Anh Lê và các đồng phạm đã không xử lý hình sự nhóm cướp tài sản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem