Chăm lo đời sống, tinh thần
Chúng tôi đến xã Hải Phúc, một xã có 80% dân số là người DTTS của huyện miền núi Đăkrông. Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau ở thôn Tà Lang bắt đầu bằng bài tập thể dục dưỡng sinh của các thành viên là người cao tuổi trong CLB. Bài tập chỉ khoảng 10 phút với những động tác đơn giản, nhưng đầy ắp tiếng cười nói và tiếng vỗ tay phấn khởi của các bà, các mế.
Một không khí vui tươi, sôi nổi tưởng như chỉ có ở miền xuôi. Sau buổi tập, bà Hồ Thị Xuân - dân tộc Vân Kiều (71 tuổi) hồ hởi chia sẻ: “Như các chị, các mế mình trước đây, già rồi nhưng nếu còn sức khoẻ thì vẫn phải lên nương làm lụng, về nhà lại lúi húi trong bếp, chẳng bao giờ biết đến hoạt động phong trào là gì. Từ ngày Hội Người cao tuổi cho tham gia vào CLB, mế được hướng dẫn tập thể dục dưỡng sinh, được khám sức khoẻ thường kỳ, được tham gia giao lưu với các chị em trong thôn..., thấy mình khoẻ và sống có ích lắm”.
Chị Hồ Thị Lành (thôn Tà Lang) thu hoạch nấm rơm trồng từ vốn vay của CLB.
Ông Nguyễn Ngọc Thản – Trưởng ban Người cao tuổi của huyện Đăkrông cho biết: Từ năm 2012, được sự giúp đỡ của Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức 8 mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn huyện Đăkrông.
Được tổ chức tại thôn bản, mỗi CLB Liên thế hệ tự giúp nhau có số lượng từ 50 – 70 thành viên. Ban chủ nhiệm CLB gồm 5 người do các thành viên bầu chọn. Mỗi CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thường có 5 – 10 tình nguyện viên làm nhiệm vụ hỗ trợ.
Hoạt động chính của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là: Sử dụng quỹ phát triển của CLB để đầu tư vào các hoạt động nhằm tăng thu nhập thường xuyên cho CLB; biểu diễn văn hóa - văn nghệ, giao lưu, thăm hỏi giữa các thành viên; tổ chức thảo luận, giúp đỡ ít nhất mỗi trường hợp một tháng; giúp đỡ cộng đồng thông qua việc làm vệ sinh đường làng, dọn rác; tổ chức các hoạt động thể dục dưỡng sinh, kiểm tra sức khỏe hàng tháng, định kỳ…
Hỗ trợ sinh kế
Nét nổi bật của CLB Liên thế hệ là việc đề cao vai trò của hoạt động tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng. Từ ngày tham gia CLB, bà Hồ Thị Đào (71 tuổi), thôn Tà Lang cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn rất nhiều. Bà không có chồng con, sống một mình nên cuộc sống rất khó khăn. Các thành viên trong CLB đã thay phiên nhau đến giúp bà làm các việc trong nhà, bầu bạn chia sẻ những lúc ốm đau, bệnh tật.
Ngoài được chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ về mặt tinh thần, thành viên CLB còn hỗ trợ giúp nhau về sinh kế. Bà Hồ Thị Xuân - Trưởng nhóm CLB Liên thế hệ giúp nhau của thôn Tà Lang cho hay: “Đợt đầu tiên năm 2012, chúng tôi được hỗ trợ số vốn 62 triệu đồng để làm ăn, đợt 2 là 38 triệu, đợt 3 là 140 triệu. Tôi lần lượt cho các chị em vay vốn để chăn nuôi lợn, gà, trồng gấc. Đến nay nhiều chị em đã có của ăn, của để nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn vay”.
Vay được 3 triệu, chị Hồ Thị Lành đầu tư mua lợn giống. Sau một năm, chị xuất chuồng thu được hơn 5 triệu. Chị để dành ra một ít để mua lợn giống, còn lại để lại để sửa chữa nhà. “Nhà mình thuộc diện hộ nghèo, bình thường cũng chỉ có tiền để mua 1- 2 con lợn giống thôi. Nhờ có vốn vay, mình mới mua được nhiều lợn hơn để chăn nuôi tập trung, thu được nhiều tiền hơn” - chị Lành chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Thản cho biết: Sự ra đời của CLB Liên thế hệ nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, gia đình và cộng đồng của họ, trong đó đặc biệt hướng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương- hộ nghèo, cận nghèo, người già, phụ nữ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.