Phát triển vùng trồng dược liệu quý ở miền núi được hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án

P.V Chủ nhật, ngày 20/08/2023 18:23 PM (GMT+7)
Theo Thông tư 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm dược liệu quý chủ lực quốc gia và cấp tỉnh vớ mức tối đa 50% tổng kinh phí của hoạt động và không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Bình luận 0

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thông tư quy định rõ nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, Thông tư quy định mức chi hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý gồm: Chi mua sắm trang thiết bị duy trì hoạt động thường xuyên trong hàng rào dự án. Mức hỗ trợ theo Quyết định của cấp có thẩm quyền trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ: Mức hỗ trợ 02 triệu đồng/tháng/người lao động, thời gian hỗ trợ tối đa 03 tháng/người lao động.

Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh: Hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức tối đa 50% tổng kinh phí của hoạt động và không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Phát triển vùng trồng dược liệu quý ở miền núi được hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án - Ảnh 1.

Vùng trồng sâm Bố Chính ở Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Phúc Lâm

Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng: Mức hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ/kết quả nghiên cứu.

Hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm. Mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 126 triệu đồng/ha.

Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ 01 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc, và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm.

Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam, thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế.

Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem