Nhà báo Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay- Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”
Kính thưa: TS. Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Thưa toàn thể quý vị đại biểu và bà con nông dân đã có mặt trong buổi Hội thảo ngày hôm nay.
Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt Báo Nông thôn Ngày nay xin được nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp, cùng toàn thể bà con nông dân đã về tham dự buổi hội thảo “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức.
Đặc biệt, tôi xin được nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của ông Edwin Paraluman- một nông dân tiêu biểu về trồng ngô đến từ Philippines. Tôi cũng xin được nhiệt liệt chào mừng ông Reynaldo- Chủ tịch Đại diện của Mạng lưới Nông dân Khu vực Châu Á tại Philippines.
Thưa quý vị đại biểu, cùng toàn thể bà con nông dân, cây trồng biến đổi gen (GMO) là một thành tựu khoa học tiến bộ của thế giới đã được nghiên cứu, ứng dụng từ 20 năm nay. Trên thế giới, cây trồng biến đổi gen đã được nhiều nước trồng và sử dụng. Tuy nhiên, tại Việt Nam cây trồng biến đổi gen vẫn là một khái niệm mới mẻ, nhất là đối với bà con nông dân- những người sẽ trực tiếp sản xuất cây trồng này trong tương lai.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, Báo Nông thôn Ngày nay đã có nhiều loạt bài phản ánh, thông tin về cây trồng biến đổi gen trên các ấn phẩm của mình như Báo NTNN ra hàng ngày, Báo điện tử Dân Việt, Tạp chí Trang trại Việt. Chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến khác nhau phản ánh về loại cây trồng này, trong đó có rất nhiều ý kiến đánh giá cao giống cây trồng biến đổi gen- một tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, với mục đích cung cấp thông tin đầy đủ hơn nữa, ngày hôm nay, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen” nhằm mục đích cung cấp thông tin khái quát, đầy đủ, toàn diện về cây trồng này đến quý vị đại biểu và bà con nông dân. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu, bà con nông dân về cây trồng biến đổi gen.
Trước khi, các diễn giả trình bày báo cáo tham luận về các chủ đề liên quan đến cây trồng biến đổi gen, thay mặt Ban Tổ chức hội thảo, tôi xin phép được gợi ý một số chủ đề, nội dung mà chúng ta sẽ thảo luận tại buổi hội thảo ngày hôm nay:
- Nêu rõ cây trồng BĐG là gì?.
- Cơ sở và hành lang pháp lý trong việc ứng dụng cây trồng BĐG hiện nay tại nước ta.
- Thực trạng canh tác nông nghiệp trên quy mô nhỏ ở Việt Nam và giải pháp nâng cao năng suất từ cây trồng BĐG.
- Vai trò của Hội Nông dân trong việc thông tin về cây trồng BĐG đến với hội viên nông dân.
- Cơ hội tiếp cận cây trồng BĐG của nông dân Việt Nam: Thực trạng và tiềm năng.
- Điều kiện và khả năng canh tác của nông dân Việt Nam khi ứng dụng cây trồng BĐG.
- Nông dân và nỗi lo giá hạt giống: Giống cây trồng BĐG- độc quyền được không?
- Chuyển giao công nghệ cây trồng BĐG: Nông dân Việt Nam bắt đầu từ đâu.
- Năng suất cây trồng BĐG được tăng lên như thế nào?.
- Thu nhập của nông dân sẽ tăng lên ra sao nếu trồng cây BĐG?
- Hỏi đáp của nông dân về cây trồng BĐG.
Cuối cùng, một lần nữa tôi xin được trân trọng cảm ơn quý vị đại biểu, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp, cùng toàn thể bà con nông dân đã về tham dự buổi hội thảo ngày hôm nay. Tôi cũng xin được trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình ở T.Ư và Hà Nội đã tới dự và đưa tin về hội thảo.
Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!
PGS.TS Lê Huy Hàm
PGS.TS Lê Huy Hàm – Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Cho đến nay, chúng ta vẫn đặt câu hỏi thế nào là cây trồng biến đổi gen (BĐG). Trước đây, chúng ta vẫn áp dụng phương pháp truyền thống là lai, trong đó cây được lai bao gồm cả đặc tính mong muốn và không mong muốn của cây lai còn sử dụng kỹ thuật di truyền (công nghệ gen) thì sẽ tạo ra cây chỉ có đặc tính được mong muốn, vì thế rất nhiều quốc gia muốn ứng dụng công nghệ sinh học vào cuộc sống. Diện tích trồng cây CNSH đã tăng lên 175,2 triệu ha, tại 27 nước. Tổng diện tích lũy kế toàn cầu đã đạt 1,5 tỷ cây. Trong đó, châu Âu có ít nhất 5 nước đã trồng và thương mại hóa cây ngô BĐG...
Đến nay, đã có 500 nhóm nghiên cứu độc lập an toàn sinh học của cây trồng BĐG, 610 bài báo đã được công bố. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học là cây trồng BĐG có rủi ro cao hơn đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi.
"Tôi nghĩ cần có thêm nhiều các chương trình Hội thảo để giới thiệu cho công chúng biết về hệ thống quản lý của Việt Nam đã mất hơn 10 năm để xây dựng, bao gồm 3 luật, 11 thông tư nghị định. Các văn bản này đều có tính đến tính đặc thù của tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam, quan ngại của công chúng với cây trồng BĐG. Hiện có 5 Bộ tham gia vào quản lý nghiên cứu và phát triển thực phẩm biến đổi gen (GMO). Theo quy định, các sản phẩm GMO chỉ cho phép sử dụng ở Việt Nam với hai điều kiện: được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng với cùng mục đích và có hồ sơ đánh giá rủi ro được Hội Đồng ATSH xem xét và khuyến nghị cho phép sử dụng. Ở Việt Nam, trước mắt chỉ cho phép ngô, bông, đậu tương BĐG được tiến hành khảo nghiệm tại và tiến tới thương mại hóa tại Việt Nam", ông Hàm cho hay.
Thanh Xuân (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.