HĐXX tuyên án. Ảnh: Hải An
Theo đó HĐXX nhận định:
Việc định giá tài sản của các bên đương sự được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền, đúng quy định nên HĐXX bác khiếu nại về nội dung này.
Về vấn đề tài sản chung, cổ phần tại 7 công ty theo đề nghị của ông Vũ, tòa chia 70/30, bà Thảo không đồng ý.
Về vấn đề con chung, nguyện vọng của ông Vũ là được nuôi con nhưng ông tôn trọng quyết định của các con và đồng ý giao cho bà Thảo trực tiếp nuôi dưỡng. Ông Vũ phải cấp dưỡng nuôi con.
Về phần hôn nhân, ông Vũ và bà Thảo đều thấy mâu thuẫn hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được nên yêu cầu tòa giải quyết cho ly hôn.
Đối với tài sản chung, tại 7 công ty, cổ phần của bà Thảo trị giá 5.737 tỷ đồng, việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân căn cứ vào góp vốn và công sức đóng góp của mỗi người.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nghe tòa tuyên án. Ảnh: Hải An
Về nguồn gốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, ông Vũ là người sáng lập trên cơ sở bán 2 ngôi nhà của bố mẹ từ năm 1996. Sau nhiều lần thay đổi, tăng vốn điều lệ, bổ sung ngành nghề kinh doanh..., cà phê Trung Nguyên thành lập trên cơ sở 2 triệu đồng của gia đình ông Vũ, là công ty do gia đình ông Vũ sáng lập, phát triển.
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên phát triển được 2 năm thì bà Thảo kết hôn với ông Vũ. Trong thời gian mới kết hôn, bà Thảo phải sinh nở, lo đi nước ngoài chăm sóc con cái, ông Vũ luôn là Chủ tịch tập đoàn và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành, phát triển công ty và thương hiệu.
Căn cứ công sức, vai trò của ông Vũ, HĐXX nhận định cần thiết giao Trung Nguyên cho ông Vũ. Ông Vũ có trách nhiệm thanh toán lại phần chênh lệch cho bà Thảo.
Trong buổi xét xử vụ chủ cà phê Trung Nguyên ly hôn sáng nay, tòa án tập trung làm rõ số tài sản gửi tại các ngân hàng trị giá ban đầu hơn 2.100 tỷ đồng là của ai. Tại buổi xét xử, HĐXX công bố các tài khoản tại 2 ngân hàng BIDV, Vietcombank đứng tên cá nhân bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn số dư, tài khoản tại Eximbank chỉ còn hơn 1,3 tỷ đồng.
Phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, tài sản đó là tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên đứng tên bà Thảo hay ông Vũ thì vẫn là tài sản chung. Bà Thảo cần phải làm rõ số tài sản đó được rút khi nào, chi vào việc gì trong khi gia đình cũng như công ty không sử dụng vào số tiền lớn trên.
Phía bà Thảo nói số tài sản gửi mang tên bà tại các ngân hàng không phải là tài sản chung. Tuy nhiên, đó cũng không phải là tài sản riêng của bà Thảo mà có thể là của ai đó chuyển vào tài khoản bà, của đối tác làm ăn… Bà Thảo cho rằng không có nghĩa vụ chứng minh và ông Vũ phản tố thì nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thuộc về ông Vũ.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa. Ảnh: Hải An
Cũng tại phiên xử sáng nay, xuất hiện tình tiết mới làm giảm số tiền tranh chấp trong tài khoản ngân hàng là đại diện Eximbank đã công bố lại số vàng đứng tên bà Thảo tại ngân hàng này. Theo đó, số vàng là 10.000 chỉ chứ không phải 10.000 lượng như lâu nay hai bên từng tranh chấp. Từ việc thay đổi này, số tiền tranh chấp từ hơn 2.100 tỷ giảm còn hơn 1.764 tỷ đồng.
Chiều 27.3, đại diện VKSND TP.HCM đã chỉ ra những sai sót trong quá trình tố tụng của HĐXX. VKS cho rằng, sau khi có kết quả xác minh số tài sản trong các ngân hàng, thẩm phán chủ tọa phiên tòa không mở phiên họp công khai việc giao nộp chứng cứ, không hòa giải... theo quy định tại các điều 205, 208, 210, 211 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Việc yêu cầu chia tiền, vàng gửi tại các ngân hàng là việc mới phát sinh, bởi trước đó yêu cầu này đã được bị đơn rút mà chưa bổ sung, nên cần thiết phải có buổi hòa giải giữa các bên đương sự, để các bên trình bày yêu cầu, cung cấp chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu và phản tố của mình trước khi xét xử.
Khá đông người đến dự phiên tuyên án vụ ly hôn của chủ cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Hải An
Trước đó, tại phiên xử ngày 25.2, đại diện VKSND TP.HCM phát biểu đề nghị tòa án giải quyết cho ông Vũ, bà Thảo được ly hôn theo luật định, đồng thời, đồng ý với sự thống nhất của hai bên đương sự về vấn đề nuôi con, cấp dưỡng nuôi con, phân chia tài sản là 13 bất động sản...
Theo đó, bà Thảo trực tiếp chăm sóc 3 người con (một người đã qua tuổi vị thành niên). Ông Vũ chịu trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con với số tiền 10 tỷ đồng/năm, từ năm 2013 đến hết học đại học.
Tài sản là 13 bất động sản giải quyết theo phương án các bên đưa ra, ai đang sở hữu, sử dụng tài sản nào thì tiếp tục sở hữu bất động sản đó. Bà Thảo chịu trách nhiệm thanh toán lại phần chênh lệch cho ông Vũ.
Về số cổ phần trong 7 công ty thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, ông Vũ đề nghị chia cổ phần theo tỷ lệ 70/30, ông Vũ sẽ trả tiền mặt số 30% cổ phần cho bà Thảo và giữ lại tài sản.
Tuy nhiên, bà Thảo muốn chia tài sản cụ thể đối với Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên là 51% và 39% cho ông Vũ, lý do mẹ ông Vũ đang nắm giữ gần 10%. Như vậy, đối với tỷ lệ 51% - 49% các bên không thể dùng ý chí của mình để áp đặt bên kia.
VKSND nhận định, căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản sau thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất vợ chồng, khi phân chia có tính đến phần đóng góp và tạo lập của mỗi bên, đề nghị tòa xem xét giải quyết phân chia tài sản cho phù hợp.
Đối với tài sản là tiền, vàng, các tài khoản tại các ngân hàng do còn sai sót về mặt tố tụng và chưa đủ căn cứ nên chưa có đủ cơ sở để giải quyết. Đối với công ty tại Singapore, do trước đó tòa án đã tách ra giải quyết ở vụ án khác mà chưa có quyết định nhập về nên không có cơ sở giải quyết trong vụ án này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.