Phải điều chỉnh ngay hạn điền

Thứ hai, ngày 13/02/2012 10:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Thời gian cho thuê đất 20 năm là không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất nhưng cần gỡ ngay vướng mắc từ hạn điền”- ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đề xuất.
Bình luận 0

Sau sự việc thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), nhiều chủ trang trại ở các địa phương khác cũng rất hoang mang. Thưa ông, cần làm gì để chủ trang trại yên tâm sản xuất?

- Hiện nay, theo tôi thời gian giao đất 20 năm là vẫn phù hợp. Tuy nhiên, khi xây dựng lại quy định mới có thể tuỳ từng đối tượng sản xuất sẽ có thời gian thuê đất cho hợp lý. Ví như, sản xuất nông nghiệp có thể 20 năm, nhưng trồng rừng là 50 năm. Tới đây, nhà nước sẽ có điều chỉnh về kế hoạch sử dụng đất, nhưng khẳng định đến 2013 sẽ không chia lại đất nông nghiệp.

img
Một góc trang trại của ông Đoàn Văn Vươn.

Để thúc đẩy phát triển trang trại, chúng tôi cũng đang nghiên cứu chính sách phát triển trang trại trong năm 2012. Qua đó, sẽ xác định lại quy mô, diện tích... thế nào là trang trại. Theo tiêu chí mới chúng tôi đang xây dựng thì số trang trại cũng sẽ giảm xuống chỉ còn 1/4 so với hiện nay. Qua đó mới có những đánh giá thật cụ thể về trang trại và đưa ra những chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy trang trại phát triển.

Thực tế, một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có chu kỳ sản xuất là 5 - 7 năm, nếu thời gian thuê đất ngắn quá càng khiến nhiều người ngại đầu tư vào nông nghiệp?

- Nói tới ngại đầu tư vào nông nghiệp cũng có nhiều nguyên nhân. Ví như lĩnh vực này có nhiều rủi ro và lợi nhuận cũng không cao... Theo tôi, với thời gian cho thuê đất 20 năm là không ảnh hưởng tới sản xuất. Điều khiến nhiều người quan tâm chính là hạn điền. Bởi hạn điền như hiện tại chỉ có 3ha thì rất khó để mở rộng sản xuất được. Vì thế, một trong những chính sách phát triển trang trại là cần phải điều chỉnh hạn điền chứ không phải thời gian thuê đất.

Để sản xuất hàng hoá quy mô lớn, rất nhiều hộ khó khăn trong vấn đề đất đai, sản xuất, ông có thể phân tích rõ hơn thực trạng này?

- Thực tế là thời gian qua có nhiều người bàn tới quá trình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào ra một quyết định là tích tụ ruộng đất theo biện pháp hành chính.

Theo tôi, khái niệm tích tụ là tập trung đất đai vào một nhóm, một số người nhất định còn tập trung đất đai là tập trung vào để sản xuất nên mục tiêu của chúng ta là hướng tới tập trung đất để sản xuất hàng hoá quy mô lớn. Quá trình chuyển hoá dần dần trở thành trang trại lớn hơn, như kiểu các cánh đồng mẫu lớn mà chúng ta đang làm.

Đối với các hộ trang trại đã nhận đất và phát triển trang trại, chính sách mới có những điều khoản gì để họ yên tâm sản xuất tiếp?

- Đối với những trang trại đã, đang hoạt động sản xuất kinh doanh thì vẫn tiếp tục để họ sản xuất nếu thời gian thuê đất còn thời hạn. Trường hợp, các chủ trang trại hết thời hạn thuê đất, muốn tiếp tục thuê tiếp để sản xuất kinh doanh sẽ vẫn được ưu tiên theo quy định hiện hành.

Những chủ trang trại nào nếu sản xuất đúng mục đích, đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước thì đương nhiên chủ trang trại đó được ưu tiên thuê tiếp nhưng tất nhiên không phải ưu tiên cả về giá thuê đất.

Chính sách đất đai hiện có quá nhiều điểm bất cập. Vậy, những bất cập này cần được giải quyết thế nào?

- Tôi nghĩ, tới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu để xây dựng các văn bản dưới luật để hướng dẫn, quy định cụ thể hơn về vấn để quản lý đất sản xuất nông nghiệp. Quan điểm của cá nhân tôi, đất sản xuất nông nghiệp nên đưa về cho Bộ NNPTNT quản lý sẽ phù hợp hơn.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Giảm thiểu các văn bản mập mờ

Theo tôi, chúng ta cần phải có các động thái quyết liệt hơn để giải quyết những bất cập của Luật Đất đai, để không xảy ra một Tiên Lãng thứ 2. Thứ nhất, cần rà soát lại Luật Đất đai, chủ trương, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, làm sao giảm thiểu những văn bản dưới luật và những chính sách, chủ trương đó phải rõ ràng để không bị hiểu lầm và sử dụng không đúng trong Luật Đất đai.

Thứ hai, phải có chính sách cho nông dân và nông thôn. Chúng ta có chủ trương sản xuất lớn, có thể gom bờ vùng, bờ thửa để sản xuất lớn thì chúng ta phải có chính sách đúng để người dân yên tâm sản xuất và không bị thua thiệt trong việc này… Ví như chuyện cho thuê đầm trong bao nhiêu năm chẳng hạn. Chủ trương, chính sách phải nhất quán và phải có thời hạn nhất định. Chủ trương chính sách đó phải được các đồng chí lãnh đạo địa phương thấm nhuần và nhất quán.

Thứ ba là các cơ quan chính quyền đứng trước xung đột lợi ích giữa nông dân với nhau hoặc lợi ích của nông dân với nhóm doanh nghiệp khác phải hết sức tỉnh táo.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem