Phòng tránh đột quỵ mùa nóng

Thứ hai, ngày 04/04/2011 09:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) công bố số liệu nghiên cứu về bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Nguyên nhân số 1 gây tử vong của nam giới là các bệnh lý mạch máu não, trong đó có đột quỵ.
Bình luận 0

Nhầm tai hại

img
Phẫu thuật tim tại Viện Tim mạch.

Tăng huyết áp là nguyên nhân chính (chiếm tới 80%) gây nên tình trạng tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Những nguyên nhân còn lại là xơ vữa động mạch, thiếu máu cục bộ cơ tim, rung nhĩ, suy tim, vỡ phình mạch máu não...

Đặc biệt, tình trạng tai biến mạch máu não rất dễ xảy ra nếu người bệnh có sẵn bệnh lý đái tháo đường hoặc rối loạn chuyển hóa lipid (tăng mỡ máu). Bệnh chủ yếu gặp ở người già, nhưng người trẻ cũng có thể mắc. Đa số người trẻ tuổi bị tai biến mạch máu não là do vỡ dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp.

Nếu thấy các biểu hiện đột ngột như bỗng nhiên đánh rơi vật dụng đang cầm, nói ngọng hoặc không nói được, tê cứng hoặc đau nửa mặt, nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa hoặc ngất xỉu thì nên đưa đến trạm xá xã để đo huyết áp và xử lý kịp thời. Khi di chuyển nên để bệnh nhân nằm trên mặt phẳng, mặt ngả sang một bên, nới lỏng quần áo cho thoáng mát. Không nên bế, cõng, chở bệnh nhân bằng xe máy khiến họ bị trấn động nhiều hơn.

Một trong những hiểu lầm rất tai hại của người dân là luôn nhầm lẫn các biểu hiện của tai biến là cảm mạo, trúng gió nên thường lật mình đánh gió, cạo gió, cho uống nhiều nước. Nếu đúng là bệnh nhân bị đột quỵ thì thường liệt đường họng, việc cho bệnh nhân uống nước sẽ làm sặc đường thở, suy hô hấp cấp hoặc tăng huyết áp, càng nguy hiểm hơn. Việc tiếp tục lật mình, cạo gió ở lưng, đầu khiến cho bệnh nhân có những chấn động mạnh, việc tai biến có thể nặng hơn.

Khẩn cấp bỏ thuốc lá

Nếu thấy các biểu hiện đột ngột như bỗng nhiên đánh rơi vật dụng đang cầm, nói ngọng hoặc không nói được, tê cứng hoặc đau nửa mặt, nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa hoặc ngất xỉu thì nên đưa đến trạm xá xã để đo huyết áp và xử lý kịp thời.

Người dân muốn phòng ngừa đột quỵ nên duy trì một cuộc sống lành mạnh, tập thể dục, làm việc vừa sức, không ăn nhiều chất béo và ăn nhiều rau củ. Nên thường xuyên đến trạm xá xã để đo huyết áp để biết và có chữa trị kịp thời. Không nên đợi lúc mệt mỏi, nhức đầu mới uống thuốc.

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thay đổi nóng lạnh thất thường sẽ khiến nhiều người bị tai biến mạch máu não. Mùa nóng, người dân phải lao động quần quật ngoài trời, huyết áp dễ lên cao. Ngoài ra, việc mất nước cũng gây rối loạn về đông cầm máu và gây đột quỵ.

Mùa nóng, khi làm việc ngoài trời, người dân nên có các phương án để tránh nóng cho mình. Khi làm việc ngoài trời nên có trang phục chống nóng, đội nón mũ, thường xuyên uống nước và không nên làm việc quá lâu mà nên nghỉ giữa chừng. Một trong những "trang phục" chống nóng tốt nhất của người dân miền Trung là những chiếc áo tơi kết bằng lá cọ hoặc bằng rơm, có tác dụng chống nóng rất tốt.

Một trong những kẻ thù hàng đầu của bệnh tim mạch chính là thuốc lá, thuốc lào. Việc hút thuốc gây nguy cơ xơ vữa động mạch rất cao. Hiện tại, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đang chữa chạy cho nhiều bệnh nhân chuyển lên từ tuyến huyện với biểu hiện các ngón tay, ngón chân bầm tím, sưng phù, đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ.

Cơ chế gây tắc động mạch có rất nhiều, tuy nhiên hầu hết bệnh nhân bị tắc động mạch gây hoại tử chi đều có liên quan đến thuốc lá. Rất tiếc, không dưới 90% nông dân hút thuốc lá mà không biết rằng, mình đang đẩy mình đến chỗ chết hoặc mất sức lao động.

Vì thế, các tổ chức xã hội nên có các chiến dịch vận động bà con bỏ thuốc lá, thuốc lào và ăn trầu thì mới có thể hạn chế được những tai biến mạch máu rất đáng tiếc.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem