Phong tục dân gian, dâng lễ gì trong Lễ hội đền Hùng?

Theo T.P/Báo Nghệ An Thứ sáu, ngày 15/04/2016 17:12 PM (GMT+7)
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian) việc dâng lễ nên tùy vào duyên cảnh mỗi người. Ngoài hai loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày, điều quan trọng chính là ở sự chân thành chứ không phải ở cái lễ.
Bình luận 0

Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim Việt dù đang sống và làm việc ở muôn nơi cùng đập chung một nhịp, nhìn về cùng một hướng.

Ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”  

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.

img

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Trước và trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng Ba âm lịch), hằng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ đều có diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.  

Vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhân dân cả nước ngoài dâng hương, kính lễ còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.  

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. 

Dâng lễ gì trong Lễ hội Đền Hùng?

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian) việc dâng lễ nên tùy vào duyên cảnh của mỗi người. Ngoài hai loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày, mọi người cũng có thể dâng hương hoa hay lễ mặn là xôi – gà…

Điều quan trọng chính là ở sự chân thành chứ không phải ở cái lễ. “Dâng lễ vật lên tổ tiên không quan trọng ở vật chất mà nên dâng những cái tinh túy nhất, mang giá trị tinh thần chứ mâm cao cỗ đầy mà không chân thành cũng mất đi giá trị. Du khách có thể về với Đền Hùng chỉ cần thắp một nén hương để thể hiện tấm lòng hướng về ngày giỗ Tổ và cầu mong cho bản thân một điều gì đó. Tệ hại nhất là cúng ê hề, mâm cao cỗ đầy nhưng thiếu sự thành kính. Muốn lễ đúng phải lễ đủ nội dung là: Tạ ơn, sám nguyện, cầu nguyện, hứa nguyện sau đó mới đến dâng lễ”. 

Nơi nào nên đến trong Lễ hội Đền Hùng?  

Đến Đền Hùng, sau khi làm lễ, những nơi bạn nên đến tiếp theo là: Bảo tàng Hùng Vương - nơi lưu giữ các hiện vật cổ Nhà nước Văn Lang, thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước; Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Văn hóa đất Tổ - cội nguồn dân tộc Việt Nam" gắn với triển lãm mỹ thuật của các họa sỹ Hàn Quốc và Phú Thọ; Triển lãm tác phẩm đá chủ đề "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Việt Nam"; Triển lãm hình ảnh về di sản hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ... 

Có thể giỗ Tổ Hùng Vương tại nhà  

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh cho biết, ngày giỗ Tổ không nhất thiết phải bắt buộc lên Đền Hùng. Ở nước ta hiện có tới 1.600 di tích thờ đền Hùng, ai ở gần những nơi đó thì đến. Nếu không có điều kiện đi lễ Đền Hùng, mọi người có thể làm mâm cơm cúng ở ban thờ gia tiên hoặc chỉ cần thắp một nén nhang tại gia tiên, trước là nhớ đến tổ tiên, sau là hướng đến ngày giỗ quốc Tổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem