Phải xử lý thật nghiêm cây xăng “găm” hàng

Thứ tư, ngày 29/08/2012 06:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tình trạng các cây xăng lặp lại kịch bản “cúp điện, hết hàng” vẫn diễn ra ở Cần Thơ, Long An, Đồng Nai (7 trạm), Thừa Thiên - Huế... khiến dư luận đặt dấu hỏi phải chăng cơ quan quản lý đang “bó tay”?
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Thắng ở thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) chia sẻ với NTNN: Tình trạng cây xăng găm hàng xảy ra liên tục, ở nhiều nơi nhưng không thấy ai xử lý, thật bất công với người tiêu dùng. Tại cây xăng chợ Lồ thuộc xã Nguyệt Đức (Yên Lạc), việc bán xăng cứ như cơ quan hành chính. 19 giờ đã đóng cửa, sáng hơn 7 giờ mới lại mở cửa. Khi bán thì chỉ bán cho mỗi xe 30.000 đồng.

img
3 trụ bơm ở Cửa hàng Xăng dầu số 5 TP. Cần Thơ ngừng hoạt động lúc 15 giờ ngày 28.8.

“Là người tiêu dùng, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng có quy định xử lý thật nghiêm những cây xăng như thế này. Không thể để tình trạng đó tái diễn”- ông Thắng chia sẻ.

Còn ông Lê Như Dũng ở Bảo Lạc, Lâm Đồng thì cho rằng: “Tôi vẫn thấy hình như ta chưa thật sự sẵn sàng cho cơ chế thị trường về xăng dầu. Sự độc quyền trong lĩnh vực này bị các doanh nghiệp lấy đó làm lợi thế cho mình. Về nguyên tắc, họ phải thực hiện chức năng kinh doanh; chức năng xã hội và phải góp phần bảo đảm về an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng vế đầu thì họ làm, các vế sau thì luôn... quên. Nếu cây xăng nào không thích kinh doanh nữa thì cần bị rút giấy phép, nhường chỗ cho những ai đủ điều kiện gia nhập thị trường”.

Ông Đỗ Ngọc Chính - Giám đốc Trung tâm Tư vấn bảo vệ người tiêu dùng bức xúc trước thực trạng quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng đang bị các doanh nghiệp coi thường.

Ông Chính nhận xét: “Các cơ quan quản lý không thể nói không biết, cũng không thể nói sẽ thanh tra, kiểm tra mà việc cần nhất là phải có giải pháp ngay lập tức. Người tiêu dùng - bộ phận quan trọng quyết định việc hình thành nên thị trường lại không có quyền gì chỉ bởi vì các doanh nghiệp được cơ quan quản lý “o bế”, tính cạnh tranh trên thị trường thấp quá nên doanh nghiệp không lo mất khách hàng, mất thị trường. Chính người tiêu dùng mới quyết định thị trường chứ không phải doanh nghiệp.

“Cần phải mở rộng đối tượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường mới có thể khắc phục được tình trạng doanh nghiệp tùy tiện, cứ thấy khó khăn là tìm đường có lợi cho mình nhất” - ông Chính nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem