Danh nhân Hà Nội, đây là người đỗ khoa thi Minh kinh bác học thời nhà Lý, ẵm vua 3 tuổi ngồi nhiếp chính

Thứ sáu, ngày 22/12/2023 15:33 PM (GMT+7)
Khi Lý Anh Tông lên ngôi lúc ba tuổi. Tô Hiến Thành đã có vai trò ổn định ngôi vị của nhà vua. Ông là quan phụ chính khi nhà vua mới lên ngôi. Năm Tân Dậu (1141) khi đó Thân Lợi là thầy bói tự xưng là con của Lý Thần Tông tụ tập hàng nghìn người mưu tạo phản
Bình luận 0

 Tô Hiến Thành hiệu là Phi Diên. Ông sinh ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (dương lịch là ngày 11 tháng 2 năm 1102). Quê ông ở xóm Lẻ, hương Ô Diên, huyện Vĩnh Khang, thành Thăng Long. Nay là xóm Lẻ, thôn Hạ Mỗ, xã Hồng Thái, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. 

Theo một số tư liệu lịch sử. Ông từng thi đỗ khoa thi Minh kinh bác học khoa Mậu Ngọ (1138) vào đời vua Lý Thần Tông (thời kì này chưa có thi hương, thi hội, thi đình), khi đó ông 36 tuổi. Danh hiệu như tiến sĩ các kỳ thi sau này.

Tô Hiến Thành có công rất lớn với nhà Lý, nhất là vào thời kỳ vua Lý Anh Tông trị vì và mấy năm tiếp theo thời kỳ vua Lý Cao Tông cho đến khi ông mất vào tháng 6 năm Kỉ hợi (1179). 

Tô Hiến Thành là vị quan có đạo đức, nhân cách rạng ngời về lòng trung quân ái quốc, cả cuộc đời vì nghĩa lớn. Ông là người khẳng khái, trung thực, thẳng thắn, công tâm tận tâm với công việc không vì lợi riêng. 

Ông là người có công lớn dẹp loạn, đánh tan quân xâm lược, mở rộng bờ cõi, khai khẩn đất đai, ổn định chính sự, giữ vững vị thế và phát triển Đại Việt cường thịnh. 

Cuộc đời của ông đã được ghi lại rất rõ thông qua nhiều tư liệu lịch sử quan trọng như: Việt sử lược; Đại Việt sử kí toàn thư; danh nhân đất Việt; Niên biểu lịch sử Việt nam, bản phủ tiền triều chư danh khoa bi…

Thông qua một số sự kiện lịch sử sau đây, chúng ta sẽ thấy rõ hơn về con người Tô Hiến Thành.

Khi Lý Anh Tông lên ngôi lúc ba tuổi. Tô Hiến Thành đã có vai trò ổn định ngôi vị của nhà vua. Ông là quan phụ chính khi nhà vua mới lên ngôi. 

Năm Tân Dậu (1141) khi đó Thân Lợi là thầy bói tự xưng là con của Lý Thần Tông tụ tập hàng nghìn người mưu tạo phản. Lực lượng của Thân Lợi lớn dần nổi loạn ở nhiều nơi, rồi kéo quân về kinh sư. \

Theo lệnh vua, Tô Hiến Thành cùng với Đỗ Anh Vũ là cung điện trí nội ngoại sự, (Đỗ Anh Vũ là em trai Đỗ thái hậu, Đỗ thái hậu sinh ra Lý Thần Tông. Lê Thái hậu sinh ra Lý Anh Tông) ra quân dẹp loạn. 

Dẹp loạn thành công giữ yên quốc sự. Thân Lợi cùng tàn quân bị bắt. Với tàn quân ông nhân từ tha cho. Để diệt tận gốc mầm mống phản loạn, Thân Lợi  bị chém theo lệnh nhà vua.

Danh nhân Hà Nội, đây là người đỗ khoa thi Minh kinh bác học thời nhà Lý, ẵm vua 3 tuổi ngồi nhiếp chính - Ảnh 1.

Tượng danh nhân Tô Hiến Thành, một công thần thời nhà Lý. Tô Hiến Thành là quan phụ chính, ẵm vua Lý Anh Tông (lên ngôi lúc 3 tuổi), giữ vững giang sơn xã tắc trong bối cảnh vương triều Lý xảy ra nhiều cuộc biến loạn từ bên trong lẫn bên ngoài.

Gần hai chục năm sau vào tháng 5 năm Kỉ Mão(1159), ông đã đánh tan giặc Ngưu Hống và Ai Lao khi xâm phạm phía tây nước ta, giữ yên bờ cõi. 

Năm Tân Tị (1161) ông làm đô tướng cùng Đỗ An Di làm phó tướng đem hơn hai vạn quân tuần du biên giới Tây Nam và ven biển. Đảm bảo chủ quyền đất nước. Năm Đinh Hợi (1167) vào tháng 10, ông cầm quân đánh Chiêm Thành thắng lợi mở mang bờ cõi. 

Ông đã từng ẵm Thái tử quyền nhiếp chính sự, khi đó vua Lý Anh Tông ốm nặng sắp mất có lập Long Cán làm hoàng thái tử ở Đông cung. Vua phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự, Tước vương, giúp đỡ Đông cung thái tử Long Cán.

Cùng với những công lao trên của Tô Hiến Thành, hai sự kiện sau đây sẽ làm nổi bật thêm về nhân cách lớn lao của ông, nhân cách mà hiếm người sánh được:

Sự kiện thứ nhất: Trước khi vua Lý Anh Tông ốm nặng, vua đã lập Long Cán làm Hoàng thái tử, giao Tô Hiến Thành phò trợ. Khi vua ốm nặng sắp mất, hoàng hậu xin lập Long Xưởng (Long Xưởng trước đó có tội do thông dâm với cung phi, đã bị vua trị tội phế làm thứ dân). 

Vua nói: “Làm con mà bất hiếu còn trị dân làm sao được”. Di chiếu cho Tô Hiến Thành vầy (phò) Thái tử, công việc nhà nước nhất thiết phải tuân theo phép cũ. Khi ấy Thái hậu muốn làm việc phế Long Cán lập Long Xưởng, sợ Tô Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút lót cho vợ Tô Hiến Thành là Lữ Thị. 

Tô Hiến Thành nói với vợ rằng: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại vầy (phò) vua bé, nay lại lấy của đút mà bỏ vua nọ lập vua kia thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng”. Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. 

Tô Hiến Thành trả lời với Thái hậu rằng: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ có vui làm đâu. Huống chi lời của tiên đế còn ở trong tai. Điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang ngày xưa sao. Thần không dám vâng lời dạy”. 

Việc phế lập bèn thôi. Sau đó khi vua Lý Anh Tông mất tháng 7 năm Ất Mùi (1175). Thái tử Long Cán lên ngôi trước linh cữu vua Lý Anh Tông, khi đó vua mới lên ba tuổi. Tô Hiến Thành vầy vua trẻ điều hành chính sự (khi Long Cán lên ngôi phong ngay Tô Hiến Thành làm Thái uý - như Tể tướng - chức này dưới vua).

Sự kiện thứ hai: Khi Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh. Trong khi gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc công không lúc nào rỗi nên không đến thăm được. 

Đến khi bệnh nguy kịch. Thái hậu đến thăm và hỏi rằng: “Nếu chẳng may thì ai là người đáng thay thế ông”. Tô Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được”. Thái hậu nói: “Tán Đường ngày nào cũng hầu thuốc thang. 

Ông lại không nói đến là làm sao”. Tô Hiến Thành trả lời: “Vì Thái hậu hỏi người nào đáng thay tôi, nên tôi nói là Trung Tá. Nếu như hỏi người hầu nuôi thì không phải Tán Đường còn ai nữa”. Thái hậu khen là trung nhưng cũng không dùng lời ấy. 

Sau lấy Đỗ An Di làm phụ chính. Việc Thái hậu không nghe đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhà Lý nhanh suy vong kể từ khi Tô Hiến Thành qua đời vào tháng 6 năm Kỉ Hợi (1179).

Có thể thấy rằng Tô Hiến Thành có một nhân cách sáng ngời. Nổi bật là lòng trung thành, trung quân, ái quốc, vì nước vì dân, nhân nghĩa, liêm khiết, quang minh chính đại, vì nghĩa lớn, khéo xử lý những việc trọng đại, như cột đá giữa dòng..

Tuy bị sóng gió lay vỗ đập mà vẫn đứng vững không chuyển, khiến cho trên dưới thuận hoà, đất nước yên bình phát triển, không thẹn với vai trò của đại thần. Khi sắp mất còn tiến cử người hiền tài phò vua giúp nước, không vì ơn riêng lợi riêng, chỉ vì nghĩa lớn.

Đạo đức nhân cách của Thái uý Tô Hiến Thành, vị đại thần nhà Lý với mỗi người dân Việt ta vẫn còn nguyên giá trị, thật đáng trân trọng. Ông hẳn là  ngôi sao khuê rực sáng trên bầu trời nước Việt, là tấm gương sáng ngời cho mỗi người dân Việt soi rọi, noi theo!

(Bài viết có tham khảo nhiều tư liệu lịch sử và bài viết của các học giả)

Nguyễn Văn Hào (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem