Phí đường bộ quốc lộ 5 tăng lên 1 tỷ đồng/tháng

Nguyễn Đại – Vinh Hải Thứ bảy, ngày 19/03/2016 08:28 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp vận tải tuyến Hà Nội – Hải Phòng bắt đầu tính đến phương án tăng giá cước vận tải hành khách và hàng hóa khi cả tuyến QL5 cũ và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tăng phí đường bộ.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết trong tình thế cả hai tuyến đường QL5 cũ và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đều tăng phí, các doanh  nghiệp vận tải lại phải tính phương án tăng giá cước vận tải.

Ông Thanh cho hay: “Giá xăng giảm thì giá cước giảm, còn bây giờ tăng phí đường bộ thì tăng cước là chuyện hết sức bình thường”.

Người đứng đầu Hiệp hội vận tải cho hay: “Giá nhiên liệu giảm Nhà nước ép bằng được giá cước phải giảm. Giá cước là giá thị trường không ai duyệt giá cả, còn ông cao tốc thì được duyệt giá, được cho phép để thu phí cao”. 

Về phương án tăng giá khi phí đường bộ tăng, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Nhà xe Anh Huy Đất Cảng phân tích: “Chi phí dành cho phí đường bộ sẽ tăng từ 600 triệu đồng/tháng lên khoảng 1 tỷ đồng/tháng nhưng chúng tôi cũng phải ngó nghiêng thị trường, cung cầu mới tính tăng giá. Doanh nghiệp giờ chịu áp lực kép, không tăng giá thì lo bù lỗ còn nếu tăng giá quá mạnh, hành khách sẽ đi tàu hỏa, doanh nghiệp mất khách. Hiện các phương tiện vận tải cạnh tranh rất mạnh, nếu mình tăng giá vé gấp đôi khách hàng sẽ không đi phương tiện của mình”.

Đối với vận tải hàng hóa, ông Lê Hoàng Diệu – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Hoàng Ngọc Phát cho biết: “Nếu vận chuyển bằng đường QL5 cũ thì phí đường bộ đã mất 800.000 nghìn/chuyến, còn vận chuyển bằng đường cao tốc thì mất 1,6 triệu/ chuyến, cộng với các chi phí khác  doanh nghiệp chẳng còn đồng lãi nào”.

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, giá thành vận chuyển tính theo tấn/km được thỏa thuận giữa nhà xe và khách hàng, vì vậy không dễ nói tăng là tăng, giảm là giảm.

Ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Hải Phòng cho hay: “Mức phí đường bộ tăng quá cao, tăng dồn dập khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp giảm sút. Trong khi đối tác chở hàng không chấp nhận tăng cước phí, doanh nghiệp đã phải giảm phần lợi nhuận của mình để bù vào phí đường”.

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng đồng tình và cho rằng, việc tăng phí trên các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa. “Tôi không hiểu cách tính toán hiệu quả kinh tế thế nào nhưng việc bán được 1.000 bát phở với giá hợp lý còn hơn bát 500 bát với giá cao. Với cách thu phí tận thu như thế tưởng là lợi nhưng lại là hại bởi không nghĩ đến hiệu quả kinh tế của người dân”-ông Phú nói.

Trước đó, gày 16.3, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) – nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thông báo sẽ tăng phí tuyến đường này và đường QL5 kể từ ngày 1.4.

Theo đó, mức phí ở Quốc lộ 5 sẽ dao động từ 45.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt (tăng từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt so với mức phí cũ).

Còn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phí tăng trung bình 25% so với mức áp từ đầu tháng 12.2015. Mức phí cao nhất là 840.000 đồng/lượt áp cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 fit cho tuyến từ vành đai 3 đến nút giao ĐT 356 (Đình Vũ). Cũng với tuyến này, phí áp cho ôtô dưới 12 chỗ tăng từ mức 160.000 đồng/lượt lên 210.000 đồng/lượt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem