Phải mở rộng sản xuất theo GAP

Thứ tư, ngày 18/09/2013 06:08 AM (GMT+7)
NTNN đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam về triển vọng đưa hàng nông sản Việt Nam sang Mỹ.
Bình luận 0
Theo đánh giá của ông, hiện các mặt hàng trái cây của nước ta đã đảm bảo các điều kiện về chất lượng an toàn thực phẩm khi xuất sang Mỹ chưa?

- Trái cây của chúng ta nói chung gần đây đã có cải tiến nhỏ và làm theo tiêu chuẩn GAP, tuy nhiên diện tích làm theo GAP còn nhỏ. Nên muốn xuất khẩu vào Mỹ cần phải mở rộng mô hình làm theo GAP với quy mô vài trăm ha, như mô hình thanh long ở Bình Thuận hiện đã lên tới vài nghìn ha.

img
PGS-TS Nguyễn Minh Châu

Hiện các mặt hàng nông sản của chúng ta nhìn chung có thiếu và yếu trong việc xây dựng thương hiệu. Vậy khi xuất khẩu sẽ gặp những bất lợi như thế nào, thưa ông?

- Không những trái cây, mà cả lúa gạo của chúng ta hiện chưa có thương hiệu. Xây dựng thương hiệu là một việc lâu dài và công phu, cần cả tâm và tài. Muốn xây dựng thương hiệu, trước tiên doanh nghiệp phải liên kết với nông dân rồi yêu cầu họ sản xuất theo cùng một quy trình để trái cây có chất lượng giống nhau. Nếu chưa làm được điều này, trái cây của chúng ta không bao giờ có giá cao được. Cho nên, Nhà nước phải hỗ trợ để tư nhân xây dựng thương hiệu. Theo tôi, nên làm theo như cách của New Zealand, mỗi một mặt hàng, họ chỉ cho một công ty lo thôi mới có thương hiệu, nếu cứ để cạnh tranh hạ giá bán như hiện nay, thì sẽ không bao giờ có thương hiệu. Làm được như thế, thì sẽ có thương hiệu sau khoảng 15 năm nữa.

Có ý kiến lo ngại các nước sẽ dựng những hàng rào bảo hộ kỹ thuật rất khắt khe để bảo hộ hàng nông sản của họ?

- Chắc chắn là có rào cản. Không những Mỹ, mà cả Nhật Bản và châu Âu rất quan ngại khi nhập khẩu rau, quả từ Việt Nam. Cho nên, nhà vườn phải đoàn kết, cùng làm theo một quy trình do các cơ quan nhà nước hướng dẫn để đạt được chất lượng sản phẩm như mong muốn. Ngoài trở ngại về hàng rào bảo vệ, Việt Nam còn trở ngại về cự ly do khoảng cách đến Mỹ quá xa xôi, hàng đi bằng máy bay thì rất tốn kém. Hơn nữa, ở Mỹ, một số bang cũng sản xuất một vài loại cây ăn trái nhiệt đới được. Vì thế, theo tôi về lâu dài chúng ta nên chú ý các thị trường gần như Úc, New Zealand, Singapore, Trung Quốc, châu Âu... Nhà nước cũng không thể để mạnh ai nấy xuất khẩu như hiện nay, mà nên hỗ trợ cho một công ty thôi mới chuyên nghiệp được.

Xin cảm ơn ông!



Ngọc Lê (thực hiện) (Ngọc Lê (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem