Phim truyền hình về Thân mẫu Bác Hồ

Thứ năm, ngày 23/05/2013 10:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ phim truyền hình nhiều tập “Cội nguồn thiêng” sẽ được bấm máy vào tháng 6 tới. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Lê, tác giả kịch bản và đồng đạo diễn.
Bình luận 0

Thưa bà, có lẽ đây là lần đầu tiên có một bộ phim về thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Vì sao bà lại đặt tên bộ phim là “Cội nguồn thiêng”?

- Vâng, thân mẫu của Bác, trước hết là một bà mẹ bình thường, sinh ra trong một gia đình Nho giáo truyền thống miền Trung. Bà Hoàng Thị Loan đặc biệt hiếu học từ nhỏ, với vốn chữ Nho được cha truyền (khi mà con gái thời đó bị cấm không được đến trường ), bà đã là người thầy đầu tiên khai tâm cho các con. Trong lúc kinh tế ngặt nghèo, để giúp chồng có thể theo đòi sự nghiệp, bà đã gánh con đi bộ từ Nam Đàn vào kinh đô Huế để giúp chồng có điều kiện kinh sử.

img
Bà Đoàn Lê (giữa) trong chuyến đi chọn bối cảnh phim “Cội nguồn thiêng” tại miền Trung.

Với lòng tận tụy, vị tha, thương chồng con, gánh vác lo toan mọi việc, bà đã mất ở tuổi 33 sau lần sinh nở thứ tư, khi Bác Hồ mới hơn 10 tuổi. Chúng ta đã biết trẻ em thường hình thành nhân cách từ rất sớm. Phải chăng nhân cách của Bác, bậc vĩ nhân đất nước, đã được hun đúc từ người mẹ tuyệt vời như thế từ buổi ấu thơ? Vì vậy tôi đặt tên bộ phim này là “Cội nguồn thiêng” với ẩn ý đó.

Là nhà văn, nhà kịch bản, rồi làm đạo diễn, theo bà, ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh “tương tác” nhau thế nào?

- Tôi vốn coi nghề viết văn xuôi là nghề chính, đặt hết say mê, tâm huyết với nó. Nhưng tôi cũng đã sống cùng điện ảnh từ thuở đầu đời. Làm nghề biên kịch, nhiều khi tôi cứ ấm ức thấy điều mình viết ra bị các đạo diễn thực hiện theo ý họ, đôi khi lạc nhau.

Vậy nên bất đắc dĩ tôi phải tự thực hiện. Nghề đạo diễn phim tuy vất vả nhưng cũng rất nhiều hấp dẫn, nhất là đạo diễn cho kịch bản của chính mình viết. Những gì mường tượng trong đầu, giờ có điều kiện bày đặt thành hình ảnh cụ thể trước mắt, thành công hay thất bại chỉ do mình quyết định, không trách ai được nữa. Vậy nên tôi gần như chỉ làm phim do kịch bản của tôi viết ra. Chả phải mình cao giá gì, nhưng sự sáng tạo nghệ thuật nó vốn… gàn gàn như thế.

Bà đã làm đạo diễn bao nhiêu phim? Xin bà cho biết một vài kỷ niệm trong nghề?

- Cho đến nay, tôi đã thực hiện gần 10 bộ phim truyền hình với tư cách đạo diễn, cũng một vài lần nhận Giải Bông sen Bạc như phim “Con Vá”, “Chim bìm bịp”… trong các dịp liên hoan phim toàn quốc. Nhắc đến phim “Con Vá”, tôi rất nhớ bác Kim Lân. Ông cụ gần 80 tuổi đóng vai lão Tàu già, bỏ tiền của cưới cô thôn nữ vùng bán sơn địa 17 tuổi làm vợ lẽ, mong có mụn con nối dõi.

Bác vào vai thật tuyệt vời. Đêm tân hôn, cái thân hình khô héo áp sát vẻ ngà ngọc tươi mát là một nghịch cảnh khiến cả đoàn quay phim không khỏi bật cười trêu chọc. Nhưng bác Kim Lân đóng rất nghiêm túc, xúc động. Đó là một cảnh quay ấn tượng nhất của phim. Cũng không ngờ lại thành những thước phim cuối đời của một nhà văn –nghệ sĩ tài năng bởi ít lâu sau thì bác mất. Tôi chưa kịp chia vui cái Giải Bông sen Bạc với bác.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem