Tôm thẻ chân trắng không gây hại

Thứ sáu, ngày 09/09/2011 05:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 8.9, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NNPTNT và ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã khẳng định với NTNN rằng, tôm thẻ chân trắng không gây hại.
Bình luận 0

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT và Bộ TNMT đã họp bàn về vấn đề đưa tôm thẻ chân trắng ra khỏi danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Hiện Bộ NNPTNT đang soạn thảo công văn chính thức để gửi tới Bộ TNMT. Bộ TNMT sau khi tiếp nhận công văn sẽ xem xét và có quyết định chính thức sau đó ít hôm.

img
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Ông Phạm Anh Tuấn cho hay: "Trong cuộc họp bàn mới đây nhất, chúng tôi đã gửi tới Bộ TNMT hồ sơ về tôm thẻ chân trắng, hồ sơ gồm các chứng cứ về kết quả khảo nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng từ những mô hình thử nghiệm nuôi cách đây 10 năm cũng như các chứng cứ khẳng định việc tôm thẻ chân trắng không gây hại cho môi trường và các loài bản địa.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng: "Hai Bộ đang gấp rút giải quyết dứt điểm, những gì cần trao đổi thì chúng tôi đã trao đổi hết rồi, Bộ TNMT yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin, cung cấp hồ sơ chứng cứ khoa học cụ thể và chúng tôi đã cung cấp cho họ. Bộ TNMT đang nghiên cứu để đưa ra quyết định cuối cùng. Tại cuộc họp mới đây với chúng tôi, Bộ TNMT hứa sẽ đưa tôm thẻ chân trắng ra khỏi danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Đánh giá về việc loài tôm thẻ chân trắng bị liệt vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (Thông tư 22 của Bộ TNMT), Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: "Cả hai Bộ đều là cơ quan của Chính phủ và đều biết cái gì có lợi cái gì có hại. Vấn đề bây giờ là để thực hiện những quy định, luật đã ban hành như thế nào cho phù hợp thôi, vì có luật về đa dạng sinh học, sinh vật ngoại lai, Bộ TNMT cũng phải nghiên cứu để áp dụng như thế nào cho hợp lý cân đối giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ đa dạng sinh học".

Theo Bộ NNPTNT, hàu Thái Bình Dương và tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng nuôi chủ đạo của ngành thủy sản Việt Nam. Các chủng loại này đều được các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ ngăn ngừa dịch bệnh tại các cửa khẩu.

Việc làm của Bộ TNMT đã tác động không nhỏ đến việc phát triển sản xuất và xuất khẩu của thủy sản Việt Nam. Riêng trong năm 2010, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của cả nước đạt hơn 25.300ha, trong đó các tỉnh miền Trung và miền Bắc là 17.960ha, chiếm hơn 72% tổng số diện tích, còn lại là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Tôm thẻ chân trắng đang phát triển thương phẩm rất tốt ở nhiều địa phương như Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá: "Trong vài năm trở lại đây, sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng rất nhanh, hiện nay chiếm đến gần 50% sản lượng. Nói về mặt lợi ích thì nuôi tôm chân trắng cao hơn tôm sú".

Tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề nuôi này, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản khuyến cáo, các địa phương khi thả nuôi tôm thẻ chân trắng phải phát huy được lợi thế của loài này. Tôm thẻ chân trắng không phải loài thay thế con tôm sú và chỉ khuyến khích phát triển nuôi trong vùng đã được quy hoạch. Tổng cục Thủy sản sẽ khuyến nghị với Bộ NNPTNT cho phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng phải nuôi thâm canh, có điều kiện theo dõi, quản lý chặt chẽ.

Ông Đỗ Kim Đồng - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Đông Hoà (Phú Yên):

Phú Yên là một trong những tỉnh có diện tích tôm thẻ chân trắng lớn ở miền Trung với gần 2.200ha tôm thẻ chân trắng, trong đó nuôi nhiều nhất tập trung ở huyện Đông Hoà (1.500ha). Con tôm thẻ chân trắng đã được đưa vào các vùng nuôi của huyện Đông Hoà từ năm 2006 đến nay và góp phần cải thiện đời sống của người dân. Hiện nay, con tôm thẻ chân trắng xuất khẩu rất tốt. Vì vậy việc đưa con tôm thẻ chân trắng ra khỏi danh mục hạn chế nuôi là hợp lý và có ý nghĩa giải quyết dân sinh rất lớn ở Phú Yên.

Ông Đinh Văn Thu - nông dân nuôi tôm xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông hòa, Phú Yên:

Tôi nuôi tôm đã hơn 20 năm. Trước đây, tôi nuôi tôm sú, thời gian đầu lãi lớn nhưng sau đó chừng 5 năm bắt đầu dịch bệnh liên tiếp nên lỗ nặng. Năm 2006, tôi đã mạnh dạn thả nuôi tôm thẻ chân trắng và thắng lợi. Ưu điểm của tôm thẻ chân trắng là tính đề kháng cao, dễ thích nghi và dễ nuôi hơn tôm sú nên dần dần bà con nuôi tôm xã Hoà Hiệp Nam chuyển hết sang nuôi tôm thẻ chân trắng. 3 năm nay, 100% diện tích nuôi tôm ở Hoà Hiệp Nam nói riêng, vùng hạ lưu sông Bàn Thạch nói chung, đều nuôi tôm thẻ chân trắng và con vật nuôi nay cũng là nguồn thu nhập chính của nông dân ở đây. Việc cơ quan chức năng cho phép nuôi bình thường con vật này theo tôi là sáng suốt.

Ông Trần Văn Tánh - nông dân xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, Cà Mau:

Đối với tôm thẻ chân trắng, tôi khoái nhất là yếu tố thời gian nuôi. Cứ 75-90 ngày là có thể “xuất ao” bán cho thương lái. Tôi có 8 ao nuôi (khoảng 4.000m2/ao, thu hoạch bình quân 3-5 tấn/ao), trúng liền nhiều vụ, đối tượng nuôi này xem ra cũng được lắm. Việc các cơ quan chức năng không “cấm cản” việc phát triển tôm thẻ chân trắng sẽ giúp đa dạng hóa vật nuôi.

Ông Quách Hớn Khoa - chuyên gia tôm (Công ty Việt - Úc, Chi nhánh Bạc Liêu):

Việc xem xét đưa tôm thẻ chân trắng khỏi danh sách các loài động vật ngoại lai sẽ mang lại nhiều ích lợi thiết thực trong tiến trình đa dạng hóa vật nuôi, nhất là đối với con tôm trong thời điểm hiện nay. Hàng năm Chi nhánh Bạc Liêu của Công ty Việt – Úc sản xuất khoảng 5 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng cung cấp cho người nuôi. Nhiều hộ nuôi ở các tỉnh vẫn đánh giá cao hiệu quả tôm thẻ chân trắng mang lại. Tuy nhiên, người sản xuất cần nắm vững kỹ thuật, chăm sóc chu đáo và canh tác hướng đến sản xuất bền vững để ổn định và phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem