Phải kiểm soát chặt

Thứ sáu, ngày 16/09/2011 03:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trả lời phỏng vấn NTNN, TS Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NNPTNT) cho rằng: Cần phát triển đồng bộ giữa hai con tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TTCT) vì mỗi loại có ưu, khuyết điểm riêng.
Bình luận 0

Theo ông, việc phát triển TTCT vào thời điểm này có đúng thời cơ?

- Tôi sẽ phân tích sự khác biệt giữa TTCT và tôm sú để thấy rằng đây có phải là thời cơ để phát triển TTCT không. Thứ nhất, nếu nuôi tôm sú sẽ phải tiếp tục bắt tôm bố mẹ từ ngoài biển, ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản tự nhiên và làm tăng khả năng du nhập bệnh mới. Trong khi đó, TTCT đã được các nhà khoa học phát triển nuôi khép kín vòng đời từ con giống đến bố mẹ, kiểm soát được dịch bệnh mới.

img
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở miền Trung.

TTCT cũng đã chọn được các giống tôm sạch bệnh (SPS), kháng bệnh (SPR) và thích ứng được dịch bệnh (SPT). Ngoài ra độ thích ứng môi trường, vùng phân bố trong ao để tìm thức ăn của TTCT cũng rộng hơn tôm sú. TTCT ăn khắp ao, từ mặt trên đến mặt giữa và mặt đáy (trong khi tôm sú chỉ ăn ở mặt đáy). Nhờ đó, chúng ta có thể nuôi TTCT với mật độ dày trong ao được, năng suất cũng cao hơn, thời gian sinh trưởng nhanh và chi phí đầu tư cho 1kg tôm thành phẩm cũng thấp hơn tôm sú.

Tuy nhiên nếu thấy những ưu điểm trên mà phát triển TTCT, bỏ quên tôm sú thì cũng là sai lầm. Bởi trên thế giới hiện nay, các nước sản xuất tôm sú còn rất ít, hầu như chỉ còn lại Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh. Trong khi đó ngược lại, các nước đã phát triển nuôi TTCT rất nhiều. Trong khu vực có Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia,… là những nước đang sản xuất TTCT rất tốt, đã đi trước chúng ta nhiều năm nên chắc chắn chúng ta sẽ không cạnh tranh lại về giá.

Nhưng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng TTCT là sinh vật ngoại lai, nếu cho phát triển sẽ rất nguy hiểm?

- Đó cũng chính là điều mà nhiều người đang quan ngại. Mà những quan ngại này là có cơ sở. Bởi thực tế, tuy Việt Nam chưa có nghiên cứu, nhưng tại Thái Lan người ta đã nghiên cứu thấy rằng TTCT đã thoát ra môi trường tự nhiên và phát triển thành quần đàn, cạnh tranh thức ăn và đánh đuổi, xâm chiếm vùng sinh sống, khu cư trú với những loài sinh vật bản địa cùng loại. Đặc biệt nhiều bệnh trên TTCT như bệnh Taura đã lây qua tôm càng xanh và nhiều loại tôm bản địa khác của Thái Lan.

Nếu vậy tại sao Bộ NNPTNT lại đang đề xuất cho phát triển mở rộng nuôi TTCT?

- Do những ưu điểm về kinh tế vượt trội nói trên, nên loài vật này phát triển rất nhanh. Ở Thái Lan hiện 95% diện tích nuôi tôm của người dân là TTCT. Vì không thể cấm, nên Chính phủ Thái Lan đã cho nuôi trong điều kiện kiểm soát được, tức là nuôi công nghiệp.

Ở nước ta, sản lượng tôm thẻ xuất khẩu năm nay đã vượt lên, chiếm gần 50% lượng tôm xuất khẩu. Tuy nhiên đề án của Bộ NNPTNT chỉ cho phép nuôi TTCT theo mô hình công nghiệp, trong những vùng quy hoạch riêng, có kiểm soát và không cho phép thất thoát ra môi trường tự nhiên, đặc biệt là ra môi trường quảng canh cải tiến đang nuôi tôm sú, nhằm bảo vệ con vật bản địa này.

Hiện tại nguồn cung cấp con giống TTCT đang thiếu rất nhiều, nhất là nguồn tôm giống chất lượng và sạch bệnh. Nếu phát triển thì nguồn giống sẽ lấy từ đâu và có đủ để cung cấp cho thị trường?

- Chủ trương của Bộ NNPTNT hiện nay vẫn là phát triển đồng bộ tôm sú và TTCT. Trong năm 2010, cả nước có 2.564 trại sản xuất ra 25 tỷ con giống tôm sú và 327 trại sản xuất ra 19 tỷ con giống TTCT. Nhu cầu phát triển đến 2015 cả nước cần là 37 tỷ con giống tôm sú và 33 tỷ con giống TTCT.

Tôm thẻ đã xâm hại ở Thái Lan

"Tại Thái Lan người ta đã nghiên cứu thấy rằng TTCT đã thoát ra môi trường tự nhiên và phát triển thành quần đàn, cạnh tranh thức ăn và đánh đuổi, xâm chiếm vùng sinh sống, khu cư trú với những loài sinh vật bản địa cùng loại. Đặc biệt nhiều bệnh trên TTCT như bệnh Taura đã lây qua tôm càng xanh và nhiều loại tôm bản địa khác của Thái Lan".

Nhưng hiện nay, nguồn cung cấp con giống TTCT hầu như đều nằm trong tay các công ty nước ngoài. Điều này có là trở ngại lớn hay không?

- Đây chính là vấn đề của chúng ta, hô hào phát triển mà không có sự chuẩn bị nguồn giống từ trước. Bởi muốn có được đàn giống như Công ty CP (100% vốn nước ngoài) hiện nay đâu phải dễ, họ phải làm từ 10 năm trước. Giờ ta mới bắt đầu thì đã là quá chậm. Mọi lợi thế cạnh tranh đều vào tay họ hết. Một nền công nghiệp lớn như thế mà chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài thì khi họ nâng giá lên là mình chỉ có "chịu" thôi.

Như thế, chúng ta đành "bó tay chịu chết" sao?

- Bộ NNPTNT đang có một chiến lược phát triển đàn tôm giống TTCT bố mẹ, giao cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I làm trong năm tới. Dẫu biết rằng đã muộn nhưng chúng ta phải cố thôi.

Xin cảm ơn ông.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem